Cải cách tiền lương cần cải cách bộ máy hành chính

HẢI VÂN Thực hiện| 21/09/2017 00:00

Bộ máy công chức phù hợp cho hơn 90 triệu dân chỉ khoảng 400.000 người, do đó việc phải trả lương cho 8 triệu người như hiện nay thì không có cách nào để nâng cao năng suất công việc"

Cải cách tiền lương cần cải cách bộ máy hành chính

"Bộ máy công chức phù hợp cho hơn 90 triệu dân chỉ khoảng 400.000 người, do đó việc phải trả lương cho 8 triệu người như hiện nay thì không có cách nào để nâng cao năng suất công việc" - GS-TS. Nguyễn Quang Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam nhận xét. 

Đọc E-paper

* Ông nghĩ thế nào về chính sách tiền lương hiện nay?


- Về mặt nào đó, lương công chức hiện nay tạm ngang bằng với mức lương bình quân chung trong xã hội, nhưng về mặt tái sản xuất lao động, nó có vấn đề. Nhà nước trả công như hiện nay là quá thấp, nhưng với bộ máy quá cồng kềnh, việc trả công tương xứng cho công chức là rất khó.

Lạm phát cao, có thời điểm tới mấy chục phần trăm, tăng lương là việc phải làm. Thế nhưng Nhà nước không có lực do chi tiêu công quá nhiều, bội chi lớn, trong khi vay nợ trong nước và nước ngoài đều tăng nhanh. Do đó, những cải cách tiền lương lâu nay chỉ là "giật gấu vá vai", mang tính chất an dân.

Vấn đề căn bản là phải xây dựng bộ máy công quyền tương xứng với nhiệm vụ để những người tích cực làm việc sống được bằng đồng lương, những kẻ dựa dẫm để ăn lương giảm dần, đi đến giảm hẳn.

* Tham gia bàn về chính sách tiền lương, ông đã nói gì?

- Tôi thấy có sự nhầm lẫn trong lập luận. Bên Tổng Liên đoàn Lao động nói lý do tăng lương là do lạm phát. Điều này có ý đúng nhưng không đủ, vì thiếu yếu tố năng suất lao động được xem xét cùng với tiêu chuẩn mức sống tối thiểu. Tất nhiên, tiền lương là tính theo giá hiện hành nên trong đó bao gồm cả mức lạm phát. Khi tính tăng lương phải trừ lạm phát. Ví dụ, tăng lương 10%, trong đó có 5% lạm phát, tức thực chất chỉ tăng 5%.

Mục tiêu cơ bản nhất của phát triển kinh tế thắng lợi là phải tăng năng suất lao động. Muốn vậy, Nhà nước phải tổ chức xã hội như thế nào để tạo điều kiện cho năng suất lao động tăng. Hướng đến một nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập nhưng những cải cách của nước ta lại chưa dám bóc tách, cải cách bộ máy công quyền vốn được thiết kế theo hệ thống cũ.

* Chính sách tiền lương phù hợp đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo ông thì nên cải cách tiền lương theo hướng nào?

- Nếu cải cách tiền lương trên cơ sở bộ máy công quyền 8 triệu công chức thì coi như không có gì đột phá. Đối với tiền lương trong doanh nghiệp cần được thiết kế dựa trên những số liệu cơ quan thống kê, lao động, nhưng cũng cần tham khảo ý kiến qua điều tra xã hội học để có sự điều chỉnh thích đáng theo ngành, lĩnh vực. Khi đó, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần có thêm đại diện của giới chuyên gia và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp cũng như các căn cứ từ các cuộc điều tra xã hội học thì quyết định mức lương mới sát đúng.

Nếu cải cách tiền lương mà thiếu tính hệ thống sẽ vướng nhiều vấn đề. Cho nên không cách nào khác là phải đổi mới tư duy và đặt mục tiêu cụ thể cho việc nước ta có chuyển sang kinh tế thị trường thực sự hay chỉ chuyển từ từ theo trào lưu chung của thời đại.

Kế đến là cải cách bộ máy hành chính, cụ thể là không quá dư thừa công chức thực hiện những nhiệm vụ trùng lắp. Chỉ khi nước ta có bộ máy hành chính đúng người, đúng việc, số người "ăn theo" mới ít đi và chỉ khi đó đồng lương công chức mới tăng lên.

* Cám ơn ông!

>Bài toán tiền lương - năng suất và những ẩn số

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cải cách tiền lương cần cải cách bộ máy hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO