Ngày vía thần Tài: Giá vàng lệch cả triệu đồng, chứng khoán tiếp tục giảm

Khởi Vũ| 03/02/2020 03:00

Trong khi nhiều đơn vị nâng chênh lệch giá mua - bán vàng lên 1 triệu đồng/lượng, thị trường chứng khoán tiếp tục gặp khó vì vi rút Corona (nCoV) vào ngày 3/2 (ngày Vía Thần tài - mùng 10/1 Âm lịch theo dân gian).

Ngày vía thần Tài: Giá vàng lệch cả triệu đồng, chứng khoán tiếp tục giảm

Vàng tăng giảm bất thường, song vẫn khá lạc quan

Mở cửa sáng nay, giá vàng thế giới tăng 1-2 USD/oz, lên mức 1.592,5 USD/oz nhưng sau đó giảm mạnh, xuống còn 1.584 USD/oz, tiếp tục xu hướng tăng giảm khó đoán trong thời gian gần đây. Chốt phiên cuối tuần trước, giá vàng tăng gần 15 USD/oz, lên 1.588 USD. Tuy nhiên, khi bước sang phiên châu Á sáng 3/2, giá lại quay đầu đi xuống. Lúc 9g20 theo giờ Việt Nam, giá vàng giảm xuống còn 1.581 USD, tương đương 44,3 triệu đồng.

Tại thị trường trong nước, do giá vàng giảm chậm hơn giá thế giới, nên giá vàng nội địa cao hơn quốc tế từ 350.000 - 600.000đ/lượng. Đầu giờ giao dịch sáng 3/2, vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết ở mức 44-45 triệu đồng/lượng (mua - bán). Như vậy, so với chốt phiên chiều qua, giá bán giảm khoảng 200.000đ nhưng giá mua sụt đến 600.000đ, nâng chênh lệch mua - bán lên đến 1 triệu đồng, đồng nghĩa những ai vừa mua xong và bán lại sẽ lỗ ngay 1 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giảm 50.000 - 100.000đ/lượng, mua vào ở 44,3 triệu đồng/lượng, bán ra 44,85 triệu đồng/lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội) tăng giá vàng miếng SJC lên 44,15 triệu đồng/lượng, bán ra 45 triệu đồng/lượng nhưng rồi giảm giá bán về 44,9 triệu đồng/lượng, mua vào còn 44,05 triệu đồng/lượng. Còn vàng miếng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) được giữ nguyên giá bán tất cả sản phẩm từ hôm qua cho đến hết ngày 3/2, quanh mức 44 - 44,85 triệu đồng/lượng.

Về giá vàng tuần này, KitcoNews dự báo vẫn khá lạc quan. Đồng thời, có 14/17 chuyên gia thị trường tham gia vào một cuộc khảo sát của Phố Wall dự báo giá vàng sẽ tăng. Ba chuyên gia còn lại cho rằng vàng sẽ giảm giá và không có ý kiến nào cho rằng thị trường sẽ đi ngang. Ngoài ra, 69% trong 995 ý kiến ghi nhận được thông qua một cuộc thăm dò trực tuyến của Main Street cho rằng, tuần này vàng sẽ tăng giá, 16% nói vàng sẽ giảm giá và 15% trung lập.

Chứng khoán ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Corona

Trên thị trường chứng khoán, VN-Index sáng 3/2 giảm tiếp hơn 4%, xuống dưới 900 điểm, do tình trạng bán tháo lan rộng bởi lo ngại diễn biến tiêu cực của dịch Corona, nâng đà giảm trong 3 phiên đầu năm sau Tết Nguyên đán lên hơn 10%. Nếu đà này tiếp tục, đây sẽ là 3 phiên thị trường chứng kiến mức giảm mạnh trên 10% kể từ cuối tháng 4/2007. Độ rộng thị trường tính tới 9g30 sáng nay đang nghiêng về bên bán với 61 mã tăng và 328 mã giảm.

Toàn rổ VN30 đều chìm trong sắc đỏ, với 4 cổ phiếu giảm sàn và phần lớn cổ phiếu chủ chốt thuộc nhóm bluechip như VNM, MSN, VCB, FPT, SSI, MWG đều giảm trên 5%. Trong đó, mã giảm mạnh nhất là ROS cùng VJC ở mức sàn, và nhẹ nhất là CTG ở mức dưới 1%. Đây là phiên thứ hai liên tiếp VJC giảm sàn, nâng mức giảm trong 3 phiên gần nhất lên xấp xỉ 20%; ROS, VRE, BID cũng giảm gần 7%. Lực cầu mạnh bơm vào CTG giúp mã có lúc xanh hơn 1%, song đã nhanh chóng đảo chiều dưới áp lực bán.

Với ngành ngân hàng, chỉ SHB khả quan với sắc xanh 4%, trong khi hàng loạt mã khác như ACB, VCB, BID, TCB chìm trong sắc đỏ. Các mã thuộc nhóm dầu khí cũng chịu thiệt hại do giá dầu thô thế giới giảm, giữa lúc nỗi sợ về sự suy yếu nhu cầu năng lượng xuất hiện do dịch Corona. Cụ thể, PVC, PVD giảm sàn, BSR, POW, PVB, PVS bay hơn 3% giá trị.

Theo đánh giá của BVSC, VN-Index đang chuyển biến xấu về mặt xu hướng trung hạn, sau khi chỉ số xuyên thủng vùng hỗ trợ quan trọng 945-946 điểm. Theo đó, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục về mức 10-20%. Nhà đầu tư nắm cổ phiếu với tỷ trọng lớn có thể tận dụng nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỷ trọng.

Do tác động từ dịch Corona, nhóm dược là ngành hưởng lợi rõ nhất. Phiên sáng nay, hàng loạt mã như DHG, JVC hiện sắc tím, theo sau là DHT tăng cận trần, DMC, IMP tăng gần 6%. Chăm sóc sức khỏe hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 5,27%; còn thực phẩm - đồ uống giảm mạnh nhất, ở mức 5,41%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngày vía thần Tài: Giá vàng lệch cả triệu đồng, chứng khoán tiếp tục giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO