Về chiến lược tăng trưởng xanh, TS. Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam, nói: "Các doanh nghiệp (DN) không thể đứng ngoài nếu muốn giành lợi thế để tồn tại và phát triển lâu dài trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt".
* Theo định hướng Chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ, số lượng dự án được hiện thực hóa ngày càng gia tăng. Ông nhận định thế nào về sự tham gia của các DN vào lĩnh vực này?
- Phát triển kinh tế nhanh là một trong những nguyên nhân chính làm tài nguyên cạn kiệt, môi trường sống bị tác động. Phát triển cân đối giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường vừa là yêu cầu vừa là mục tiêu của các chính phủ. Nhiều nước phát triển đã trải qua những gì đang xảy ra tại Việt Nam hiện nay, nên DN của họ có nhận thức và nhiều kinh nghiệm về tăng trưởng xanh. Không có gì ngạc nhiên về việc nhiều DN nước ngoài đi tiên phong trong quá trình này ngay khi tham gia thị trường Việt Nam.
Nỗ lực phát triển xanh của nhiều DN nước ngoài khá đa dạng và tầm ảnh hưởng rộng. Họ không dừng lại trong khuôn khổ tự nâng cao mình theo hướng tăng trưởng xanh, mà còn đóng vai trò quan trọng trong kết hợp và thúc đẩy cộng đồng cải thiện môi trường sống.
Với những hoạt động xanh trong sản xuất và kinh doanh, các DN này đồng thời tạo ra những mô hình DN xanh điển hình, dần dần tác động tới tư duy và hành vi mua sắm của người tiêu dùng, nhờ đó thúc đẩy sự thay đổi của nhiều DN khác, mang đến ảnh hưởng tích cực cho môi trường sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
* WWF đóng vai trò trung tâm trong việc "lôi kéo" DN tham gia các chương trình, dự án tăng trưởng xanh, nhưng sự "lôi kéo" đó tại Việt Nam hình như chưa nhiều?
WWF là một trong những tổ chức phi chính phủ hoạt động về bảo tồn và bảo vệ môi trường đầu tiên tới Việt Nam. WWF đã và đang hợp tác với nhiều doanh nghiệp đa quốc gia triển khai hoạt động bảo vệ môi trường và thiên nhiên đồng thời tăng cường và cải thiện sinh kế cho người dân Việt Nam. |
- Chúng tôi hướng đến hiệu quả, sự lan tỏa của chương trình, dự án hơn là số lượng. Tại Việt Nam, WWF đã hợp tác với các DN trong và ngoài nước triển khai nhiều dự án phát triển xanh, chạm tới các lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, trồng rừng ngập mặn tới nuôi trồng thuỷ sản, du lịch sinh thái... Kết quả các dự án thực hiện những năm qua thể hiện mức độ tín nhiệm và tin cậy cao của DN với WWF.
Theo đánh giá mới nhất của DN đối với các tổ chức phi chính phủ năm 2014 do Green Biz thực hiện, WWF nằm trong nhóm ba tổ chức dẫn đầu theo tiêu chí đánh giá về ảnh hưởng, tín nhiệm và độ tin cậy. Đây là sự ghi nhận rõ ràng nhất về những đóng góp và nỗ lực hợp tác của WWF cùng cộng đồng DN vì công cuộc tăng trưởng xanh của Việt Nam.
* Nhưng theo ông, những yếu tố nào giúp DN tạm đặt lợi nhuận ngắn hạn sang một bên để vươn tới lợi ích dài hạn?
- Tăng trưởng xanh là chiến lược tìm kiếm tối đa sản lượng kinh tế và tối thiểu gánh nặng sinh thái, một vấn đề nóng được nói đến nhiều trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu. Đây là xu hướng tất yếu khi nền kinh tế muốn phát triển bền vững.
Tôi nghĩ, đã qua thời các DN chỉ cạnh tranh về giá. Trong bối cảnh hiện nay, ngoài lợi nhuận, DN cần tính đến các vấn đề về xã hội và môi trường trong quá trình hoạch định chiến lược kinh doanh. Tăng trưởng xanh có nhiều thách thức song cũng tạo cơ hội cho DN có thêm thị trường, thêm khách hàng, thuận lợi hơn trong thu hút vốn đầu tư, đồng thời kiểm soát hiệu quả chi phí hoạt động, mở rộng cơ hội sản xuất và kinh doanh.
* Kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục song chưa thực sự rõ nét. Trong bối cảnh đó, WWF sẽ làm gì để giúp Việt Nam phát triển kinh tế xanh?
- Hỗ trợ phát triển kinh tế xanh là một trong những ưu tiên của WWF. Chúng tôi đã và đang làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam để thúc đẩy tốt hơn chính sách về nguồn vốn tự nhiên như tài nguyên nước, tài nguyên rừng, dịch vụ hệ sinh thái... Chúng tôi còn hợp tác với VCCI, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững của Việt Nam để hỗ trợ cho các DN Việt Nam.