Chính quyền đô thị - Sự khác biệt

PHẠM PHƯƠNG THẢO| 05/05/2012 09:59

Chính quyền đô thị theo đề án ban đầu của TP. Hồ Chí Minh có đặc trưng khác biệt so với mô hình chính quyền hiện hữu.

Chính quyền đô thị - Sự khác biệt

Chính quyền đô thị theo đề án ban đầu của TP. Hồ Chí Minh có đặc trưng khác biệt so với mô hình chính quyền hiện hữu.

Đọc E-paper

Những bất cập hiện nay

Mô hình chính quyền hiện hữu chưa phân định rõ ràng sự khác biệt trong quản lý hành chính nhà nước ở địa bàn nông thôn và đô thị. Chính vì thế những bất cập trong quản lý đô thị khó có thể khắc phục được.

Do chưa căn cứ vào đặc thù của đô thị, bộ máy quản lý luôn trong tình trạng thiếu đồng bộ. Mâu thuẫn giữa tính thống nhất, tích hợp, liên thông trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị với thực tế quản lý phân tán, cắt  khúc theo địa giới hành chính và theo các ngành, cứ kéo dài.

Nhu cầu quản lý thống nhất, đồng bộ và liên thông ở đô thị không tương thích với việc xác định trách nhiệm theo cấp quản lý, dẫn đến nhiều cơ quan tham gia quản lý nhưng không rõ trách nhiệm.

Việc phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương chưa rõ ràng, quyền hạn chưa tương xứng với nhiệm vụ, còn biểu hiện “quyền lực ngành” với cơ chế xin - cho, giấy phép con… Chế độ tập thể lãnh đạo của Ủy ban nhân dân không rõ trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân dẫn đến hội họp nhiều, phản ứng chậm, kém hiệu quả.

Nghị định 93/2001/NĐ-CP có mở rộng phân cấp cho thành phố trên bốn lĩnh vực như: Quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội; quản lý nhà, đất và hạ tầng kỹ thuật đô thị; quản lý ngân sách nhà nước và tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức.

Nhưng đến nay, nghị định này đã không còn phù hợp do việc ra đời của nhiều luật chuyên ngành. Trong thực tế, về tổ chức bộ máy, Chính phủ quy định khá cứng các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, riêng cấp xã thì khống chế số lượng cán bộ, công chức.

Chính vì thế mà có những phường-xã dân cư đông đến gần 100.000 dân cũng có bộ máy tương tự như những nơi có 10.000 dân và số lượng cán bộ, công chức có được tăng thêm nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu.

Thành phố muốn có lực lượng cảnh sát đô thị trực thuộc Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố. Mặc dù, hiện nay thành phố được thí điểm thanh tra xây dựng với lực lượng khá đông nhưng vẫn bất cập trong quản lý trật tự đô thị.

Về tài chính, ngân sách thành phố cũng rất khó khăn vì đang cần nguồn vốn lớn, nhất là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý các vấn đề về môi trường…

Nhiều lần, thành phố có đề xuất những cơ chế chính sách về việc được ổn định tỷ lệ điều tiết, về việc giao cho Hội đồng nhân dân quyết định các định mức chi và được quy định một số khoản thu, mức thu về phí để phát triển cơ sở hạ tầng… hoặc có thẩm quyền tạo nguồn thu khác mà luật pháp hiện hành không cấm… nhưng chưa được xem xét.

Trong khi nguồn lực, tiềm năng của thành phố còn lớn mà chưa được thu hút cho sự phát triển bền vững theo yêu cầu. Mỗi năm ngân sách thành phố chi cho xây dựng cơ bản khoảng hơn 10.000 tỉ (trong đó trả nợ vay có năm hơn 3.000 tỉ) là không thấm vào đâu.

Thành phố trong thành phố

TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, có quy mô lớn và đang trên đà phát triển nhanh. Để nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo và quản lý một siêu đô thị, TP. Hồ Chí Minh đề xuất tổ chức lại đơn vị hành chính trực thuộc gồm có thành phố trong thành phố, có quận-huyện và có thể có cả thị xã trong thành phố cho phù hợp với đặc điểm địa lý, hệ thống hạ tầng và điều kiện cho phép. Và như vậy sẽ làm gọn các đầu mối trực thuộc thành phố.

Về cơ cấu tổ chức, thành phố sẽ là cấp chính quyền hoàn chỉnh, các thành phố trực thuộc và thị xã có Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính (hay Thị trưởng). Ở các quận-huyện, phường không tổ chức Hội đồng nhân dân, chỉ có Ủy ban hành chính thực hiện một số chức năng nhiệm vụ có tính chất đại diện của cơ quan hành chính thành phố, đóng vai trò trung gian, đảm bảo hiệu quả quản lý.

Đối với khu vực nông thôn trong đô thị thì ở cấp huyện chỉ tổ chức cơ quan quản lý hành chính. Ở các xã, thị trấn sẽ có cấp chính quyền hoàn chỉnh hoặc chỉ có Ủy ban hành chính. Chức năng, nhiệm vụ sẽ được xác định phù hợp với đặc điểm và quy mô của địa bàn.

Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các sở-ngành được điều chỉnh từ chủ yếu là cơ quan tham mưu thành cơ quan quản lý nhà nước theo luật định đối với lĩnh vực được phân công. Giám đốc sở có quyền ra quyết định quản lý, chỉ đạo điều hành thực hiện quy hoạch, kế hoạch ngành của thành phố và được giao trực tiếp quản lý, sử dụng đội ngũ công chức theo ngành dọc từ thành phố đến cơ sở, khắc phục tình trạng đùn đẩy công việc có tính chất sự vụ lên Ủy ban thành phố.

Đô thị có đặc trưng cơ bản khác với nông thôn bởi mật độ dân số cao, kết cấu dân cư phức hợp, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội có tính liên thông, đồng bộ, không chỉ phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quận, mỗi phường…

Việc quản lý đô thị không chỉ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và liên thông mà còn đáp ứng các nguyên tắc quản trị đô thị với hàng loạt mối quan tâm cụ thể nhằm vận hành quản lý các công việc của đô thị theo thẩm quyền, chế độ trách nhiệm, sự minh bạch và sự tham gia của nhân dân.

Đô thị như một thực thể sống và vận động trong khuôn khổ của hệ thống kinh tế, xã hội, môi trường; không chỉ có thể chế nhà nước mà còn có yếu tố thị trường và cộng đồng; không chỉ có không gian địa phương mà còn là không gian mở đối với cả nước và toàn cầu. Đô thị còn là trung tâm của các chuyển biến về kinh tế - xã hội, là điểm kết nối và lan tỏa về giao thông, truyền thông và tri thức.

Việc thiết kế chính quyền đô thị tuân theo nguyên tắc chủ thể quản lý phải phù hợp với khách thể (đối tượng quản lý) nhằm đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phù hợp với điều kiện vận hành của cơ chế thị trường và xu hướng hội nhập quốc tế. Chính quyền đô thị sẽ nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững theo hướng văn minh, hiện đại.

Để phát huy vai trò đầu tàu và tiềm lực của đô thị trong vùng kinh tế trọng điểm, chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa phân cấp theo hướng tăng thẩm quyền về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy quản lý (chủ động trong tổ chức các cơ quan chuyên môn trực thuộc, biên chế, sắp xếp nhân sự và chế độ trả lương cho cán bộ công chức viên, viên chức trong bộ máy hành chính), ngân sách nhà nước và quyền lập quy phù hợp với yêu cầu phát triển và quản lý đô thị để thành phố có thể chủ động hơn đồng thời chịu sự giám sát của chính phủ và nhân dân thành phố.

Một chính quyền đô thị được tổ chức theo yêu cầu khách quan, có đủ thẩm quyền quyết định chủ trương, giải pháp quản lý với hiệu quả cao hơn vì lợi ích nhân dân sẽ phục vụ nhân dân tốt hơn. Không chỉ có người dân thành phố được hưởng lợi từ nền hành chính hiệu quả hơn mà còn góp phần lớn hơn vì sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Hình dung về một mô hình chính quyền đô thị

Theo ông Lê Minh Thông, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức, Ban tổ chức Trung ương, hiện là Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội, chính quyền đô thị nên là chính quyền một cấp. Nói cách khác, chính quyền đầy đủ chỉ nên ở cấp thành phố thôi.

Cấp thành phố có đầy đủ HĐND, UBND, còn quận và phường chỉ nên có cơ quan hành chính như là một cơ quan của chính quyền thành phố đặt tại các địa bàn để giải quyết các vấn đề cụ thể đặt ra. Nó hoạt động như những văn phòng hành chính để xử lý các công việc hành chính theo phân cấp.

Tính chất đô thị là liên thông với nhau. Nước, điện, giao thông cũng liên thông với nhau, người ở quận này đi làm ở quận kia…

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, chính quyền đô thị có nhiều lợi ích:

- Thứ nhất, bộ máy quản lý đô thị sẽ trở nên gọn nhẹ, giải quyết các vấn đề tập trung, đồng bộ hơn trên toàn bộ thành phố. Chính quyền một cấp sẽ góp phần làm cho bộ máy hoạt động liên thông. Tất cả các chính sách, các giải pháp sẽ được thực hiện một cách nhất quán, chứ không phải mỗi quận làm một kiểu như hiện nay.

- Thứ hai, chúng ta sẽ tiết kiệm được một khoản đáng kể chi phí duy trì bộ máy HĐND
quận, phường.

- Thứ ba là trách nhiệm cũng rõ ràng hơn. Trách nhiệm của cơ quan hành chính sẽ rất rõ, không còn chuyện “đổ lỗi” quyết định đó do HĐND quyết được nữa. Với một nền hành chính thủ trưởng, chắc chắn công việc sẽ được giải quyết nhanh gọn hơn rất nhiều do không phải trình lên trình xuống.

Chẳng hạn đã có kiến nghị thiết kế mô hình cơ quan hành chính thủ trưởng, như chính
quyền đô thị nên thiết kế mô hình Thị trưởng.

Theo đó thị trưởng là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn bộ trước Nhà nước về mặt hành chính, chứ không phải là cơ quan tập thể như hiện nay.

Thị trưởng phải có trách nhiệm ra quyết định, phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình, phải căn cứ vào nghị quyết của HĐND, nghị quyết của cấp ủy để mà hành động.

Giúp thị trưởng là cả một bộ máy hành chính, hoạt động theo chỉ huy điều hành của thị
trưởng.

T.H

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính quyền đô thị - Sự khác biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO