![]() |
Một loạt ngân hàng (NH) lớn nâng lãi suất huy động dài hạn lên 13%. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank - Trịnh Quang Anh, nói: “Đó là vòng luẩn quẩn:Chi phí đầu vào tăng, sẽ tăng áp lực đầu ra, lãi suất cho vay khó giảm xuống thấp, DN càng khó tiếp cận”.
Đọc E-paper
* Hầu hết các NH lớn đã nâng lãi suất huy động dài hạn lên 13%, thay vì mức trần 9% như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định gần đây. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
![]() |
- Thanh khoản hệ thống, nhìn bên ngoài, đang được cải thiện tích cực nhưng trên thực tế độ dễ tổn thương rất cao. Có những lý do để người ta phải chuẩn bị trước nguồn, đó là: những bất ổn tiềm ẩn trong hệ thống buộc các NH phải phòng thủ, tăng mức dự trữ vượt; rủi ro thanh khoản vàng kéo theo thanh khoản ngoại tệ rồi thanh khoản VNĐ...
Thực tế, chỉ cần một cú sốc như “sự kiện ACB” vừa rồi, thanh khoản hệ thống lập tức có vấn đề (hoảng loạn NH). Hơn nữa, đằng sau vấn đề thanh khoản hiện nay là nợ xấu mà đằng sau nợ xấu là tình trạng thị trường tài sản và sức khỏe của nền kinh tế. Khi những vấn đề “gốc” chưa được xử lý, thanh khoản hệ thống chưa thể bền vững.
* Theo ông, động thái này dự báo điều gì trong tương lai?
- Người ta đón đầu, chuẩn bị cho một chu kỳ đầu tư mới, đó là điều tích cực. Nhưng tôi cho rằng, ở đây nặng về hàm ý tiêu cực. Người ta phòng thủ là chính và để dự trữ vượt mức là chính. Bây giờ, thanh khoản vàng đang bị đe dọa, tất nhiên chỉ ở một số ít NH được làm chuyện này.
Nhưng thanh khoản vàng lập tức lan chuyền sang thanh khoản ngoại tệ, do trạng thái vàng bị âm nặng trong bối cảnh thị trường vàng biến động mạnh, người ta phải trữ sẵn ngoại tệ để nhập vàng cân bằng trạng thái và đáp ứng nhu cầu rút vàng của người gửi.
Cuối cùng, sự di chuyển của thanh khoản vàng và ngoại tệ sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản VNĐ.
* Nhưng điều này sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế?
- Người ta cho rằng chi phí vốn, giá vốn cao làm cho DN không tiếp cận được vốn. Tôi không nhìn ở góc độ đó. Bản chất của nền kinh tế thực rất yếu, khả năng hấp thụ vốn không có, triển vọng kinh tế không sáng nên DN quyết định chưa mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ví dụ, chỉ số hàng tồn kho giảm, thông thường ta hiểu là nhờ sức cầu tăng. Nhưng ở đây không phải như vậy, đó là do DN dừng sản xuất, hàng tồn kho tự khắc nó tụt xuống. Ý nghĩa tiêu cực này chỉ ra, nền kinh tế vẫn trong tình trạng suy thoái, đình trệ.
* Thay vì nới lỏng tiền tệ qua cắt giảm lãi suất, có giải pháp nào khác không, thưa ông?
- Trước hết, giải pháp phải xuất phát từ nền kinh tế thực. Chính sách tiền tệ đang bị mất hiệu lực do sức cầu của nền kinh tế quá yếu: Lãi suất được cắt giảm dồn dập, vốn vẫn không ra được nền kinh tế. Bây giờ chỉ còn trông đợi vào chính sách tài khóa nới lỏng mới hy vọng có tác động, làm cho DN hồi sức và nền kinh tế thực ấm lên.
Ở đây, chúng ta nhìn câu chuyện hơi “con gà quả trứng” một chút, nhưng chỉ khi nền kinh tế thực hồi phục, nhu cầu tín dụng xuất hiện, mới vực dậy sản xuất kinh doanh.
* Chúng ta có quá hi vọng vào tác động của chính sách tài khóa không, khi mà lãi suất đang bấp bênh và DN vẫn khó khăn như hiện nay?
Vấn đề là dư địa của chính sách tài khóa cũng bị hạn hẹp, dự thu không đạt đang áp lực lên bội chi. Cơ quan tài chính chỉ còn giải pháp là tiếp tục phải điều chỉnh kế hoạch phát hành trái phiếu để có nguồn đáp ứng chi.
Chúng tôi tính toán, mức hụt thu của năm nay sẽ rơi vào khoảng 20 - 30 ngàn tỷ đồng, nên buộc Bộ Tài chính phải phát hành thêm trái phiếu để bù đắp. Hệ thống NH thương mại sẽ tiếp tục hấp thụ phần lớn khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành này.
* Cảm ơn ông!