Bản chất hay sự hiểu lầm?

TRÌNH TIÊU| 27/07/2011 05:48

Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam bất ngờ công bố con số lãi thực sau thời gian dài báo lỗ. Trong “ván bài” này, người tiêu dùng không được tính đến.

Bản chất hay sự hiểu lầm?

Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam bất ngờ công bố con số lãi thực sau thời gian dài báo lỗ. Trong “ván bài” này, người tiêu dùng không được tính đến.

Hiểu lầm?

Theo Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), 7 tháng đầu năm 2008, Nhà nước thực hiện bình ổn giá xăng dầu, các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xăng dầu đều phát sinh lỗ. Petrolimex lỗ từ dầu là 10.775 tỷ đồng.

Với xăng, năm 2008 được chia làm hai giai đoạn: từ đầu năm đến 21/7 thực hiện bình ổn giá, Petrolimex đã tạm ứng ngân sách lỗ cho xăng là 1.812 tỷ đồng.

Sau 21/7, Petrolimex hoạt động theo cơ chế thị trường, lợi nhuận từ xăng đạt 642 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận của Petrolimex cả năm đạt 1.018 tỷ đồng.

Năm 2009, năm kinh doanh xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường. Petrolimex bán ra khoảng 9,31 triệu tấn xăng dầu, lợi nhuận là 2.660 tỷ đồng, trừ khoản ứng từ ngân sách của năm 2008, lợi nhuận bình quân chỉ đạt 135 đồng/lít, bằng 45% định mức Nhà nước quy định.

Năm 2010, Petrolimex hoạt động theo cơ chế bình ổn giá, nên lỗ 172 tỷ đồng. Petrolimex dự kiến, 9 tháng đầu năm 2011, lỗ từ kinh doanh xăng dầu là 1.220 tỷ đồng.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Petrolimex, cho biết, việc Petrolimex cùng các DN xăng dầu khác tham gia bình ổn thị trường là theo chỉ đạo của Chính phủ (QĐ 187/TTg; NĐ55/CP; NĐ 84/CP) và sự chi phối bởi nhiều văn bản của các cơ quan quản lý nhà nước khác. Theo ông Bảo, các lý do này khiến việc tính toán lỗ lãi trở nên phức tạp và dễ gây hiểu lầm.

Bản chất

Nhìn lại năm 2008, thời gian mà kinh tế thế giới và trong nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Giá dầu thô trên thế giới liên tục biến động kéo giá xăng dầu trong nước tăng nhanh, thời điểm tháng 7/2008 tăng tới 30%.

Các DN, đặc biệt là DN vận tải rơi vào cảnh điêu đứng. Người tiêu dùng nghĩ ra đủ cách tiết kiệm, thay đổi phương tiện đi lại, lắp thiết bị tiết kiệm nhiên liệu cho xe máy.

Nhà nước đã phải chi hàng nghìn tỷ đồng bù lỗ cho dầu và hỗ trợ cho xăng nhằm kiềm chế lạm phát, giảm áp lực cho DN ngành xăng dầu. Điều đáng nói, năm 2008, khi cả nền kinh tế vật vã giải bài toán lạm phát, tăng giá đầu vào, Petrolimex vẫn đạt lợi nhuận sau thuế đến 913,7 tỷ đồng.

Ba năm qua, liên tiếp các đợt giá xăng, dầu được điều chỉnh. Tuy số lần tăng giá nhiều hơn giảm song DN và người tiêu dùng cũng quen dần và không còn ngạc nhiên mỗi lần ngành xăng dầu báo tăng giá. Thậm chí, không ít người tiêu dùng còn cho rằng, đó là sự va đập của thị trường.

Ở cấp cao hơn, người ta còn lấy ngành xăng dầu ra làm hình mẫu trong tạo dựng môi trường cạnh tranh. Chỉ khi báo chí đề cập, ông Bùi Ngọc Bảo mới thừa nhận, cơ chế kinh doanh xăng dầu chưa vận hành theo thị trường một cách đầy đủ, DN và người tiêu dùng mới ớ ra.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu từ 2011-2015 sẽ hoàn thành việc sắp xếp, cổ phần hóa 11 DN 100% vốn Nhà nước. Các đơn vị đều kêu khó, gặp vướng mắc chỉ riêng Petrolimex tuyên bố đã chuẩn bị kỹ. Thậm chí, tháng 7 này có thể bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và tháng 9 sẽ tiến hành đại hội cổ đông.

Khi lên sàn, một DN không thể báo cáo bị lỗ trong kinh doanh, bởi sẽ không nhà đầu tư nào bỏ tiền mua cổ phiếu từ một DN báo lỗ. Một chuyên gia ngân hàng cho hay, chuyện DN sử dụng 2 loại báo cáo tài chính hoàn toàn không mới. Loại thứ nhất, lãnh đạo DN sử dụng trong các giao dịch làm ăn. Loại thứ hai, sử dụng khi phải báo cáo thuế hoặc đối phó với cơ quan kiểm toán.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, đây có thể là “mẹo” mà Petrolimex cố tạo ra bức tranh lãi suất đẹp để chào hàng trước khi chính thức lên sàn. Nếu đúng như vậy, có thể thông cảm vì đây là chuyện làm ăn, kinh tế.

Nhưng ngược lại với cảm thông của TS. Phong, ông Bảo nói với báo chí, không có chuyện Petrolimex tùy tiện sửa đổi số liệu để đưa vào bản công bố thông tin trước khi IPO. Hệ thống số liệu trên được lấy từ quyết toán chính thức và được kiểm toán độc lập, Kiểm toán Nhà nước, thanh tra tài chính, thanh tra thuế xác nhận.

Theo lộ trình cổ phần hóa của Petrolimex, dự kiến, Nhà nước nắm giữ tối thiểu 75% vốn điều lệ. Lấy lý do e ngại khó khăn từ thị trường chứng khoán có thể ảnh hưởng đến nhà đầu tư, Petrolimex xin được giữ lại 95% vốn Nhà nước, đến năm 2013 mới tiến hành thoái vốn xuống 75%.

Xăng dầu, một trong những đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Theo TS. Nguyễn Minh Phong, Nhà nước vẫn chưa tách rời giữa mục đích kinh doanh và nhiệm vụ chính trị của Petrolimex là đảm bảo an ninh năng lượng.

Ngành xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường từ năm 2009, nhưng quá trình duyệt giá vẫn khép kín, gần như bí mật. Nhà nước độc quyền nhập khẩu, nhưng tư nhân phân phối, người tiêu dùng không có lựa chọn khác.

Thực tế cho thấy, trong thời gian không dài, Petrolimex vừa kêu lỗ, vừa báo lãi, vừa xin thoái vốn. Trong khi chuyện lãi, lỗ của Petrolimex chưa có cơ quan nào phân định, người tiêu dùng vẫn ngày ngày phải đóng tiền vào quỹ bình ổn giá mà không biết tiền từ quỹ này được giải ngân như thế nào?

Trong báo cáo tài chính chuẩn bị cho kế hoạch phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng, Petrolimex công bố kết quả kinh doanh xăng dầu năm 2008 đạt lợi nhuận sau thuế là 913,7 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bản chất hay sự hiểu lầm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO