Bình ổn giá: Phần nổi trong tảng băng chìm

26/07/2012 05:04

Hãy để cho doanh nghiệp (DN) tự trích quỹ bình ổn tại DN, họ sẽ chi tiêu hiệu quả hơn, cơ bản hơn và đặc biệt là đúng mục tiêu hơn.

Bình ổn giá: Phần nổi trong tảng băng chìm

Sau vụ việc Công ty TNHH Thương mại, Chế biến thực phẩm Phú An Sinh - một DN nổi tiếng về chăn nuôi, giết mổ và phân phối thực phẩm sạch lấy tiền tạm ứng 16,5 tỉ đồng với lãi suất 0% để bình ổn giá (BOG) do Sở Công Thương Bà Rịa- Vũng Tàu cấp để đầu tư, kinh doanh việc khác, công luận đã đặt ra câu hỏi liệu chương trình bình ổn giá sẽ đi đến đâu?

Công luận còn đặt câu hỏi rằng sẽ có bao nhiêu DN vi phạm nữa khi các cơ quan quản lý vẫn duy trì hình thức “thả gà ra đuổi” là dùng tiền ngân sách để chi cho DN thực hiện hoạt động này... Và đây được coi là một minh chứng rõ ràng, một hồi chuông cảnh báo về mặt trái của chính sách BOG được triển khai những năm gần đây.  

Rõ ràng, chúng ta không thể phủ nhận bên cạnh những mục đích tốt đẹp mà chính sách BOG hướng tới đó là nhằm giữ giá cả một số mặt hàng trong diện bình ổn không tăng cao trong bối cảnh lạm phát, khiến giá cả chung tăng mạnh ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, trong khi mặt tích cực chỉ mới phát huy được một phần nhỏ thì nhiều DN lại lợi dụng kẽ hở trong chính sách của nhà nước để làm lợi cho mục đích tư của mình và rồi hiện nay đã có nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ hiệu quả của chính sách này trên thực tế và lo ngại rằng, tiền nhà nước đã “đỗ” không “đúng bến”.

Và chắc chắn rằng, vụ việc của Công ty TNHH Thương mại, Chế biến thực phẩm Phú An Sinh chỉ là phần nổi mà chưa có một con số thống kê cụ thể nào về sự chiếm dụng của cải chung làm lợi tư này.

Khi dư luận lên tiếng và có nhiều nghi ngại về chính sách BOG thì dưới góc độ một chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh đã rất thẳng thắn bác bỏ hình thức này đối với các DN.

TS Doanh cho rằng, không nên tiến hành phương thức BOG bằng việc “rót tiền” cho DN vì dễ gây cơ chế xin - cho, sử dụng không đúng mục đích.

Việc đưa một lượng tiền lớn ra để bình ổn giá nhưng không kiểm soát được vì thực tế cho thấy, DN nào được cấp trăm tỉ, DN nào được cấp chục tỉ, ai là người đánh giá, thẩm định? Rồi họa hoàn lắm mới có một đợt kiểm tra.

Đây là kẽ hở tạo điều kiện cho các DN rất dễ “lách” để thiên biến vạn biến số tiền đó vào túi mình và thâm hụt ngân sách nhà nước là điều dễ hiểu- TS Doanh khẳng định.

Vụ việc vừa qua của Công ty TNHH Thương mại, Chế biến thực phẩm Phú An Sinh chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm và chúng ta cũng không nên quá trông chờ vào sự làm ăn trung thực của DN. Vì sẽ có DN trung thực nhiều, nhưng cũng có DN trung thực ít.

Do đó, mong muốn hàng hóa thiết yếu được trợ giá thông qua tiền BOG được bán theo đúng giá quy định là việc rất khó thực hiện.

Hơn lúc nào hết, cơ quan quản lý cần phải hết sức “công tâm”, tỉnh táo để có những động thái thiết thực hơn đừng “mang muối bỏ bể” như thời gian qua. Thay vào đó, hãy để cho DN tự trích quỹ bình ổn tại DN thì họ sẽ chi tiêu hiệu quả hơn, cơ bản hơn và đặc biệt là đúng mục tiêu hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bình ổn giá: Phần nổi trong tảng băng chìm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO