Áp lực mới cho ngành du lịch Việt Nam

BÍCH HỒNG| 06/02/2018 03:19

Thỉnh thoảng đi taxi ngang qua các trung tâm dịch vụ du lịch sầm uất của Đà Nẵng, người lái taxi hay nói với tôi: "Mấy khu này giờ trở thành phố Trung Quốc, Hàn Quốc hết rồi".

Áp lực mới cho ngành du lịch Việt Nam

Tôi nhìn xung quanh, thấy rất đông du khách Trung Quốc và Hàn Quốc. Lượng khách Trung Quốc và Hàn Quốc có khả năng đạt hơn 1 triệu lượt như năm 2017 vừa qua đã dẫn đến một số vấn đề. Người dân cho biết người nước ngoài đến thuê cả con phố sinh sống, nhiều người mở quán ăn, salon làm đẹp, hoặc đi làm ở nơi khác, tối về.

Chợt nhớ cuối năm 2017, 30 hướng dẫn viên tiếng Hoa tại Đà Nẵng đã viết đơn kiến nghị Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố giải quyết tình trạng các công ty lữ hành Trung Quốc "hất" các hướng dẫn viên người Việt để cho hướng dẫn viên Trung Quốc tự làm luôn công việc hướng dẫn, thuyết minh tại các điểm tham quan.

Đây không chỉ là vấn đề tranh giành việc làm trên thị trường lao động, mà việc sử dụng hướng dẫn viên nước ngoài tại các điểm tham quan trong nước là vi phạm pháp luật. Bởi Việt Nam chưa bao giờ cấp thẻ hướng dẫn viên cho người có quốc tịch nước ngoài.

Với thị trường có thể đạt đến trên một, hai triệu khách du lịch như Hàn Quốc và Trung Quốc đang nảy sinh sức ép lên thị trường lao động phục vụ dịch vụ trong nước. Cách nay một vài năm, rất nhiều cơ sở dịch vụ của người Việt hợp tác với công ty lữ hành nước ngoài để làm tour khép kín, những cửa hàng chỉ phục vụ người nước ngoài, không cho khách người Việt vào.

Tại những điểm này, các công ty Trung Quốc, Hàn Quốc đã đưa người từ nước họ sang phục vụ trọn gói, từ phiên dịch đến bán hàng, mở nhà hàng và các dịch vụ mua sắm trong các cửa hàng riêng của họ. Người Trung Quốc hầu như không sử dụng tiền mặt mà thanh toán qua các dịch vụ thẻ trên Alipay.

Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là lao động Việt Nam có cơ hội nào không khi thị trường du lịch bỗng nhiên phát triển với tốc độ chóng mặt nhờ sự góp mặt của khách Trung Quốc và Hàn Quốc như đang thấy. Với visa du lịch, thậm chí nhiều công ty của người Việt đưa người Trung Quốc và Hàn Quốc vào làm việc theo chỉ đạo của đối tác lữ hành từ bên kia sang, chỉ là lao động làm dịch vụ như nhân viên bán hàng, chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn viên.

Nhà nước có nhiệm vụ quản lý, cấm, hoặc đưa ra biện pháp điều chỉnh. Nhưng lao động người Việt không thể ngồi chờ được tiếp sức, bảo vệ quyền lợi, bởi vì các công ty lữ hành và làm dịch vụ hiện có nhiều cách qua mặt các cơ quan quản lý nhằm thu lợi cao nhất.

Chứng kiến một cơ sở bán lụa chuyên phục vụ du khách Trung Quốc mới thấy chất lượng làm việc của lao động Trung Quốc. Các nhân viên này bán hàng rất giỏi, chỉ có nhiệm vụ bán hàng mà họ nói lưu loát về lịch sử nghề tơ lụa Việt Nam, những liên quan giao thương của nghề tơ lụa giữa hai nước, những giá trị của lụa Việt. Và khách đã mua hàng rất nhiều cũng như vô cùng tin tưởng, thích thú về món hàng đã mua mà không biết chắc xuất xứ của món hàng đó có phải là Việt Nam và chất lượng có đúng như đã nghe trình bày hay không.

Nhiều cơ sở du lịch khác thấy vậy đã đưa nhân viên người Việt tới học hỏi nhưng vẫn không làm được như họ, do bị giới hạn về ngôn ngữ biểu cảm, sự nhiệt tình, tính chuyên nghiệp, sức khỏe. Lương của các nhân viên người Trung Quốc cao gấp ba so với mặt bằng lương của người Việt trong cùng ngành, cùng địa phương. Sự cạnh tranh về lao động là không cân sức. Đó mới là nỗi lo của chúng ta khi không có các quy định nào có thể bảo vệ thật tốt quyền lợi của người lao động Việt do chúng ta yếu kém về chất lượng lao động. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Áp lực mới cho ngành du lịch Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO