Xuất khẩu của Việt Nam hiện nay dựa vào ba động lực thúc đẩy chính là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, CPTPP và các FTA, kỹ thuật số và thương mại điện tử. |
Tăng trưởng mạnh
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã vượt 400 tỷ USD. Riêng về xuất khẩu, tính từ đầu năm đến ngày 15/10/2019, tổng giá trị xuất khẩu cả nước đạt 204,94 tỷ USD, tăng 8% (số % tăng đều so với cùng kỳ năm 2018).
Sở dĩ kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng một phần do doanh nghiệp tận dụng tốt những ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc tham gia FTA với cam kết cắt giảm thuế quan từ các đối tác cho hàng có xuất xứ Việt Nam đã giúp hàng hóa Việt Nam mở rộng thị phần tại nhiều nước.
Minh chứng rõ nhất được Bộ Công Thương thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam có mức tăng trưởng tốt.
Chẳng hạn như xuất khẩu sang Nhật Bản 9 tháng đầu năm tăng 10%, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 8,1%, sang ASEAN tăng 4,7%, sang Nga tăng 13,9%, sang New Zealand tăng 12,5%; xuất khẩu sang các thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tăng vượt bậc.
Link bài viết
Trong đó, xuất khẩu sang Canada 9 tháng đầu năm đạt 2,9 tỷ USD, tăng 30,9%. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mexico đạt 2,2 tỷ USD, tăng 27%... Riêng với da giày, với tác động từ các FTA, dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 21,5 tỷ USD, tăng 10%.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được kỳ vọng có hiệu lực vào giữa năm 2020 sẽ mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa của Việt Nam gia tăng trên thị trường châu Âu và phát triển ra nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là gạo, đường, cà phê, các sản phẩm từ sữa.
Dự báo, xuất khẩu những tháng cuối năm 2019 sẽ tiếp tục tăng cao, bởi đây là thời kỳ cao điểm cho mua sắm trong các dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu của nước ta trong thời gian tới do thương chiến Mỹ - Trung vẫn diễn biến khó lường cộng với xung đột thương mại Nhật - Hàn đang gia tăng.
Không chỉ vậy, ở ngành hàng nông sản, các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khối EU đều gia tăng bảo hộ hàng hóa thông qua các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Chỉ riêng với EVFTA, khi hàng Việt vào EU tăng mạnh thì hàng từ khối này cũng sẽ vào Việt Nam ngày càng nhiều. Ông Ywert Visser - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết, theo tính toán của EU, khi EVFTA có hiệu lực, thì đến năm 2035, hàng hóa của EU sang Việt Nam sẽ tăng khoảng 29% (khoảng 15 tỷ USD) nhưng hàng Việt Nam vào châu Âu chỉ tăng khoảng 18% (khoảng 8 tỷ USD).
Hiểu thị trường và người tiêu dùng
Xuất khẩu của Việt Nam hiện nay dựa vào ba động lực thúc đẩy chính là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, CPTPP và các FTA, kỹ thuật số và thương mại điện tử.
Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho rằng, có 5 vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp cần nắm vững trong các FTA để tận dụng cơ hội và phòng tránh rủi ro trong xuất khẩu. Đó là lộ trình cắt giảm thuế, các rào cản phi thuế quan, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, mua sắm công.
Trong đó, phải đặc biệt quan tâm đến xuất xứ hàng hóa. Doanh nghiệp phải đảm bảo xuất xứ hàng hóa; và các cơ quan chức năng phải có giải pháp bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, tránh bị lợi dụng xuất xứ hàng hóa, từ đó tránh được các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu.
Một trong những yếu tố quan trọng không kém là doanh nghiệp phải xác định được thị trường mục tiêu. Châu Á chiếm đến 60% dân số thế giới, là thị trường rất lớn cho thương mại điện tử, vì số lượng người dùng tương tác với điện thoại di động cao hơn nhiều các khu vực khác. Muốn khai phá những thị trường này, ngoài tận dụng "số hóa" còn phải am tường người tiêu dùng.
Link bài viết
Các nghiên cứu cho thấy, trong khi người tiêu dùng châu Á bắt đầu coi trọng sự tiện lợi thì người châu Mỹ và châu Âu lại quan tâm đến sự an toàn và tốt cho sức khỏe. Mỹ và châu Âu là những thị trường lớn cho sản phẩm hữu cơ, trong đó Mỹ chiếm gần 50% thị phần.
Doanh nghiệp Việt còn phải đẩy mạnh khai thác thị trường mới song song với việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Muốn vậy, doanh nghiệp phải đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật. Chẳng hạn như với nông sản phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần cam kết và công khai minh bạch thông tin trên thị trường đồng thời với việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm bằng cách thay đổi mẫu mã, chủng loại hàng hóa, quan tâm nhiều hơn đến các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp phải có chiến lược xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, liên kết với nhà phân phối uy tín, có năng lực trong việc tiêu thụ sản phẩm cũng như xây dựng kênh phân phối riêng.