Điểm nghẽn trong xã hội hóa đầu tư sân bay

Minh Anh| 16/08/2019 03:55

Quan điểm của Chính phủ là tiếp tục xã hội hóa các cảng hàng không theo hướng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư từ đầu và toàn bộ dự án nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

20190201-ha-long-tuyet-dep-tro-2624-6001

Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) là mô hình thành công về xã hội hóa đầu tư sân bay

Trả lời đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 15/8/2019, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện tồn tại nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các cảng hàng không, sân bay.

Cả nước đang có 22 sân bay trong đó chỉ có sân bay Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group quản lý khai thác. 21 sân bay còn lại đã tồn tại trong thời gian dài và Chính phủ đã giao Tổng công ty Hàng không (ACV) quản lý. Trong cơ cấu vốn của ACV, vốn Nhà nước chiếm 95,6%.

Link bài viết

Đáng chú ý, theo ông Thể, trong số 21 sân bay này, chỉ 8 sân bay có lợi nhuận, còn lại đều thu không đủ chi. ACV phải lấy nguồn thu từ 8 sân bay có lợi nhuận để hỗ trợ các cảng hàng không còn lại.

Hiện nay nếu xã hội hóa, nhà đầu tư sẽ tập trung vào các cảng hàng không có lợi nhuận cao, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn thu của doanh nghiệp nhà nước. ACV sẽ không đủ nguồn thu để có thể quản lý các sân bay kém hiệu quả còn lại.

Theo ông Thể, Chính phủ sẽ kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm làm từ đầu, đầu tư từ đầu các cảng hàng không để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Ví dụ như sân bay Lào Cai đang kêu gọi đầu tư, nếu doanh nghiệp quan tâm thì làm từ đầu cả hạng mục sinh lời và không sinh lời để hài hòa lợi ích.

Riêng sân bay Chu Lai, đến thời điểm này Bộ Giao thông Vận tải đã lấy ý kiến các bộ ngành và đang thành lập hội đồng thẩm định. Từ nay đến cuối năm sẽ tiến hành thẩm định theo quy hoạch chi tiết và dự kiến đầu năm 2020, bộ sẽ trình Chính phủ quy hoạch chi tiết.

Về vấn đề xã hội hóa các cảng hàng không, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý Chính phủ cần đẩy mạnh xã hội hóa các sân bay. Những cảng hàng không hiện nay khai thác thu không đủ chi thì phải tính toán, thay đổi cơ chế như thế nào để hoạt động hiệu quả.

Ngay cả sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia cũng có thể chia ra từng gói, từng hạng mục, cái nào nhà nước đầu tư, cái nào xã hội hóa để doanh nghiệp đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải phải tham mưu cho Chính phủ. Quốc hội cho chủ trương bố trí nguồn vốn, còn thực hiện như thế nào cho nhanh nhất và hiệu quả nhất là do điều hành của Chính phủ.

Trước đó, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên ACV cho biết, xã hội hóa đầu tư cảng hàng không phải như mô hình cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Ở dự án này, tư nhân đầu tư đồng bộ từ khu bay đến nhà ga, sân đỗ và các hạng mục công trình phụ trợ khác.

Theo ông Thanh, việc xé lẻ xã hội hóa các công trình mang tính thương mại có hiệu quả kinh tế trong cảng hàng không và để doanh nghiệp nhà nước đầu tư quản lý khu bay là không công bằng, về lâu dài sẽ dẫn đến sự suy yếu của ACV, ảnh hưởng đến lợi ích nhà nước. Mặt khác, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự duy trì phát triển ổn định của cả cảng hàng không bao gồm tất cả các thành tố khu bay và các hạng mục thương mại khác.

Xã hội hóa phải bảo đảm hài hòa lợi ích của các nhà đầu tư và xã hội. Nhà nước nên xã hội hóa kêu gọi đầu tư toàn bộ cảng, không nên chỉ kêu gọi một hạng mục riêng biệt.

Trong bối cảnh tăng trưởng cao về lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không, tình trạng quá tải về kết cấu hạ tầng một số cảng hàng không diễn ra ngày càng thường xuyên, đặc biệt tại các sân bay trọng điểm như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh hay Đà Nẵng.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho rằng, nếu chỉ giao cho doanh nghiệp làm một phần trong cảng hàng không sẽ khó giải quyết được ách tắc. Thay vào đó, nếu được giao mặt bằng sạch, các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư và làm hoàn thiện các sân bay mới.

Cho đến nay, cả nước mới chỉ có sân bay Vân Đồn là do tư nhân xây dựng. Một số doanh nghiệp như FLC và Vietjet đã bày tỏ mong muốn đầu tư nâng cấp các sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và sân bay Điện Biên nhưng chưa được chấp thuận.

(Nguồn: Theleader.vn)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điểm nghẽn trong xã hội hóa đầu tư sân bay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO