Trong lúc những khó khăn do suy giảm tăng trưởng kinh tế đang bao trùm lên tất cả các lĩnh vực kinh doanh thì ngân sách dành cho tiếp thị (marketing) càng được xem xét cẩn thận và quảng cáo có thể xem là “chi phí xa xỉ” đối với một số doanh nghiệp Việt Nam. Thế nhưng, các công ty, tập đoàn có vốn mạnh coi đây là cơ hội, họ dùng công cụ marketing tổng lực để đưa sản phẩm của đối thủ vào lãng quên, thay vào đó là một sản phẩm mới của mình trong tâm trí người tiêu dùng. Chợ là một kênh quan trọng mà họ không bỏ qua.
Tại nhiều chợ ở TP.HCM như Tân Định, Nguyễn Tri Phương, Bình Tây, Thị Nghè... quảng cáo của các nhãn hàng thực phẩm, gia vị do các công ty nước ngoài sản xuất tràn vào từng sạp. Hình thức quảng cáo tương tự nhau: làm bảng hiệu sạp (với một nửa là hình ảnh logo của sản phẩm, một nửa còn lại dành cho tên và số sạp), nhưng chỉ làm cho tiểu thương nào có bán sản phẩm của công ty. Các công ty lớn còn cung cấp cả kệ trưng bày sản phẩm cho các tiểu thương, thậm chí còn hợp đồng với tiểu thương thuê luôn một góc sạp chỉ để trưng bày và bán sản phẩm của công ty.
Tại chợ Bình Tây, ngay sạp đầu tiên ở lối đi chính, công ty quảng cáo nhãn hiệu kẹo cao su Doublemint đã tranh thủ tất cả những vị trí mà người tiêu dùng nhìn thấy khi mua hàng như kệ, tủ trưng bày, vỉ treo sản phẩm, bảng hiệu. Nhãn hiệu kẹo cao su khác muốn chen vào quảng cáo trong sạp đó thật không dễ kiếm được vị trí nào để trưng bày. Ở các quầy bán gia vị, bột nêm Maggi chiếm phần lớn diện tích trưng bày, nhất là Maggi dạng vỉ treo giống những các loại xà bông gội.
Hình thức quảng cáo “tấn công đến sạp” không còn xa lạ vì nó tác động trực tiếp tới khách hàng, giúp người tiêu dùng nhớ đến nhãn hiệu khi mua sản phẩm tại sạp chợ và cho họ một “lý do” để mua hàng. Điều này đã được nhiều công ty áp dụng từ rất lâu, cho đến nay những công ty nào muốn bắt chước thì cũng khó khăn hơn khi thỏa thuận với người nhận quảng cáo và quan trọng hơn là chi phí ngày càng tăng cao do sự cạnh tranh của nhiều nhãn hiệu. Cũng chính vì thế mà các tiểu thương và ban quản lý chợ tự nâng giá hoặc làm ra vẻ “đắt hàng” để được doanh nghiệp thuê với giá cao.
Thực ra, muốn đặt hàng ở sạp của tiểu thương cũng không quá phức tạp, ai đến trước thì được bày bán. Kinh doanh là nhắm tới lợi nhuận cho nên những người làm tiếp thị muốn hàng hóa nằm trên quầy, kệ bao lâu còn tùy thuộc vào chiến lược của công ty có “kéo” được người tiêu dùng đến sử dụng sản phẩm của mình và cách “đẩy” hàng vào hệ thống kênh phân phối như thế nào, có khuyến khích các thành viên trong kênh phân phối - cụ thể là tiểu thương - đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của công ty không. Nói nghe có vẻ đơn giản nhưng để làm được điều đó và duy trì hình ảnh sản phẩm tại điểm bán thì cũng cần sự đầu tư.
Quảng cáo tại các chợ đã được áp dụng từ lâu, vẫn khá hiệu quả và được nhiều công ty bỏ vốn đầu tư “thầu” dài hạn ở các vị trí đẹp tại các chợ. Các bà nội trợ đã từng thấy từ mặt tiền chợ đến các sạp tạp hóa rực một màu đỏ của bột giặt Omo, hay “ngạc nhiên chưa” với bột giặt Tide vây kín chợ, rồi nước mắm Knorr cứ như vào chợ là ngửi thấy mùi. Nhìn chung, quảng cáo ở chợ hiện vẫn do các công ty, tập đoàn lớn chiếm lĩnh. Doanh nghiệp VN phải “cân - đo” nhiều khoản phí đầu tư cho xúc tiến bán hàng, dẫu biết muốn bán được hàng thì phải quảng cáo nhưng “lực bất tòng tâm” để có thể chạy đường dài, ngay cả chạy vào chợ mua chỗ quảng cáo cũng khó chen chân.