Cho vay ít, hiệu quả lớn

QUỲNH CHI thực hiện| 14/07/2010 09:58

Theo Nghị định 41, từ 1/6, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có thể được vay tín chấp (không có tài sản thế chấp) tối đa đến 50 triệu đồng, gấp 5 lần so với mức đang áp dụng hiện nay.

Cho vay ít, hiệu quả lớn

Theo Nghị định 41, từ 1/6, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có thể được vay tín chấp (không có tài sản thế chấp) tối đa đến 50 triệu đồng, gấp 5 lần so với mức đang áp dụng hiện nay. Riêng với hộ sản xuất thuộc các ngành nghề khác thì mức vay tín chấp đến 200 triệu đồng. Hợp tác xã, chủ trang trại có thể vay tối đa không tài sản đảm bảo lên tới 500 triệu đồng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, ông Nguyễn Văn Giàu, cho rằng, lâu nay, việc thành lập các tổ vay vốn để cho nông dân vay không bảo đảm (vay tín chấp) vài trăm triệu đồng với mục đích phát triển sản xuất đã đem lại lợi ích không nhỏ trong phong trào phát triển kinh tế gia đình ở vùng nông thôn.

* Trước đây, theo Quyết định 67/QĐ-TTG, người dân chỉ được vay 10 - 15 triệu đồng mà còn khó khăn, nay Nghị định 41 quy định tăng số tiền được vay từ 50 - 500 triệu đồng liệu có khả thi không, thưa ông?

- Nguồn vốn để phục vụ phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa cơ bản đáp ứng được, nhưng để tiến tới nền nông nghiệp hàng hóa cạnh tranh, xây dựng nông thôn mới thì vẫn còn hạn chế. Hiện mức tăng trưởng tín dụng mới đạt 20%/năm, nguồn vốn trung và dài hạn cũng chưa nhiều.

Tuy nhiên, NHNN đang chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở tỉnh xây dựng kế hoạch, đề án để trên cơ sở đó hỗ trợ vốn ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, NHNN còn khuyến khích các ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia cho vay lĩnh vực này.

* Liệu các NHTM có tham gia cho vay nông thôn không khi mà tín dụng đang bị thắt chặt và nguồn vốn cho doanh nghiệp vay đã bị đánh giá là khá hạn chế?

- NHNN sẽ tạo rất nhiều ưu đãi nếu tham gia thực hiện tốt Nghị định 41. Cụ thể, NH có dư nợ cho vay nông nghiệp chiếm từ 40% trong tổng dư nợ sẽ được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ mức 3% xuống còn 1,5%. Những NH có tỷ lệ cho vay nông nghiệp lớn hơn, chẳng hạn từ 60% trở lên, tỷ lệ dự trữ bắt buộc chỉ còn 1%.

NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có dư nợ nông nghiệp chiếm 70%, tỷ lệ dự trữ bắt buộc còn 1% và tới đây giảm chỉ còn 0,1%. Hiện dự trữ bắt buộc có lãi suất bằng 0%, do vậy việc hạ dự trữ bắt buộc sẽ giúp các NH giảm chi phí vốn, tạo cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, NHNN sẽ tạo điều kiện để các NH có nguồn vốn cho vay dài hạn bằng cách để dành lại một phần trong nguồn tiền cung ứng ra thị trường hằng năm.

* Băn khoăn lớn nhất của nông dân hiện nay là tài sản thế chấp, vậy đây có phải là điều khiến NHTM dè dặt?

- Theo Nghị định 41 sẽ triển khai tới đây, mức vay có thể đến 500 triệu đồng. Nếu cứ duy trì việc thế chấp sổ đỏ theo kiểu cũ thì sẽ rất tốn kém cho nông dân khi vay vốn, vì phải mất phí công chứng. Do vậy, hiện nay, thủ tục cho vay rất đơn giản, chỉ cần người nông dân vay đúng mục đích là sẽ được giải ngân.

Còn NH cầm sổ đỏ là với lý do nhằm tránh trường hợp người dân đem sổ đỏ cầm cố lung tung, chứ hiện nay sổ đỏ không phải là điều kiện để được vay. Đối với NH, trong những trường hợp phát sinh rủi ro trên diện rộng thì sẽ được khoanh nợ tới hai năm; bị thiên tai dịch bệnh sẽ được xem xét và có chính sách cụ thể.

* Nhiều NHTM cho biết, tín dụng nông thôn phổ biến nhất là đảo nợ. Vậy theo ông, có phải cho vay lĩnh vực này rủi ro thực sự là rất lớn?

- Tôi thừa nhận vốn cho nông nghiệp luôn là một bài toán khó. Tuy nhiên, do cũng từng làm Tổng giám đốc của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên tôi hiểu rất rõ lĩnh vực này. Sẽ không có gì là rủi ro vì mỗi NH đều biết sắp xếp lộ trình hoạt động của mình sao cho thu, chi hiệu quả.

Chẳng hạn, để phát triển tín dụng nông thôn, ngoài chính sách, còn cần có cơ chế mở, đơn giản và công khai thủ tục, đồng thời phải có đội ngũ nhân viên hướng dẫn cặn kẽ để nông dân sử dụng vốn hiệu quả. Ngoài ra, không phải nông dân thường hay đảo nợ, mà đó là cho vay lưu vụ. Vì nông dân sản xuất cây ngắn ngày nên thường quay vòng trong vòng một năm. Ví dụ, nông dân trồng cây ngắn ngày (như lúa có ba tháng) là phổ biến, nên họ dùng tiền để xoay vòng. Như vậy, nói đảo nợ là không chính xác.

Hơn nữa, theo báo cáo, sau 10 năm, dư nợ tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn tăng xấp xỉ 9 lần, đạt gần 300 ngàn tỷ đồng (năm 2009), chiếm 16,7% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Đáng kể, chất lượng tín dụng cho vay nông nghiệp được đảm bảo, nợ xấu cuối năm 2009 khu vực này chỉ chiếm 2,75%.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cho vay ít, hiệu quả lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO