Bên bóng dã ngàn năm

THU HÀ| 03/12/2011 08:54

Chuyện làng quê thường có bao huyền thoại để người ta truyền miệng kể từ đời này sang đời khác. dù thời cuộc thay đổi, con người thay đổi nhưng huyền thoại thì không thay đổi. Cây dã hương ngàn năm tuổi trên đất làng Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang có hai lần gãy cành to đều báo hiệu sự kiện trọng đại của đất nước

Bên bóng dã ngàn năm

Chuyện làng quê thường có bao huyền thoại để người ta truyền miệng kể từ đời này sang đời khác. dù thời cuộc thay đổi, con người thay đổi nhưng huyền thoại thì không thay đổi.

Dã hương bên mái đình Viên Sơn

Cây dã hương ngàn năm tuổi trên đất làng Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang có hai lần gãy cành to đều báo hiệu sự kiện trọng đại của đất nước: năm 1945, có một cành to ở phía đông bị gãy, năm đó, nhân dân ta nổi dậy, Cách mạng Tháng Tám thành công; năm 1979, có một cành to ở phía tây bị gãy trong khi thời tiết bình thường không mưa gió, năm đó, xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc. Cây dã hương trở nên linh thiêng trong tâm cảm của người dân vùng này là vậy...

Cây dã hương ngàn năm tuổi ấy nằm chếch phía sau ngôi đình có tên Viễn Sơn (hay còn gọi là đình Cây Dã). Đình Viễn Sơn được xây dựng vào thế kỷ XVII. Dã hương Tiên Lục được vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) phong sắc là “dã đại thần” hay còn gọi là “Quốc chúa đô mộc Dã đại vương“ (cây dã lớn nhất nước).

Vụ cháy lịch sử và sinh tồn kỳ diệu

Có lẽ dã hương đẹp nhất vào khoảng những tháng mùa Hè. Nắng tỏa lung linh trên tầng lá xanh mượt của cây dã và dưới gốc là những trò chơi trẻ thơ. Hồi ấy, trẻ con nông thôn không phải đi học thêm nên thời gian nghỉ hè kéo dài hơn.

Bọn trẻ trong xóm Giếng, xóm Giữa quanh gò Lao này còn có chỗ nào tụ tập lý tưởng hơn là gốc cây dã hương. Cây đại thụ như chiếc ô khổng lồ cho lũ trẻ hồn nhiên ca hát, nhảy múa dưới thân mình trên thảm rơm vàng như tơ tằm. Chúng trèo lên những cành to bằng bờ ruộng như lũ sóc, ríu ra ríu rít...

Cây dã với 3 cột chống cành mới ở 3 góc

Ngày ấy khoảng vào tháng Hai năm 1983, bọn con trai rủ nhau lấy những giẻ lau còn dính dầu mỡ mà người lớn vứt đi ở một góc nào đó đem ra đốt dưới gốc cây, thấy cháy bùng lên, thích quá. Cả bọn reo hò thích thú.

Chơi chán, chúng dập lửa đi, nhưng không ngờ cái rễ cây bị rỗng thông khí từ dưới lên trên nên lửa hút mạnh vào thân cây âm ỉ cháy. Chiều đến, người dân gần đó bỗng thấy ngọn cây phụt khói ra từ các hốc cành. Họ biết ngay là có sự chẳng lành.

Tiếng kẻng báo động vang lên lanh lảnh. Từ khắp các ngõ trong thôn, người ta ầm ầm kéo về mang theo xô, chậu, gầu, cả bình phun để phụt nước vào các kẽ cây. Càng cứu chữa khói càng phụt ra khắp các cành nhánh rỗng thành một cây khói. Lúc ấy người ta phải bám vào khắp các cành cây tìm lỗ hổng để đổ nước...

Cả làng mất một đêm ăn không ngon ngủ không yên. Chiều hôm sau, một chiếc xe cứu hỏa tiến vào làng. Người lớn vội vàng theo sự chỉ huy của đội cứu hỏa, lấy đất sét bịt tất cả các lỗ hổng của rễ cây lại.

Một đầu vòi nước của xe cứu hỏa sục xuống ao gần đó hút nước lên xe. Một đầu vòi bắc lên cây xả nước xuống. Nước trong lòng cây chảy túa ra các rễ cây như những cái vòi nước bé. Nước chảy ở rễ nào thì lấy đất sét bịt lại. Chỉ vài giờ đồng hồ khói không còn bốc lên. Cái ao gần đó bỗng cạn ráo.

Cũng thật hay, từ đó cây dã hương tươi tốt hơn. Đám rễ bò lổm ngổm được đắp thêm đất có thêm dưỡng chất để sinh tồn. Cũng từ đấy, người dân ở đây có ý thức bảo vệ cây dã hương quê mình hơn.

Trong tiềm thức, họ cảm thấy cây như là mảnh hồn làng. Đi xa về gần nhìn thấy những tầng lá mươn mướt êm đềm đung đưa theo gió từ đồng hút vào cùng ríu rít tiếng chim chuyền bỗng thấy lòng bình yên. Sự trường tồn của một thực thể không thể là mãi mãi. Nhưng sự trường tồn của cây dã hương nơi này chính là điều kỳ diệu trong cuộc sống.

Mà điều kỳ diệu chỉ hy hữu mới xảy ra. Con người luôn sợ tuổi già bởi đó là điều báo hiệu về cái đích cuối cùng của cuộc đời. Nhưng cây hình như không biết nỗi sợ ấy nó cứ sinh tồn cùng mưa gió, bão táp giữa trời. Ấy là vẻ đẹp khúc triết mà bao người yêu quý cây.

Tấm lòng của ông lão coi cây

Theo các anh làm công tác bảo tàng địa phương cho biết: cây dã hương Tiên Lục là một cây đại thụ có trên một ngàn năm tuổi, đứng thứ hai trên thế giới sau cây dã hương (Camphrier) của Ấn Độ. Người được giao nhiệm vụ trông coi cây dã hương cổ thụ này là ông Nguyễn Văn Đề.

Năm nay, ông đã ngoài 60 tuổi, còn khỏe mạnh, mạch lạc trong cách giới thiệu cho mọi người về vật báu của đất Tiên Lục. Nhà ông ở gần khu cây dã nên kết hợp việc trông coi đình và cây luôn.

Ông không phải người chỉ biết phận mình mình làm, mà vẫn tiềm ẩn những ý tưởng, mong muốn du khách về đây có thêm thời gian ngắm cây dã Tiên Lục... nên đến giờ ông mở một vườn cảnh ươm cây dã.

Ông Nguyễn Văn Đề (bên trái ) đang kể chuyện cây dã cho nhạc sĩ Hoàng Lân (bên phải)

Khách đến đây không chỉ ngắm “dã đại vương” mà còn bị hút vào những câu chuyện của ông về các vị khách đặc biệt từng đến thăm cây dã và giúp ông có thêm kiến thức chăm nom cây dã làng mình.

Nhiều du khách về bên gốc dã ngàn năm luôn ngước nhìn trầm trồ khen ngợi những nhành lá đẹp mướt như ngọc ấy. Có người ở tận miền trong ra nhặt được nhành lá rơi xuống đã gói cẩn thận trong chiếc khăn để đem về khoe với bà con trong đó. Có người còn cạy vỏ cây mang về vì nghe đồn rằng chỉ vài vỏ cây dã hương đốt lên thì mùi thơm như trầm hương.

Chính những lời đồn ấy càng làm cho người trông coi dã hương cứ thấp tha thấp thỏm lo lắng vì ông cũng được biết chính những lớp biểu bì dày bên ngoài là chiếc áo giáp duy nhất nuôi sống cây, bởi thân cây thì mỗi ngày một rỗng đi.

Nếu không bảo vệ lớp áo giáp ấy thì chả mấy mà cây sẽ tàn lụi. Ông luôn nhắc mọi người không được giẫm lên rễ cây và không được dùng vật nhọn để cậy vỏ. Năm 2010, ba cành lớn của cây dã được chống thêm cột trụ nâng cành vững chãi.

Có người đã hoài nghi về con số 1.000 năm tuổi của cây. Theo tôi được biết, cách đây khoảng mười năm, cây dã hương đã từng được lấy mẫu để tính tuổi ở một viện khoa học nước ngoài thì ước chừng 640 tuổi cộng trừ thêm 20 năm nữa. Cách gọi một ngàn năm là theo cách gọi ước lệ, mang tính dân gian và huyền ảo.

Không có gì đúng và chẳng có gì sai. Mỗi người đứng dưới gốc cây nhìn lên cao, cảm nhận vẻ đẹp của cây “dã đại vương” theo một cách riêng, đều thốt lên: “Tuyệt quá!”.

Nhiều người còn tin rằng đây là cây thần, họ đã thả tiền vào hốc cây và chắp tay nói lên ước nguyện của mình. Nhưng khi được ngồi trò chuyện với người coi sóc cây dã, họ mới tỉnh ra rằng Phật chỉ ở trong tâm mà thôi, đừng quá tin vào những lời đồn đại hay ngộ nhận với những điều mê tín của riêng mình. Có du khách ví cây giống dáng bon sai khổng lồ.

Thậm chí có người tưởng tượng ra thân cành kia giống hình rồng bay phượng múa trong mây xanh... Mọi người ngồi hít thở bầu không khí trong lành dưới gốc cổ thụ mà cảm thấy thư thái vô cùng.

Tôi không nhớ mình đã đọc ở đâu bài báo nói về chuyện kinh doanh du lịch dưới gốc cây to ở Trung Quốc. Đại ý rằng những loại cây to có khả năng phát sinh ra năng lượng sinh học có lợi cho sức khỏe con người, cho nên có vùng ở Trung Quốc đã bán vé cho mọi người đến ngồi dưới gốc cây cổ thụ, đại thụ để trò chuyện để đọc sách, để dạo chơi...

Du khách chiêm ngưỡng dưới gốc dã

Không dám khẳng định điều này là đúng nhưng chắc chắn với một không gian cây xanh và trong lành như nơi đây, ai đứng dưới gốc dã cũng cảm thấy một không khí trong lành tinh khiết khác lạ.

Gốc bồ đề nơi Phật Thích Ca đắc đạo ở Thánh địa Bodh Gaya được người dân Ấn Độ gìn giữ thành địa điểm du lịch tâm lịch thu hút hàng ngàn Phật tử đến từ nhiều quốc gia mỗi ngày.

Hay thắng cảnh Tô Châu, Trung Quốc, cũng nổi danh khắp thế giới với những gốc tằm cổ, chứng nhân cho sự trù phú một thời của cư dân bên bờ sông Dương Tử...

Đời cây, đời người. Những nhánh cây trở thành của để dành giá trị mà ông cha, thiên nhiên tặng cho thế hệ sau này. Đó cũng là thông điệp truyền đời về bảo vệ môi trường...

Đứng từ dưới sân nhà, nhìn lên phía gò Lao, tôi thấy bóng dã hương và mái đình cong vút trong đêm trăng rằm cứ in sâu thăm thẳm vào một góc trời quê nhà.

Tôi hít sâu vào lồng ngực hương của loài hoa dã hương. Mùi thơm của hoa dã chỉ thoang thoảng giữa không gian khó nhận dạng ở một loại hoa nào bởi thứ hương rất tinh khiết trong một vùng không gian trong lành, đôi khi là hòa quyện vào hương long lão từ cây tỏa ra. Hoa dã li ti thành từng chùm nở vào cuối xuân đầu Hè, màu trắng ngà, trông đẹp như ngàn sao lấp lánh trên tầng lá xanh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bên bóng dã ngàn năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO