Đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2024
Bộ Tài chính vừa đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về việc giảm tiền thuê đất năm 2024 với hai phương án, nhằm có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất 2 mức giảm tiền thuê đất theo 2 phương án. Phương án 1 là giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 đối với người thuê đất. Phương án 2 là giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 đối với người thuê đất.
Bộ Tài chính trình Chính phủ đề xuất Phương án 2 vì phù hợp với tình hình diễn biến mới về kinh tế - xã hội của cả nước.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Tăng trưởng GDP quý III/2024 của cả nước có thể giảm 0,35%, quý IV/2024 giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3.
Ước tính cả năm, GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8 - 7%. Trong khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%.
Theo dự thảo, đối tượng áp dụng là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm.
Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan; cơ quan có thẩm quyền giải quyết hồ sơ giảm tiền thuê đất; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Theo Bộ Tài chính, dự kiến số tiền thuê đất giảm theo dự thảo Nghị định khoảng 2.000 - 4.000 tỷ đồng (theo phương án giảm 30% tiền thuê đất năm 2024). Với khả năng phục hồi và phát triển kinh tế, nhờ các chính sách tài khóa và tiền tệ của Chính phủ và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 sẽ đạt và vượt. Vì vậy, số tiền thuê đất giảm theo chính sách này không ảnh hưởng đáng kể đến số thu ngân sách nhà nước nói chung, nhưng tác động lớn tới việc phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình, doanh nghiệp.