Đầu tư ngược và “núp bóng” vốn nước ngoài

Gia Lê| 25/11/2019 00:00

Giới tài chính có lắm chiêu trò cùng với sự giúp sức của các “thiên đường thuế”, dẫn đến mạng lưới sở hữu chằng chịt khó có thể lần ra được nguồn gốc dòng tiền đến từ đâu.

Đầu tư ngược và “núp bóng” vốn nước ngoài

Những công ty được thành lập tại các “thiên đường thuế” không chỉ là công cụ giúp các tập đoàn đa quốc gia chuyển giá và trốn thuế, mà còn là công cụ để giới nhà giàu ủy thác nguồn tiền đem đầu tư khắp thế giới, và trong nhiều trường hợp là “đầu tư ngược”, núp bóng vốn nước ngoài, có thể gây bất ổn cho nền kinh tế chính quốc.

Chẳng hạn, một ông chủ doanh nghiệp (DN) thay vì đầu tư trực tiếp vào DN mình đang sở hữu hoặc mua một DN, nhưng vì những giới hạn về tỷ lệ sở hữu cũng như để tránh khoản thuế thu nhập cá nhân, sẽ thành lập một quỹ đầu tư tại các “thiên đường thuế”, hoặc ủy thác tiền cho quỹ rót vốn đầu tư vào chính DN của mình, hoặc một DN mà mình muốn sở hữu.

Lợi ích là vừa có thể che giấu được nguồn tiền đầu tư, vừa đảm bảo được tỷ lệ sở hữu vượt trội để tự quyết kinh doanh, cũng như tránh thuế đánh lên thu nhập. Nếu chẳng may rơi vào kiện cáo thì trong khi những tài sản trong nước có thể bị phong tỏa để phục vụ điều tra, thì nguồn tiền ở nước ngoài nằm tại các quỹ này có thể vẫn được đảm bảo.

Trong trường hợp DN muốn đầu tư thuộc lĩnh vực bị giới hạn tỷ lệ sở hữu, nên không thể nhận thêm vốn của nhà đầu tư nước ngoài do đã đầy “room”, các quỹ nhận ủy thác đầu tư này có thể rót vốn vào một công ty khác trong nước (thường là công ty mới thành lập để làm bình phong), mà dễ nhất và tiện lợi nhất là mua trái phiếu do công ty ấy phát hành. 

Link bài viết

Sau đó, công ty trên sẽ lấy tiền mua cổ phiếu của DN mà quỹ muốn đầu tư và lấy chính lượng cổ phiếu đó cầm cố lại cho quỹ để làm tài sản đảm bảo cho lượng trái phiếu đã phát hành. Đây cũng là cách mà giới chính trị gia hay các tập đoàn tội phạm thường sử dụng để rửa tiền bẩn, khi dòng tiền được che giấu khó có thể lần ra. 

Theo đó, thay vì rót vốn đầu tư trực tiếp trong nước, dòng vốn này bằng nhiều cách được chuyển ra nước ngoài theo đường không chính thức, rồi mới quay ngược trở lại để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Hệ quả là những số liệu thống kê về vốn đầu tư nước ngoài có thể phản ánh không đúng dòng vốn thực chất, tức vốn ảo, nhất là những khoản đầu tư đến từ các “thiên đường thuế”. 

Về định nghĩa, “thiên đường thuế” là những ốc đảo, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia không đánh thuế hoặc thuế suất gần như bằng không, nhưng lại bảo vệ thông tin tài chính cá nhân rất cao và có các quy định pháp lý thiếu minh bạch. Các nước thuộc khu vực Caribê là nơi tập trung nhiều “thiên đường thuế” trên thế giới, nổi tiếng nhất là Bahamas, Panama và quần đảo Cayman, kế đến là Bermuda, British Virgin Islands, Belize, Isle of Man, Mauritius, Lichtenstein, Cook Islands.

Việc thành lập công ty tại “thiên đường thuế” rất đơn giản, với một lệ phí nhất định, bù lại được bảo mật tuyệt đối danh tính. Dù vậy, trong nhiều năm trở lại đây, các vụ rò rỉ thông tin ngày càng nhiều hoặc bị đưa ra ánh sáng, như các vụ WikiLeaks (2010), Offshore Secrets (2013), Luxembourg (2014), Swissleaks (2015) và gần đây nhất là hồ sơ Panama (2016) khiến giới nhà giàu và các đối tượng rửa tiền lo ngại và không còn cảm thấy an toàn tuyệt đối như trước kia. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư ngược và “núp bóng” vốn nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO