Bãi Thừa Đức bắt đầu có khách du lịch, người Bình Đại, Bến Tre bắt đầu làm dịch vụ nhưng cứ đến mùa nghêu sinh sản, họ lại đổ ra biển, đãi cát, tìm sản vật của trời.
Đãi cát tìm nghêu
Trong cái nắng gay gắt của những ngày giữa hạ, xuôi theo những con đường đất, biển Thừa Đức đón du khách bằng hai gương mặt đối lập: Xa tít tắp ngoài khơi là màu xanh biếc, nhưng phía gần bờ, biển đục phù sa. Trong lòng biển - phù sa ấy, là những con người cứ lặn hụp liên hồi. “Không phải người ta tắm biển đâu. Dân cào trứng nghêu đó”- anh Nguyễn Văn Phiên, cư dân Thừa Đức cho biết. Chưa dứt lời, trên tay bộ đồ nghề chỉ là chiếc lưới mùng tròn gắn thêm niền sắt, anh vội vã lao xuống nước đua tài cùng bạn nghề. Đến chỗ mực nước ngang ngực, vốc nắm cát đầu tiên từ dưới đáy, anh săm soi thật kỹ. “Chỗ này bị cào rồi, không thấy cái trứng nào hết”- anh tiếc rẻ.
Tiến ra xa bờ hơn một chút, lặp lại thao tác cũ, anh vẫn thả tay, lắc đầu. Di chuyển lần thứ ba, đã nghe tiếng anh reo mừng. Trong lòng bàn tay anh, giữa cát nâu là những cái trứng nghêu, chỉ bằng đầu hạt gạo, trắng lấp lánh. Sục niền lưới xuống lòng biển, vừa hớt mớ cát, anh Phiên vừa giải thích: “Nghêu không đẻ gần bờ nhưng trứng không nằm sâu trong lòng cát nên khi phát hiện vùng có trứng nghêu, phải cào rộng ra khu vực xung quanh”.
Nhanh tay cào, chẳng mấy chốc, chiếc lưới mùng của anh đã nặng tay. Đáp lại lời reo mừng của chúng tôi là nụ cười nửa miệng của anh chàng cư dân nửa biển, nửa vườn: “Đừng vội mừng, “phim” còn dài tập lắm!”. Hòa cùng những bạn nghề đang ngồi sát mép nước, anh Phiên bắt đầu đổ cát ra chiếc thau nhỏ, dùng nước biển đãi bỏ lớp cát to hạt cùng mớ rác. Chờ sẵn, chị Hương, vợ anh nhanh chóng dùng chiếc rây, sàng lại lần nữa sản phẩm của chồng rồi trút vào chiếc túi ni lông. Sàng, đãi suốt mấy giờ đồng hồ thành quả của hai vợ chồng, giờ chỉ là một túm cát nhỏ.
Mồ hôi hòa biển mặn
Nắng trên đầu và nước phủ toàn thân, không khó nhận ra những người mưu sinh bằng nghề đãi cát tìm nghêu. Đó là những gương mặt đen nhẻm, là đôi bàn tay, bàn chân nhăn nhúm vì ngâm nước quá lâu. Anh Sáu Hoàng, một người đãi nghêu lâu năm, chia sẻ: “Nghề cào trứng nghêu ở vùng này có từ lâu lắm rồi. Từ trẻ đến già, người trong vùng ai cũng biết đãi trứng nghêu”.
Như minh họa lời anh, em Nguyễn Đức Thắng, học sinh lớp 7 Trường THCS Thừa Đức xuất hiện với thau cát trên tay. Em cho biết, tranh thủ những ngày hè, ra biển đãi trứng nghêu kiếm chút tiền để dành mua sách cho năm học tới. “Mỗi ngày, nếu chịu khó và may mắn, có thể kiếm được 50.000 đồng”- Thắng khoe. May mắn, theo Thắng, là cào được vùng cát có trứng và gặp thương lái không khó chịu. Còn khi không may mắn là... chiếc sẹo dài, ngang lòng bàn tay của anh bạn nhỏ. Thắng kể, đầu vụ nghêu, đang sục niền xuống cát, chưa nghe đau thì đã thấy máu loang lổ trên mặt nước biển. Rút tay lên thì thấy tay mình bị cứa sâu một đường dài. “Người ta ra biển nhậu, chán chê lại quăng vỏ chai, vỏ lon bia xuống biển, làm dân cào nghêu bị “ăn thẹo hoài”- cậu bé bức xúc.
Theo chân Thắng đến khu vực thu mua trứng, giữa những ngư dân cào nghêu vây tròn xung quanh, là một thanh niên khá trẻ với chiếc đĩa sứ trên tay. Với tay lấy nhúm cát trong thau của Thắng bỏ ra đĩa, hớt chút nước để dễ quan sát mật độ của trứng trong cát, anh thanh niên định giá: “Ít trứng quá, ba chục ngàn. Chịu giá thì trút vào giỏ cho lẹ”. Kỳ kèo hồi lâu không được, Thắng đành bán thau trứng nghêu của mình. Cậu bé càu nhàu: “Cào từ sáng đến giờ mà ổng trả rẻ quá”. Không có chuẩn cân đo, việc định giá phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, với dân cào nghêu, yếu tố “hên - xui” quyết định thu nhập của họ là vì vậy.
Tấc biển, tấc vàng
Chỉ vào số trứng nghêu lẫn cát biển chỉ mới xăm xắp mặt chiếc giỏ đệm nhỏ, anh Út Phát, một thương lái trứng nghêu quen mặt của vùng, phán chắc nịch: “Bao nhiêu đây nghêu nhưng tụi này mua gom từ sáng tới giờ, tốn không dưới 5 triệu đâu”. Anh cho biết, trứng nghêu mua về sẽ được thương lái nuôi trong đìa nước mặn, không cần cho ăn vì nghêu chỉ tiêu hóa mùn bã hữu cơ và sinh vật phù du. Khoảng 20 ngày sau, trứng nghêu hay còn gọi là nghêu cám sẽ thành nghêu giống, có hình thể rõ ràng. “Lúc này, bán lại cho bạn hàng đem về ươm, nuôi ở các bãi là giá đã chênh lệch ít nhất là gấp bốn lần”- Út Phát tiết lộ.
Biết được mức độ chênh lệch giữa giá nghêu trứng và nghêu giống cao như thế nhưng hiếm người cào nghêu nào nghĩ đến chuyện đầu tư đìa nuôi nghêu để tăng thu nhập. Chú Tư Thang, ấp 4, Bình Đại, Bến Tre chia sẻ: “Chạy ăn từng bữa, tiền đâu xây đìa, dẫn nước mặn? Tính ra vốn nuôi nghêu cám cũng bộn lắm!”. Thiếu vốn, vậy là những người dân miệt biển chỉ còn biết dùng sức để khai thác nguồn sản vật của thiên nhiên. Tiếc thay, mỗi năm, nghêu thường sinh sản tập trung trong một khoảng thời gian ngắn nên nghề cào nghêu cũng chỉ rộ được từ đầu tháng 5 đến gần cuối tháng 7 âm lịch. Thời gian còn lại, những người cào trứng nghêu lại rời biển đi làm mướn hoặc chăm chút vườn, ruộng của mình.
“Chẳng ai sống được bằng nghề cào trứng nghêu đâu nên khi đến mùa là phải gắng hết sức mình”- giọng chú Tư Thang trầm buồn. Chú kể, có những lần đổ bệnh, trúng mùa nghêu đẻ, thấy bạn nghề rộn ràng thau, lưới, lại thấy tay chân mình thừa thãi, trông cho mau hết bệnh để xuống biển. Cái vui của nghề cào trứng nghêu đơn giản chỉ có vậy nhưng đủ hấp dẫn để già, trẻ đều gắng giữ nghề.
Rời khỏi vùng biển sở hữu nguồn trứng nghêu lớn hàng đầu Việt Nam khi ánh chiều đã chạm biển, trong cái nắng muộn màng heo hắt, tôi vẫn thấy những mái đầu lặn hụp, những tay lưới vươn dài...