Báo cáo ngân sách Nhà nước cho công dân: Không làm nên làm "cho có"

THANH HUYỀN| 30/08/2017 04:00

Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2017 là 1,212 triệu tỷ đồng, trong đó thu nội địa 81,7%, thu từ xuất nhập khẩu 14,8%, thu từ dầu thô 3,2 %. Tuy nhiên,...

Báo cáo ngân sách Nhà nước cho công dân: Không làm nên làm

Dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 là 1,212 triệu tỷ đồng, trong đó thu nội địa 81,7%, thu từ xuất nhập khẩu 14,8%, thu từ dầu thô 3,2 %. Tuy nhiên, tổng thu NSNN từ đầu năm đến giữa tháng 6 mới đạt khoảng 500,9 nghìn tỷ đồng, bằng 41,3% dự toán năm, trong đó thu nội địa 399,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,3%, thu từ dầu thô 21,1 nghìn tỷ đồng, bằng 55,1%, thu cân đối ngân sách từ xuất, nhập khẩu 80,6 nghìn tỷ đồng, bằng 44,8%.  

Đọc E-paper

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về công tác quản lý thu và chống thất thu NSNN trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng thu NSNN ước đạt 563.500 tỷ đồng, mặc dù tăng 13,9% so với cùng kỳ nhưng mới đạt 46,5% dự toán năm. Tuy nhiên, tổng thu nội địa do cơ quan thuế quản lý chỉ đạt 451.200 tỷ đồng. Kết quả này, theo nhận xét của lãnh đạo Bộ Tài chính, đạt thấp cả về tiến độ thực hiện dự toán lẫn mức tăng trưởng so với cùng kỳ 3 năm gần đây.

Mặc dù thu chi NSNN được Bộ Tài chính công khai từ 3 năm nay nhưng chưa gắn với mục tiêu chính là để người dân giám sát thông qua đại diện là Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và chuyên gia kinh tế độc lập, đặc biệt là những thông tin người dân cần nhất lại chưa có, việc cung cấp thông tin chưa dựa vào nhu cầu người sử dụng tin.

Nhiều thông tin NSNN đã được công khai nhưng người dân không sử dụng được để góp ý kiến vào việc thu, chi do bất cập của quy trình lập dự toán NSNN. Cạnh đó, nhiều thông tin được công khai nhưng "chưa minh bạch". Các thông tin được công bố còn mang tính hình thức, số liệu gộp nên khó hiểu, khó nhớ, khó góp ý ngay cả với các chuyên gia. Trong khi đó, tính chính xác của số liệu NSNN vẫn còn là thách đố do thiếu phối hợp giữa các bộ, ngành với Bộ Tài chính và giữa các địa phương với Bộ Tài chính, dẫn đến "trận đồ bát quái" về số liệu.

Việc tiếp cận NSNN ở cả cấp trung ương lẫn địa phương hầu như vô vọng vì phải xin phép từng đợt, rất chậm mà vẫn không chắc chắn có được thông tin. Quá trình tiếp cận số liệu cho nghiên cứu ngân sách vì trẻ em của UNICEF năm 2017 với Bộ Tài chính và một số tỉnh là một ví dụ. Đặc biệt, công khai NSNN chưa gắn với trách nhiệm, chưa gắn với cơ chế giám sát ngân sách của cơ quan dân cử các cấp, chưa gắn với chống tham nhũng.

Kết quả tham vấn ở tỉnh Hòa Bình và Quảng Trị cho thấy, người dân muốn được biết các thông tin về NSNN hỗ trợ trực tiếp cho họ. Lãnh đạo các địa phương ủng hộ việc thí điểm ngân sách công dân cấp xã để dân biết và hiểu, giúp cho việc giám sát của người dân hiệu quả. Theo bà Ngô Thị Minh Hương - Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập, đã đến lúc phải đổi mới cách làm báo cáo ngân sách cho công dân, tức phải trình bày các thông tin trọng yếu cho công chúng một cách dễ tiếp cận, dễ hiểu.

Như vậy, có rất nhiều việc phải làm, chủ yếu từ khâu thực hiện chính sách, pháp luật để NSNN được công khai, minh bạch, thực chất và có tác dụng thiết thực. Liên quan đến cách làm báo cáo ngân sách cho công dân, TS. Trịnh Tiến Dũng - người từng phụ trách cải cách tài chính công của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (United Nations Development Programme - UNDP) cho rằng, không nên làm "cho có” như hiện nay.

Theo TS. Trịnh Tiến Dũng, tất cả các cấp ngân sách phải công khai ngân sách với người dân. Báo cáo NSNN phải dựa trên nhu cầu của các nhóm đối tượng, mỗi năm một chủ đề mà người dân quan tâm nhiều nhất, như điện, phí đường bộ hay chi NSNN cho giáo dục, y tế hoặc chi thường xuyên, nhất là chi lương hành chính.

>Áp lực ngân sách Nhà nước những tháng cuối năm 2017

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Báo cáo ngân sách Nhà nước cho công dân: Không làm nên làm "cho có"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO