Đầu tư ngược dòng

Lữ Ý Nhi| 27/09/2022 05:57

Năm 2022, nhiều tập đoàn lớn nước ngoài đang có xu hướng đẩy mạnh chiến lược đầu tư tại Việt Nam với nhiều tham vọng "ngược dòng" tìm cơ hội đầu tư mới thì cũng có doanh nghiệp (DN) Việt lại "ngược dòng" vươn ra đầu tư ở nước ngoài.

Đầu tư ngược dòng

Ngược dòng vào Việt Nam

Thông tin những  ngày gần đây vừa công bố cho biết, Tập đoàn ParkCity Property Holding (Malaysia) đã đầu tư dự án khu phức hợp đô thị và công nghiệp với mong muốn quy hoạch và tạo ra tổ hợp phát triển bền vững lâu dài để khai thác vị trí thuận lợi giữa Long An và TP.HCM.

Trước đó, cuối tháng 6/2022, tập đoàn này cũng đến Đà Nẵng để tìm cơ hội đầu tư. Động thái này cho thấy, tham vọng của ParkCity Property đầu tư tìm cơ hội vào Việt Nam rất lớn. Hay vào cuối tháng 8/2022, Tập đoàn STS Development cũng đã ký biên bản với tỉnh Long An để đầu tư.

Tương tự, đầu tháng 9/2022,  Tập đoàn Lottte (Hàn Quốc) cũng đã triển khai dự án khu phức hợp thông minh (Lotte Eco Smarrt City Thủ Thiêm - TP.HCM) với quy mô đầu tư gần 2 tỷ USD.

Theo chia sẻ của các tập đoàn nước ngoài, việc mở rộng chiến lược kinh doanh cũng như tham vọng đầu tư mới tại Việt Nam là cơ hội để các tập đoàn vượt qua khó khăn của nền kinh tế thế giới, tìm cơ hội phát triển ở các thị trường mới.

Theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài đã "rót" gần 16,8 tỷ USD vào Việt Nam. Đây có thể nói là một tín hiệu đáng mừng và cho thấy rằng Việt Nam vẫn đang giữ vững được vị trí là một địa điểm đầu tư đáng tin cậy. Là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đầu tàu kinh tế của đất nước, TP.HCM luôn là địa phương quy tụ những nhà đầu tư lớn, với nguồn vốn đầu tư chảy vào mạnh mẽ qua từng năm. Trong 53 tỉnh, thành tiếp nhận nguồn vốn đầu tư, TP.HCM là nơi dẫn đầu về tỷ lệ đầu tư cũng như các dự án mới.

Tuy nhiên, chia sẻ tại "Diễn đàn hỗ trợ đầu tư và tổng kết chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư 2022" diễn ra vào ngày 15/9/2022 tại TP.HCM, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, mặc dù các nhà đầu tư vẫn khẳng định TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ luôn là điểm đến lý tưởng ở hiện tại cũng như trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có thể thu hút mạnh mẽ các FDI mới, tiềm năng, hầu hết nhà đầu tư cho rằng TP.HCM cần giải quyết những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục, quy trình; cải thiện hơn về khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư, cùng với đó thúc đẩy hơn sự phát triển của các lĩnh vực mới như công nghệ, tài chính, hạ tầng đô thị...

"Cú ngược dòng" của DN Việt 

Năm 2021-2022, trong khi các DN Việt vẫn tiếp tục là "miếng bánh ngọt" được nhiều công ty nước ngoài nhắm tới để M&A thì Công ty Nutifood đã âm thầm thực hiện chiến lược xuất ngoại khi M&A Công ty Cawells của Thụy Điển.

Để thực hiện mục tiêu này, năm 2019 Nutifood đầu tư vào Nhà máy Nutifood Thụy Điển. Hai năm sau, Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển (NNRIS) quy tụ các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu châu Âu ra đời. M&A Cawells là chiến lược cuối cùng mà Nutifood hướng đến.

Ông Trần Bảo Minh - Phó chủ tịch HĐQT Nutifood cho biết: "Thâu tóm DN ngoại là thử thách "khó nhằn" nhưng để bước chân ra thị trường quốc tế, tìm cơ hội phát triển và cạnh tranh thì không thể không M&A nước ngoài".

Ông Minh cho rằng, khi sản phẩm Cawells được bày bán trên kệ kênh phân phối của Nutifood trong nước cũng là lúc sản phẩm Nutifood thừa hưởng và tận dụng tệp khách hàng của Cawells trải dài từ châu Âu sang châu Á và khu vực Trung Đông. Theo đó, các sản phẩm mang đậm bản sắc Việt thông qua Cawells sẽ được quảng bá ra thế giới như sâm Ngọc Linh, cà phê di sản từ nông trường trăm năm CADA...

Ông Minh cũng chia sẻ kinh nghiệm, muốn đầu tư ra nước ngoài theo hình thức M&A, trước hết phải hiểu được thương hiệu đối tác có gì tốt, có gì mình không có và họ cũng có những cái không bằng mình. Như Cawells, dù có công nghệ phát triển, sản phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu nhưng họ chỉ có thị trường 10 triệu dân thì không lớn được. 

Trong khi đó, việc tiếp cận thương hiệu Việt và "made in Vietnam" ra thị trường nước ngoài lại không dễ. Ví dụ tại Ấn Độ, sản phẩm Nutifood rất khó tiếp cận người mua nhưng nếu thương hiệu đó xuất phát từ Thụy  Điển hay các nước châu Âu thì rất dễ.

Hướng đi của Nutifood được xem là chiến lược "đứng trên vai người khổng lồ” nhưng ông Minh khẳng định: "Đây là chiến lược win-win. Đã có nhiều hợp tác mà DN Việt xem mình là nhỏ nên chỉ dám nắm 10-20%, do đó không quyết định được gì. Với thương vụ này, Nutifood đã chứng minh thế mạnh là thị trường 5 tỷ dân nên đã nắm quyền chi phối".

Ông Minh cũng chia sẻ thêm, ngay cả khi M&A công ty nước ngoài cũng phải xác định đầu tư đúng nghĩa giống như đầu tư tại Việt Nam, điều đó đòi hỏi đội ngũ quản trị của các tập đoàn Việt Nam nó phải ở tầm quốc tế. Và văn hóa làm việc với quốc tế phải minh bạch, rõ ràng. 

Việc Nutifood mạnh dạn M&A công ty nước ngoài cũng là bài học mà công ty này rút ra được từ các DN Trung Quốc. "Ví dụ, DN Trung Quốc đã mua hãng xe Volvo của Thụy Điển và họ đã đi khắp thế giới. Nutifood mong muốn một ngày nào đó thông qua thương hiệu sữa cho người lớn tuổi ở Thụy Điển bán cho khắp thế giới. Nước Mỹ giàu vì khi họ đi ngủ rồi mà khắp thế giới vẫn sử dụng đồ của Mỹ. Việt Nam bắt đầu phải làm điều đó lúc này. 20 năm sau, Việt Nam đi ngủ nhưng vẫn có những thương hiệu hút tiền về cho Việt Nam", ông Minh nói. 

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trong xu hướng các DN nước ngoài đang mua các DN trong nước thì Nutifood đi ngược dòng, mua các thương hiệu nước ngoài, mua DN nước ngoài để làm lớn mạnh thương hiệu Việt, tôi cho rằng phù hợp với xu hướng một DN muốn lớn mạnh giữ sức của mình và biết tận dụng trí lực của người khác. Thứ hai, việc mua và thành lập doanh nghiệp Nutifood quốc tế là con đường chiến lược để Nutifood nâng tầm trở thành thương hiệu quốc tế trong thời kỳ hội nhập, mở đường cho nhiều DN Việt cùng mở  rộng hơn nữa ở thị trường lớn như châu Âu, Bắc Mỹ..." 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư ngược dòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO