![]() |
Nhìn ở góc độ tài chính, để tái cơ cấu nền kinh tế phải có tiền. Tiền ở đâu ra trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện nay, đặc biệt là khi ngân sách nhà nước hết sức eo hẹp. Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc chính sách công, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, bán doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là cách làm khả thi.
![]() |
au một thời gian thực hiện tái cơ cấu kinh tế, những động thái chính sách gần đây đã quay lại sử dụng những công cụ vĩ mô ngắn hạn để giải quyết khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng, nhưng đều không mang lại hiệu quả, thậm chí còn làm phân tán nỗ lực tái cấu trúc. Vì vậy, cần phải đưa nền kinh tế trở lại xuất phát điểm, về trạng thái bình thường.
Nhưng phải làm sao?
Tôi nghĩ nên chọn khu vực doanh nghiệp đang thu hút nguồn lực rất lớn của nền kinh tế mà lại sử dụng không hiệu quả, nhưng lại là nơi Nhà nước có thể điều chỉnh bằng chính sách để thay đổi, đó là DNNN. Trong điều kiện nền kinh tế tăng trưởng tốt, Nhà nước có thể có nguồn lực dự trữ để tái cấu trúc bộ phận DNNN không hiệu quả. Nhưng lúc kinh tế khó khăn, nguồn lực dự trữ không dồi dào thì nên chọn cách cổ phần hóa, thoái vốn hay bán bớt những DNNN tốt và hiệu quả để dùng nguồn lực thu về tái cấu trúc những doanh nghiệp còn lại. Sau khi tái cấu trúc xong, cũng có thể bán bớt những doanh nghiệp này để cứu các doanh nghiệp khó khăn khác.
Vì sao lại chọn khu vực DNNN?
Thứ nhất, đặc trưng của những DNNN khó khăn là thua lỗ, nợ ngân hàng nhưng vì là DNNN nên ngân hàng không đòi được nợ. Nhiều khoản thế chấp, tài sản bảo đảm giá trị không cao và đang tiếp tục suy giảm (đặc biệt là máy móc, thiết bị, nhà xưởng), điều đó khiến nguồn lực bị chôn vào DNNN, không mang lại hiệu quả.
Trong khi đó, các ngân hàng cũng không thể tái cơ cấu nợ. Cách làm của Việt Nam hiện nay là cứ treo nợ. Dù là treo nợ, hay thậm chí là đảo nợ, thì vốn của ngân hàng thực tế vẫn bị chôn vào đó (nhưng trên báo cáo tài chính lại không thể hiện), nên ngân hàng vẫn không thể cho vay tiếp.
Thứ hai, DNNN cũng vay ngân hàng để đầu tư bất động sản. Gần đây người ta nói nhiều đến chuyện Nhà nước phải can thiệp để cứu bất động sản, nhưng chưa ai dám chắc về hiệu quả của chuyện này. Trong khi đó, sự bức bách để tái cấu trúc nền kinh tế và DNNN cao hơn nhiều so với cứu bất động sản. Nhưng để làm việc này cần có nguồn lực thật, phải có tiền. Nếu không tìm được nguồn tiền mới, không muốn dùng nguồn lực thật mà chỉ muốn dùng tiền cung ứng thông qua trái phiếu hay công cụ nào đó thì không giải quyết được vấn đề đặt ra.
Chính vì thế, đây là thời điểm phải dùng những nguồn lực thực sự. Nguồn lực đó có thể đến từ việc vay mượn của các tài chính quốc tế, nhưng đó là điều cực chẳng đã. Việt Nam ngại bị áp đặt các điều kiện từ bên ngoài nên không muốn vay các tổ chức này. Vậy thì phải tận dụng những nguồn lực đang có.
Còn đâu là những tài sản tốt?
Đó là những DNNN đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ vốn với tỷ lệ cao. Hiện Nhà nước vẫn giữ nguồn lợi từ cổ tức rất lớn ở những doanh nghiệp này và bản thân nhà nước cũng chưa sử dụng hiệu quả nguồn lợi tức thu về.
Nếu thoái vốn ở các doanh nghiệp như vậy, Nhà nước sẽ có nguồn lực tiền thật để tái cấu trúc và điều đó cũng phù hợp với Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu rõ: từ nay đến năm 2015 những doanh nghiệp đã cổ phần hóa mà nhà nước giữ dưới 50% vốn sẽ thoái hết vốn.
Đơn cử, Vinamilk sản xuất sữa đâu phải ngành chủ chốt, hay Việt Nam có ba công ty viễn thông lợi nhuận cao, đều 100% thuộc sở hữu nhà nước, hoặc Vietnam Airlines... Đây đều là những doanh nghiệp mà Nhà nước có thể bán hết hay bán một phần và thu về nguồn tài chính đáng kể. Đó là nguồn lực thật chứ không phải nguồn lực theo kiểu phát hành tiền.
Khi gặp khó khăn, dù là cá nhân hay doanh nghiệp tư nhân đều phải bán bớt tài sản để trả nợ, vậy tại sao Nhà nước không thể làm? Nhà nước có thể dùng nguồn tiền đó tái cấu trúc nợ, cơ cấu lại nợ của DNNN. Những khoản nợ của DNNN mà Nhà nước đảm bảo, đương nhiên phải trả cho các tổ chức tài chính. Với những khoản nợ không đảm bảo Nhà nước có thể dùng một phần tiền cung cấp cho Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC) để mua lại nợ xấu.
Việc thoái vốn cũng tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài và hiện nay các nhà đầu tư có tiềm lực vẫn rất nhiều. Nếu muốn, Nhà nước vẫn có thể bán cổ phần hay doanh nghiệp ở mức giá thị trường, thậm chí là giá cao. Hiện các nhà đầu tư đang tìm cơ hội để mua tài sản thì vẫn bị một rào cản là con nợ và chủ nợ đều không muốn bán hoặc chào bán với giá trên trời vì nghĩ rằng Nhà nước sẽ cứu họ. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng sợ rủi ro pháp lý. Khi họ mua lại tài sản liên quan đến nợ xấu thì tranh chấp rất dễ xảy ra, ai sẽ bảo vệ họ, Nhà nước có giải quyết vấn đề đó tốt không?
Quan trọng nhất, việc bán DNNN để cứu DNNN không tạo ra bất ổn vĩ mô. Nếu các khoản nợ xấu trong khu vực này được xử lý thì mới có thể cho vay tiếp. Hiện tốc độ tăng cung tiền không thấp, nhưng vì sao tín dụng tăng thấp, điều đó thể hiện trào lưu thoái nợ. Vì vậy, đây là cách đảo chiều dòng tín dụng hiện đang tăng trưởng chậm.
Ở đây cần nói thêm rằng khi bán DNNN để cứu DNNN sẽ nảy sinh vấn đề dễ gây bức xúc và có những bộ phận cảm thấy bất công, bởi trong tái cấu trúc luôn có yếu tố giải cứu. Tuy nhiên nếu Nhà nước làm việc này minh bạch thì sẽ hạn chế được tâm lý nói trên.
Một đề xuất táo bạo Nền kinh tế nước nhà hiện đang phải đối diện một số vấn đề nan giải. Nhưng có một cách có thể hóa giải hầu hết những vấn đề này! Trước tiên là nợ xấu hiện đang đè nặng lên bảng cân đối tài chính của các ngân hàng thương mại, trong đó nợ của các doanh nghiệp nhà nước là không nhỏ. Giải pháp thành lập công ty mua bán nợ xấu khó thành công nếu không bơm tiền, hóa giải phần nào nợ xấu. Thứ đến là khu vực kinh tế nhà nước, hiện đang chao đảo vì sự yếu kém, suy sụp của một số tập đoàn lớn như Vinashin, Vinalines... Cũng cần một số tiền lớn để giải quyết hậu quả do các tập đoàn này gây ra. Các tập đoàn, tổng công ty khác cần được tái cơ cấu, cải tổ bộ máy quản trị. Trong khi đó, ngân sách nhà nước hiện đang bội chi ngày càng lớn. Tiền thì cần để chi cho các chương trình an sinh xã hội trong khi phải giảm thu để nâng đỡ doanh nghiệp và khoan sức dân. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lại không đóng trọn vai trò quản lý đồng vốn của doanh nghiệp nhà nước, nhất là các doanh nghiệp đã cổ phần hóa mà Nhà nước vẫn còn nắm cổ phần chi phối. Tất cả những vấn đề trên có thể giải quyết một cách trọn vẹn nếu Nhà nước mạnh dạn bán bớt những doanh nghiệp nhà nước thuộc dạng tốt hay rút vốn từ các công ty cổ phần hóa mà cổ phiếu đang được giá. Vì sao như thế? Bài viết này là một lý giải cặn kẽ của một chuyên gia kinh tế - tài chính về tính khả thi của đề nghị táo bạo này. |