Dấu thời gian - Khát vọng của người xưa: Trần Bảo Định góp thêm bút mực để người đương thời ngẫm về người xưa

Cao Minh Tèo| 25/07/2022 06:00

Trần Bảo Định đến với văn chương khi tóc đã bạc, hơn 70 tuổi mới có tác phẩm gây chú ý trên văn đàn. Với ông, viết để ghi lại những điều mình biết, mình đã trải qua, và tìm thấy sự bình yên trong lòng. Dấu thời gian - Khát vọng của người xưa đã giúp đương thời ngẫm về người xưa.

Dấu thời gian - Khát vọng của người xưa: Trần Bảo Định góp thêm bút mực để người đương thời ngẫm về người xưa

Tôi có cơ duyên gặp Nhà văn Trần Bảo Định tại Đường sách Nguyễn Văn Bình TP.HCM năm 2021 trước khi dịch Covid- bùng phát dữ dội. Trông ông phúc hậu. Trước đó, tôi có đọc qua một vài tác phẩm của ông như: Mưa bình nguyên, Kíp ba khía, Bóng chiều quê, Mùa hoa nắng… Điều tôi ấn tượng ở Trần Bảo Định chính là việc ông đến với văn chương khi tóc đã bạc, hơn 70 tuổi mới có tác phẩm gây chú ý trên văn đàn.

Và dù đã có hơn 20 đầu sách, nhưng Trần Bảo Định không nhận mình là nhà văn. Ông nói, viết để ghi lại những điều mình biết, mình đã trải qua, và tìm thấy sự bình yên trong lòng. Cuốn sách Dấu thời gian - Khát vọng của người xưa đã giúp hậu nhân ngẫm nghĩ, kế thừa sự dịch chuyển quan niệm yêu nước và tư tưởng canh tân đầu thế kỷ XX của tiền nhân.

Có thể khẳng định rằng, Dấu thời gian - Khát vọng của người xưa là một góc nhìn lịch sử nói chung bằng ngôn ngữ văn chương. Ngạc nhiên hơn, đây là một tác phẩm chưa có tiền lệ trong sử - văn, bởi 7 nhân vật - hầu hết là những tên tuổi lừng danh một thời trong lịch sử, nhưng đến nay rất ít người được nhắc đến: Lương Văn Can, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Háo Vĩnh, Hồ Hữu Tường, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Nguyễn An Ninh. Ngoài bài khảo cứu, thì có truyện ngắn nhưng được Trần Bảo Định xây dựng từ một sự kiện, một kỷ niệm, một con người có quan hệ đến nhân vật vừa được giới thiệu, khảo cứu.

-3665-1658672736.jpg

Nhà văn Trần Bảo Định

Dấu thời gian - Khát vọng của người xưa, mở đầu phần khảo cứu với phần nội dung tìm hiểu về cụ Lương Văn Can (đại diện tầng lớp sĩ phu), kết thúc là cụ Nguyễn An Ninh (đại diện tầng lớp trí thức Tây học), là dụng ý của tác giả hay vô tình sắp đặt. Nhưng đọc xong quyển sách, người đọc nhận ra rằng, Nguyễn An Ninh cũng như nhiều trí thức Nam kỳ, đã góp phần làm dịch chuyển hệ hình tư duy yêu nước, bước tiến cần thiết cho sự hình thành và phát triển cho phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp nửa đầu thế kỷ XX. Từ đó, người đọc có cái nhìn sâu sắc hơn về tinh thần chống giặc ngoại xâm, nỗ lực giải phóng dân tộc và phát triển đất nước, gắn kết giáo dục - doanh thương - minh tân đất nước của cha ông. Và qua đó góp phần sáng tỏ hệ hình chuyển hướng từ “Đông du” sang “Tây du”, từ “quốc gia” đến “quốc tế” của cha ông.

Link bài viết

Trần Bảo Định đã nhấn mạnh đến tư tưởng kinh doanh của cụ Lương Văn Can - không chỉ nói về đạo đức mà còn chỉ ra phương thức kinh doanh bao gồm cả nghiệp vụ và tri thức; về bản lĩnh, tầm nhìn, định hướng, đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, góp phần xóa bỏ tư tưởng “con buôn”… cũng như cụ Trần Chánh Chiếu, đặc biệt ở khía cạnh giáo dục và ý nghĩa văn hóa - xã hội, cho đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Bên cạnh đó, với Thanh niên cao vọng Nguyễn An Ninh của Trần Bảo Định dài đến 40 trang, đã nêu cao phẩm giá cũng như vai trò to lớn của cụ Nguyễn An Ninh đối với phong trào cách mạng Việt Nam trước 1945, nhất là ở miền Nam.

Các nhân vật Nguyễn Hào Vĩnh, Hồ Hữu Tường, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu - những nhân vật nổi danh, gây sóng gió một thời, bị thực dân Pháp bỏ tù… cũng được Trần Bảo Định quan tâm trong chuyên khảo của mình. Riêng với nhân vật Tạ Thu Thâu, qua bài viết Tạ Thu Thâu - chàng trai Lấp Vò trên đất Pháp dài 36 trang viết, Trần Bảo Định đã giúp bạn đọc thấy rõ "tấm lòng nhân đạo và tình yêu quê hương ngời sáng" của cụ.

Qua Dấu thời gian - Khát vọng của người xưa, không chỉ thấy Trần Bảo Định có tầm trong việc sưu tầm, khảo cứu về tầm tư tưởng của các nhân vật được nói trên, mà còn có cái tâm khi ông tỉ mẩn trong việc lựa chọn, sử dụng những tài liệu, cứ liệu… để làm sáng tỏa một số vấn đề thuộc về các nhân vật hiện đang còn những "khúc mắc" trong việc nhìn nhận, ví như Tạ Thu Thâu còn vướng vào một "nghi án" có thể không bao giờ được làm sáng tỏ... Đồng thời, người đọc khi đọc quyển sách này như được ngược dòng thời gian cùng với những ký ức về những sản phẩm chỉ nghe tên, hay chỉ nhìn ở các bảo tàng ở TP.HCM như xà bông Cô Ba một thời nổi đình đám nhưng chánh hiệu “made in Việt Nam”.

Ngoài ra, Dấu thời gian - Khát vọng của người xưa còn đượm nồng mùi đất phương Nam bằng tính cách riêng, bằng vốn sống tích lũy, sự am hiểu của mình bởi Trần Bảo Định. Bên cạnh đó, dù chẳng kết luận điều gì bởi những gì mình viết trong quyển sách nhưng Trần Bảo Định đã góp một góc nhìn, phần nhiều là từ các sự việc, vấn đề cụ thể và những câu chuyện gần như là huyền thoại, từ đây, người đọc cũng như giới nghiên cứu sẽ có cách nhìn khách quan hơn và đúng đắn hơn. Song song, cách kể, giọng kể, ngôn ngữ… điểm nhìn trần thuật cũng khá độc đáo, mang tên Trần Bảo Định - Người kể chuyện dân gian đương đại, "nổi đình đám" trong thời gian qua được bạn đọc cả nước mến mộ tài năng.

Với 379 trang sách, Dấu thời gian - Khát vọng của người xưa do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành năm 2022, đã giúp người đương đại chúng ta ngẫm nghĩ để kế thừa di sản của người xưa để lại và nhiều hơn nữa với tấm lòng của một nhà văn - Trần Bảo Định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dấu thời gian - Khát vọng của người xưa: Trần Bảo Định góp thêm bút mực để người đương thời ngẫm về người xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO