Chạnh lòng Tây Bắc

LÂM THAO| 22/04/2010 09:20

Tháng Tư, Sa Pa nóng hơn 30 độ C. Tháng Tư, con sông Nậm Thi nằm giữa cửa khẩu quốc tế Lào Cai với Hà Khẩu cạn nước, trơ sỏi. Thế nhưng, vẫn có nhiều đoàn người háo hức lên đây...

Chạnh lòng Tây Bắc

Tháng Tư, Sa Pa nóng hơn 30 đọ C. Tháng Tư, con sông Nậm Thi nằm giữa cửa khẩu quốc tế Lào Cai với Hà Khẩu cạn nước, trơ sỏi. Thế nhưng, vẫn có nhiều đoàn người háo hức lên đây...

Sa Pa và đô la

Nếu ở TP.HCM, cửa hiệu nào chỉ niêm yết giá hàng hóa bằng USD, sẽ có tờ giấy phạt gửi ngay đến chủ tiệm. Nhưng ở Sa Pa, chuyện niêm yết giá bằng ngoại tệ là chuyện bình thường và lan cả vào đời sống của những người H’Mông vốn chân chất. Đến nỗi khi khách du lịch chỉ vừa đưa máy ảnh lên định chụp một phụ nữ Mông địu con trên lưng giữa chợ Sa Pa, ngay lập tức nhận được một câu tiếng Anh phát âm cực chuẩn: ten dollars (10 đô la)!

Dân Sa Pa bán hàng cho du khách

Thạch, một hướng dẫn viên cho biết, người Mông ở Sa Pa, đặc biệt là những đứa trẻ từ 6 - 7 tuổi trở lên, nói tiếng Anh rất giỏi. Mà đúng thật, bắt chuyện với một cô bé sống ở bản Cát Cát, cách giao tiếp bằng ngoại ngữ của cô quá chuyên nghiệp, không một chút vấp váp, mà lại có phần điệu đàng. Thế nhưng, điều đáng nói là tiếng Việt của người H'Mông nơi đây lại có vẻ đi ngược lại với phong trào Anh ngữ đang thịnh hành.

Bởi vì, những đồng đô la kiếm được mỗi ngày đã trở thành quen thuộc với người dân vốn lâu nay chỉ quen với những mảnh ruộng bậc thang chênh vênh trên sườn núi, với những chiếc gùi củi nặng trĩu trên lưng những phụ nữ cam chịu. Gùi thì vẫn còn trên lưng nhưng đã trở thành quầy hàng lưu niệm di động. Những tấm thổ cẩm, túi xách, đôi giày thêu... được rao là hàng thủ công, nhưng thực tế phần lớn là nhập từ Trung Quốc.

Có một điều lạ là ban ngày ở Sa Pa chỉ thấy toàn phụ nữ. Và không biết tỷ lệ sinh đẻ ở đây cao đến mức nào, nhưng trên tay ai, từ những bà cụ trên dưới 80 tuổi, đến những bé gái tóc còn cháy nắng, cũng luôn ôm một đứa bé. Mà quả thật, phương pháp bán hàng của người H'Mông Sa Pa quá đặc biệt. Với khách du lịch trong nước, họ cứ điềm nhiên dúi hàng vào tay khách và nói bằng một giọng lơ lớ rất “dễ thương”: Tặng cô này, tặng chú này! Tất nhiên sau gần chục lần đẩy tới đẩy lui, khách sẽ phải móc tiền ra mua với giá đắt gấp năm lần giá mua ngoài chợ.

Đêm thứ Bảy, chợ tình Sa Pa được nhắc đến như một “đặc sản văn hóa” lại diễn ra. Dưới chân nhà thờ đá, hàng trăm khách du lịch tu lạï. Mỗi góc chợ lại có một vòng tròn người xoay quanh đôi trai gái người Mông. Cũng khèn, cũng váy xòe, chiếc ô truyền thống, nhưng âm thanh tình tự của lời ca, khúc nhạc được du khách chờ đợi vẫn đỏng đảnh, chưa chịu vào cuộc.

Lâu lâu, cậu trai trẻ người H'Mông chừng 15 - 16 tuổi ghé miệng thổi một hơi nhẹ vào chiếc khèn làm dáng, cô bạn gái cũng cỡ tuổi đó xoay nhẹ chiếc ô trên đầu nhìn bâng quơ. Hỏi một đôi du khách lớn tuổi người Kinh có vẻ đứng chờ đã lâu, rằng, sao đôi trai gái người Mông đứng im mãi vậy, thì được biết: Họ chờ cho tiền mới múa!

"Hàng cấm" ở Hà Khẩu

Đến Sa Pa, không ai lại không làm một chuyến sang Hà Khẩu (Trung Quốc), thị trấn giáp với cửa khẩu quốc tế Lào Cai, nằm bên kia sông Nậm Thi đoạn cắt thượng nguồn sông Hồng. Trả 140 ngàn đồng cho hướng dẫn viên tại cửa khẩu Lào Cai, chỉ 20 phút sau, bạn sẽ có giấy thông hành kèm chứng nhận tiêm phòng để thoải mái bước qua Hà Khẩu. Trên chiếc xe điện dùng phục vụ khách du lịch, anh chàng hướng dẫn viên thuyết trình sơ bộ điểm đến, làm cho cánh đàn ông đặc biệt “phấn khích”.

Vũ khí bày bán tự do trong chợ Hà Khẩu

Điểm đến chính được giới thiệu là ngôi chợ ba tầng của người Việt. Ngôi chợ này vừa giống chợ người Việt, vừa pha chút phong cách Tàu. Điểm đặc biệt của chợ là bày bán những thứ mà pháp luật Việt Nam nghiêm cấm. Tầng một bán đủ thứ, từ đồ lưu niệm đến các loại vũ khí như kiếm Nhật, súng điện, dùi cui điện...; tầng hai cung cấp dịch vụ mại dâm công khai; tầng ba bán đủ loại dụng cụ dành cho phòng the.

Hoàng, người đàn ông quê ở Thái Bình, đưa cả vợ con sang đây lập nghiệp. Anh có một cửa hàng kinh doanh khá rộng, đặt tại tầng một. Cửa hàng của Hoàng thuộc loại không thiếu thứ gì. Anh cho biết, hai mặt hàng bán chạy nhất ở đây là vũ khí và dụng cụ phòng the. Móc ra một vật giống như chiếc điện thoại di động, Hoàng bấm thử cho khách xem, tia điện bắn ra xoèn xoẹt. Anh nói, rất nhiều người từ Việt Nam qua đây du lịch chọn mua loại này, giá chỉ 400.000 đồng, dòng điện bắn ra lên tới 2.000V, đủ làm bất tỉnh một thanh niên khỏe mạnh ở cách đó 2m.

Chưa hết, Hoàng gọi vợ lấy ra một chiếc kiếm Nhật lưỡi sáng loáng, sắc như dao cạo, hét giá 1,6 triệu đồng. Nếu khách thích, dù ở tận trong Nam, hàng vẫn có thể được chuyển vào tận nơi. Bình quân mỗi tuần, Hoàng lại cho người đóng thùng súng điện, dao, kiếm gửi qua đường tàu với trị giá vài chục triệu đồng. Hỏi tay chủ này sao lại chuyển được hàng dễ dàng vậy, thì được trả lời có người quen lo!

Cũng như cửa hàng của Hoàng, các cửa hàng khác cũng chẳng thua kém về “hàng độc”. Trung Quốc được xem là “thiên đường” của các loại thuốc kích dục, dù đã có nhiều cảnh báo về tác dụng thật của nó. Ở đây, thuốc kích dục dành cho phụ nữ có đủ loại, từ thuốc viên giá vài chục ngàn đồng đến thuốc nước giá vài trăm ngàn. Một bà chủ cửa hàng cũng ở tầng một lôi ra một lọ thuốc nhỏ, rồi giới thiệu đây là loại “tốt nhất”, giá 280 ngàn đồng. Theo quảng cáo, loại thuốc này không màu, không mùi, không vị, có tác dụng “cực mạnh”, rất hữu dụng cho cánh đàn ông muốn... hạ gục đối phương mà không cần mất công... chinh phục!

Nhưng sự công khai đến trắng trợn có lẽ là “chợ tình” nằm ở tầng hai ngôi chợ. Chỉ cần một vị khách nào đó, dù vô tình, bước chân lên, lập tức bị níu kéo. Nếu có phản đối, thì cũng rất nhanh, một món đồ có giá trị trên người họ như điện thoại, máy hình... sẽ nằm gọn trong tay các cô, và chỉ được trả lại sau khi đã chịu vào... vui vẻ.

Quả thật, cũng giống như các món hàng, phòng tiếp khách của các cô gái bán hoa được quây lại như một kios, chỉ rộng vài mét vuông. Một tay ma cô rỉ tai rằng, ngày tiếp 10 khách, ngày đông có khi lên tới hơn 20 khách, giá được chào công khai từ 150.000 - 200.000 đồng. Khánh, cậu trai mới 18 tuổi nhưng đã hai năm sống ở Hà Khẩu, cho biết, ở đây vẫn còn tồn tại kiểu mặt rô ép gái tiếp khách, nhưng đó chỉ là những cô gái mới bị bán qua. Trường hợp nô lệ tình dục nhiều nhất thường là đi sâu vào phía Trung Quốc, không ít trong số đó là những cô gái Việt Nam.

Năm giờ 30 chiều, ánh nắng đang dần tắt trên chiếc cầu nối Hà Khẩu với Lào Cai. Từng dòng người “du lịch” hối hả quay trở lại. Già có, trẻ có, hả hê có, cay đắng cũng có...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chạnh lòng Tây Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO