Bi kịch không đến từ ly hôn

SONG YÊN (*)| 08/04/2011 04:44

Ly hôn không phải là bi kịch, mà bi kịch chính là sự phớt lờ (hoặc cố tình phớt lờ), hoặc cố tình không nhìn nhận đúng bản chất của sự việc và rồi buông mình sống trong bi kịch đó để chờ những bi kịch khác nối tiếp, và nếu có con cái, thì đó là một thảm họa.

Bi kịch không đến từ ly hôn

Có bao nhiêu người dám khẳng định “tôi không sợ ly hôn” khi bắt đầu bước vào cuộc hôn nhân. Ly hôn vốn dĩ không phải là điều dễ dàng như người ta xé toạc một tờ giấy cam kết rồi đường ai nấy đi. Ly hôn nhiều vướng mắc. Ly hôn nhiều trăn trở. Ly hôn nhiều hệ lụy. Nhưng ly hôn đôi khi lại là giải pháp tốt nhất có thể.

Đứng trước những rạn nứt không thể hàn gắn, những mâu thuẫn không thể dung hòa, những tổn thương không thể xoa dịu, một trong hai người (hoặc có thể cả hai người) chọn phương án ly hôn. Tuy nhiên, sự can đảm, nhìn nhận đúng vấn đề là một bản lĩnh không phải người trong cuộc nào cũng có để vượt qua muôn nghìn nỗi sợ ly hôn.

Nỗi sợ từ những người đàn bà đơn độc

Có lẽ, nỗi sợ lớn nhất của người phụ nữ là cuộc ly hôn sẽ để lại tì vết cho con cái. Con cái là tài sản lớn nhất của hôn nhân. Khi hôn nhân tan vỡ, “tài sản” tinh thần này cũng sẽ bị chia chác. Sự tan tác này là điều đau lòng nhất. Bởi thế, họ thường đem con cái ra như một biện minh để có thể duy trì cuộc hôn nhân vốn đi đến bờ vực thẳm của mình.

Duy trì hôn nhân là “vì con”, nói trắng ra là cách ngụy trang kiểu... mù. Mù phương hướng, mù lý trí. Chị N. Mai (34 tuổi, kế toán trưởng công ty X ở Bình Dương) đã bế tắc bởi: “Chúng tôi khi về nhà chẳng có chuyện gì để chia sẻ ngoài chuyện học hành, tiền bạc lo cho con cái”.

Nỗi sợ thứ hai, dành cho những người phụ nữ quen sống phụ thuộc: sợ mất chỗ dựa. Chị M.Hằng (30 tuổi, trưởng giáo vụ một trường dạy nghề ở TPHCM), người vẫn đang mấp mé giữa việc ly hôn hay không ly hôn, chia sẻ:

“Tôi không biết thiếu anh ấy thì mẹ con tôi sẽ sống ra sao. Vấn đề không phải là tiền bạc mà là tôi không tháo vát và không chịu nổi sự cô đơn. Có một người đàn ông bên cạnh, khi xảy ra chuyện gì bao giờ cũng thấy an tâm hơn. Huống hồ chồng tôi, dù không còn yêu, nhưng vẫn là người rất tử tế”.

Nỗi sợ thứ ba là nỗi sợ của người phụ nữ vẫn còn yêu chồng. Bám víu vào sự huyễn mị tự tạo “anh ấy sao cũng được, miễn anh ấy là của mình, sống bên cạnh mình”, có nhiều phụ nữ tự đánh mất cái tôi chỉ để thỏa mãn cái gọi là “sở hữu”.

Thật ra, sở hữu thân xác thì dễ nhưng mấy ai chịu hiểu, con người vốn không phải là con vật. Và vì vậy, con người có tâm hồn, mà tâm hồn thì không ai có thể nắm giữ, điều khiển được. Tôi đã từng chứng kiến một gia đình, người vợ biết rõ chồng “lập phòng nhì” mà vẫn nín nhịn, không dám nói năng nửa lời chỉ vì “tôi mà làm lớn chuyện, ảnh sẽ... ly hôn!”.

Nỗi sợ thứ tư là nỗi sợ của sự “quá lứa lỡ thì”. Phụ nữ luôn cho rằng mình thiệt thòi khi ở độ tuổi qua 40 hay xấp xỉ 40 mà lại dính đến việc ly hôn. Ở độ tuổi này, phụ nữ nghĩ mình đã hết cơ hội để làm lại cuộc đời. Không ly hôn thì cũng dở mà ly hôn xong thì lại dở dang.

Thảm họa không đến từ ly hôn

Những nỗi sợ trên là một trong những rào cản đẩy người phụ nữ xuống hố vực của hôn nhân không tình yêu. Ly hôn không phải là bi kịch, mà bi kịch chính là sự phớt lờ (hoặc cố tình phớt lờ), hoặc cố tình không nhìn nhận đúng bản chất của sự việc và rồi buông mình sống trong bi kịch đó để chờ những bi kịch khác nối tiếp, và nếu có con cái, thì đó là một thảm họa.

Những người phụ nữ bản lĩnh nhìn vấn đề một cách sáng suốt hơn sẽ giải quyết và định hướng đúng đắng hơn. Chị T. Nguyệt (40 tuổi, nhân viên văn phòng), người ly hôn được 8 năm, cho biết:

“Vấn đề ở đây là cách hành xử của người trong cuộc. Tôi nghĩ các cặp vợ chồng nên vì con mà phối hợp chăm sóc, nuôi dạy sau khi ly hôn, còn hơn là vì con mà để con trong tình trạng cha mẹ lục đục, mâu thuẫn, con sống trong môi trường lẫn tâm lý không thoải mái”.

Thảm họa chỉ đến khi con người cố tình lừa dối nhau, lừa dối người khác, lừa dối chính bản thân mình. Không cổ súy cho ly hôn nhưng ly hôn thực sự cần thiết nếu mỗi cá thể trong đời sống hôn nhân không còn cách nào để hàn gắn những vết nứt trong tình cảm.

Đừng sống với nhau vì trách nhiệm, đừng sống với nhau vì những rào cản đạo đức xã hội. Đời sống vợ chồng, thiết nghĩ chỉ có một lý do quan trọng nhất đó là yêu thương!

Có yêu mới thăng hoa. Có thương mới thấu hiểu. Từ thăng hoa, hấu hiểu sẽ kéo theo những điều tốt đẹp khác. Nếu hết yêu thương, phụ nữ hãy dũng cảm để chọn con đường khác, mà ở đó, chí ít mình không làm tổn thương chính mình.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bi kịch không đến từ ly hôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO