Cạnh tranh đầu tư vào Lào, Campuchia, Myanmar

PGS-TS. NGUYỄN HỒNG SƠN - Đại học Quốc gia Hà Nội| 24/01/2018 03:32

OFDI của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhanh ở Lào, Campuchia, Mianmar. Điều này được thúc đẩy bởi một số yếu tố thuận lợi.

Cạnh tranh đầu tư vào Lào, Campuchia, Myanmar

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (Outward Foreign Direct Investment - OFDI) của Việt Nam vào các nước Lào, Campuchia và Myanmar đang phải đối mặt với một số thách thức khi các thành viên Tiểu vùng sông Mekong mở rộng ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài từ các nước ASEAN + 3, đặc biệt là Trung Quốc. OFDI của Việt Nam tăng khá nhanh trong những năm gần đây với 930 dự án, trong đó các nước Lào, Campuchia, Myanmar chiếm tới 43%, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, viễn thông và tài chính - ngân hàng.

Lào giữ vị trí số 1 trong các nước và vùng lãnh thổ mà Việt Nam OFDI, chỉ sau Trung Quốc và Thái Lan. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 9/2016, Việt Nam có 266 dự án với tổng vốn đăng ký 5,1 tỷ USD tại Lào, góp phần vào sự phát triển kinh tế của Lào thông qua việc tạo ra gần 40.000 việc làm, tăng 250 triệu USD cho ngân sách của chính phủ Lào, hỗ trợ hơn 70 triệu USD cho hệ thống an sinh xã hội của Lào cũng như chuyển giao công nghệ mới và tạo ra các hiệu ứng lan tỏa khác.

OFDI của Việt Nam sang Campuchia tiếp tục tăng, đến nay có 182 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 3,6 tỷ USD, xếp thứ 5 trong số các nước đầu tư vào Campuchia, sau Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Myanmar đứng thứ 8 trong số các nước nhận FDI từ Việt Nam nhưng Việt Nam chỉ đứng thứ 10 trong số các nhà đầu tư lớn nhất ở Myanmar. Tính đến cuối năm 2016, Việt Nam có 54 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 695 triệu USD ở Myanmar. Thế nhưng OFDI của Việt Nam chỉ đóng góp khoảng 1% FDI vào Myanmar.

Các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Myanmar chủ yếu đến từ Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Anh, Hà Lan. Đầu tư của Việt Nam vào Myanmar vẫn còn hạn chế, ít hơn nhiều so với Lào và Campuchia, dù tăng trưởng đầu tư cao và dự kiến sẽ cao hơn nữa trong tương lai gần.

OFDI của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhanh ở Lào, Campuchia, Mianmar. Điều này được thúc đẩy bởi một số yếu tố thuận lợi. Thứ nhất, mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam và ba nước này. Thứ hai, Lào, Campuchia, Myanmar có nguồn tài nguyên phong phú, chi phí lao động thấp, có nhiều người nói tiếng Việt.

Thứ ba, khung pháp lý hợp tác trong thương mại và đầu tư đã từng bước được cải thiện. Thứ tư, các nước Lào, Campuchia, Myanmar có những uu đãi tương đối hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn Lào quy định giấy phép đầu tư được cấp trong vòng 10 ngày và không quá 25 ngày đối với các dự án có điều kiện.

Cơ hội luôn đi cùng thách thức. Cạnh tranh giữa các nhà đầu tư vào Lào, Campuchia và Myanmar tới đây được dự báo sẽ gay gắt hơn, cũng sẽ khó hơn cho các nhà đầu tư Việt Nam khi hiện trạng cơ sở hạ tầng tại Lào, Campuchia, Myanmar và các tuyến giao thông liên kết giữa Việt Nam và ba nước này còn kém phát triển.

Về chủ quan, các nhà đầu tư Việt Nam còn hạn chế tầm nhìn trung và dài hạn, thiếu sự liên kết và thiếu tài chính. Thêm nữa, các chính sách của Chính phủ hỗ trợ các đầu tư ra nước ngoài như về định hướng, vốn, thủ tục, ưu đãi không cụ thể, chưa thiết thực và đủ hấp dẫn.

Chưa hết, các nhà đầu tư Việt Nam đang và sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với các nhà đầu tư đến từ Trung quốc và ASEAN. Tại Campuchia, FDI từ Trung Quốc chiếm 32% và FDI từ ASEAN chiếm 25% trong tổng FDI vào quốc gia này. Các công ty Trung Quốc dẫn đầu với 48% FDI trong lĩnh vực sản xuất trong khi các nhà đầu tư ASEAN chiếm ưu thế trong lĩnh vực tài chính với 30% tổng vốn đầu tư.

Tại Lào, Trung Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất với 62% dòng FDI, tiếp đến là ASEAN, chiếm 21%. Cơ sở hạ tầng nhận FDI là chủ yếu, đặc biệt là điện năng. FDI trong sản xuất vẫn còn thấp nhưng đầu tư tài chính tăng mạnh do các công ty của ASEAN tăng đầu tư.

Trong khi đó, Myanmar đã có dòng vốn FDI tăng mạnh trong các năm qua, đặc biệt vào lĩnh vực sản xuất, cơ sở hạ tầng, khai khoáng và tài chính. Vốn FDI vào Myanmar cũng tăng trưởng nhanh chóng, vượt qua FDI vào Campuchia và Lào.
Lào, Campuchia, Myanmar là thị trường rất quan trọng đối với các nhà đầu tư của Việt Nam.

Muốn tăng đầu tư vào ba nước này, Việt Nam phải thực hiện đúng các thỏa thuận hợp tác kinh tế khu vực, thúc đẩy việc cải tiến hệ thống pháp luật và phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia cũng như kết nối cơ sở hạ tầng trong khu vực. Chính phủ nên có chính sách thiết thực và hấp dẫn hơn để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài cũng như tăng cường giám sát chất lượng dòng vốn đầu tư ra nước ngoài để tránh gây ra tác động tiêu cực.

Điểm quan trọng không kém là các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực cải thiện khả năng cạnh tranh bằng đầu tư trung và dài hạn, tìm hiểu sâu về chính sách đầu tư và những thay đổi chính sách của nước nhận đầu tư, cũng như tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp OFDI.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cạnh tranh đầu tư vào Lào, Campuchia, Myanmar
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO