Chiếc iPhone con cá tra

26/04/2010 06:09

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu ba tháng đầu năm đã tăng vọt, lên hơn 17,5 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu là 14 tỷ.

Chiếc iPhone con cá tra

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu ba tháng đầu năm đã tăng vọt, lên hơn 17,5 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu là 14 tỷ. Chính xu hướng nhập hàng ngoại ồ ạt đã tạo nên sự chênh lệch này.

Trong ba tháng đầu năm, Việt Nam đã chi hàng tỷ USD để nhập ô tô, xe máy, hàng điện tử... Riêng tiền nhập khẩu thiết bị 3G, trong đó, chủ yếu là điện thoại iPhone, lên tới 1 tỷ USD, tương đương giá trị nhập khẩu điện thoại di động của cả năm ngoái. Những nhóm mặt hàng trên đã góp phần đẩy con số nhập siêu lên đến 3,5 tỷ USD. Hậu quả của nhập siêu, tất cả đều thấy rõ: tác động lên tỷ giá và ảnh hưởng đến từng cá nhân; doanh nghiệp chật vật tìm mua USD để nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị…

Nhiều ý kiến cho rằng, thực trạng nhập siêu một phần do tâm lý “sính ngoại” của cả người dân và doanh nghiệp còn khá nặng nề. Thị trường Việt Nam từng có tình trạng hàng may mặc sản xuất tại nội địa, dù chất lượng thấp nhưng được gắn mác ngoại vào nên vẫn tiêu thụ ào ào.

Gần đây, tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng cũng là một yếu tố dẫn tới “sốt” giá sữa nhập khẩu tại Việt Nam. Dù rằng sữa nhập khẩu hay sản xuất trong nước đều sử dụng nguyên liệu chính là sữa nguyên liệu nhập khẩu từ các nước như Úc, New Zealand và Hà Lan, nhưng nếu hộp sữa mang mác ngoại thì giá nào cũng bán được. Thế thì chẳng có lý do gì mà các công ty không tăng giá sữa ngoại nhập.

Đối với các mặt hàng công nghệ và kỹ thuật cao, tâm lý sính ngoại còn có những biểu hiện kinh khủng hơn, với những chiếc điện thoại giá hàng ngàn đô, những chiếc siêu xe hàng triệu đô…

Người ta từng có những thống kê cho thấy, người nông dân phải bán cả tấn gạo, cả tấn cá tra mới “đổi” được một chiếc điện thoại Nokia tầm trung. Như vậy, không biết phải bao nhiêu nông dân, bao nhiêu công nhân làm việc trong bao nhiêu ngày đêm mới đủ tiền nhập một chiếc xe Rolls-Royce đang trở thành cơn sốt ở Hà Nội và TP.HCM?

Dùng hàng xa xỉ, cao cấp thuộc về chuyện cá nhân. Nhưng trong tình hình cả nước phải tiết kiệm ngoại tệ, ưu tiên chi ngoại tệ để nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu cho nền kinh tế, thì việc tiết kiệm là trách nhiệm của mỗi cơng dân. Ở góc độ khác, thói quen mua sắm hàng ngoại nhập như một gam màu rất “chỏi” khi mà cả nước đang hưởng ứng cuộc
vận động dùng hàng Việt Nam.

Trong khi đó, ngay tại TP.HCM thôi, có thể thấy những quán ăn Hàn Quốc luôn đông nghẹt khách Hàn Quốc; những công ty Nhật nhất quyết chỉ sử dụng thiết bị, dịch vụ do chính doanh nghiệp Nhật cung cấp…Quả thực, không thể không suy nghĩ về thói quen ủng hộ hàng nội địa của người dân và doanh nghiệp những quốc gia này.

Quay trở lại chuyện nhập siêu ở Việt Nam. Để giải quyết bài toán này, cơ quan quản lý vội vàng kiềm chế nhập khẩu điện thoại di động. Chiếc điện thoại iPhone và nhiều nhãn hiệu khác được bổ sung vào nhóm “quản lý rủi ro” về giá, bên cạnh một số mặt hàng khác như rượu ngoại, mỹ phẩm, ô tô, xe máy, kính xây dựng, vải… Nói cách khác, hàng xa xỉ sẽ phải chịu thuế cao hơn trước đây.

Có thể thấy, tập trung hạn chế một số mặt hàng xa xỉ là đúng, nhưng sẽ không thể giúp cải thiện được đáng kể tình trạng nhập siêu. Mặt khác, mua sắm hàng xa xỉ thường là nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao, nên dù chiếc iPhone có tăng thêm vài trăm ngàn đồng chắc cũng không thành vấn đề với họ. Vì vậy, vấn đề kiềm chế hàng xa xỉ chỉ nên dừng lại ở mức độ vận động, nhưng cần tuyên truyền rộng rãi hơn và thực hiện kiên trì hơn.

Bên cạnh đó, nếu nhìn vào thực chất, nhập siêu của Việt Nam phần lớn do cơ cấu nền kinh tế. Do đó, các cơ quan chức năng vẫn có thể can thiệp hoạt động nhập khẩu bằng cách xây dựng hàng rào kỹ thuật cho một số mặt hàng xa xỉ. Và về lâu dài, cần khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chiếc iPhone con cá tra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO