Đã đến lúc mua vào chứng khoán thị trường mới nổi?

KHẢ HÂN| 22/11/2018 07:22

Trong bối cảnh đồng USD ổn định, chứng khoán Mỹ liên tiếp điều chỉnh trong khi cổ phiếu tại thị trường mới nổi đã rơi về vùng giá hấp dẫn, nhiều dự báo cho rằng đã đến lúc nhà đầu tư xem xét quay trở lại thị trường này.

Đã đến lúc mua vào chứng khoán thị trường mới nổi?

Những thị trường mới nổi điển hình trên thế giới

Vào những ngày đầu tháng 10, giữa lúc một số thị trường mới nổi đang "đau đầu" trước việc rút vốn liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài và đồng nội tệ lao dốc, thì "ông vua" Ngân hàng JP Morgan bất ngờ đưa ra nhận định cổ phiếu ở các thị trường mới nổi có thể tăng 15% trong vòng 6 tháng tới.

Thời gian gần đây dòng vốn đầu tư nước ngoài có dấu hiệu rút ra khỏi các nền kinh tế phát triển, như Mỹ chẳng hạn. Sau khi đầu tư vào thị trường Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2018, hiện JPMorgan đã chuyển hướng với giới hạn tỷ trọng ở mức bằng nhau đối với cổ phiếu ở các quốc gia đang phát triển và Mỹ.

Trước đó, dù những tổ chức như Goldman Sachs hay Allianz SE vẫn duy trì cảnh báo về thị trường mới nổi, thì những chiến lược gia và nhà đầu tư từ UBS Group AG và Morgan Stanley đã đưa ra nhận định lạc quan về khu vực này. Cụ thể UBS luôn tỏ ra tin tưởng vào triển vọng của thị trường mới nổi, và từng cho rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến thị trường phản ứng thái quá và càng thúc đẩy các quỹ đổ tiền vào "bắt đáy".

Link bài viết

Mới đây nhất, nhà đầu tư nổi tiếng Mark Mobius lên tiếng kêu gọi đã đến lúc rót tiền vào chứng khoán ở thị trường mới nổi, khi những đợt điều chỉnh mạnh vừa qua đã đẩy giá cổ phiếu tại những thị trường này về mức có vẻ rất rẻ.

Nhiều thị trường mới nổi lao dốc kể từ đầu năm đến nay được cho là do lo ngại đồng USD sẽ tăng mạnh trước chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu và rút vốn khỏi các thị trường này. Tiếp đó cuộc chiến thương mại được Tổng thống Trump kích hoạt từ tháng 4 càng xoáy sâu vào sư bất ổn, và kế đó là cuộc khủng hoảng tiền tệ tại những quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Indonesia hay Ấn Độ càng làm tăng nỗi lo ngại sẽ lây lan sang các nền kinh tế khác.

Hệ quả là cổ phiếu ở các thị trường mới nổi đồng loạt bị bán tháo, trong đó những thị trường như Trung Quốc - vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc chiến tranh thương mại, lao dốc mạnh. Chỉ số MSCI Emerging Markets Index (theo dõi cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ ở 24 thị trường mới nổi) đã rớt 16% trong năm nay. Đỉnh điểm là trong quý III, giai đoạn cao điểm chiến tranh thương mại và khủng hoảng tiền tệ, thì tổng dòng vốn chảy vào ở các quỹ cổ phiếu của Mỹ là 20,7 tỷ USD, trong khi nhóm quỹ thị trường mới nổi toàn cầu (GEM) bị rút 5,5 tỷ USD.

Đồng USD đã tăng khá mạnh kể từ đầu năm đến nay, với ba lần tăng lãi suất của FED và các số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng khá do các chính sách giảm thuế khu vực doanh nghiệp và bảo hộ thương mại của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, nếu như lộ trình tăng lãi suất đã rõ ràng với tuyên bố của FED sẽ giữ ổn đinh từ năm 2021, thì dường như rủi ro này đã phản ánh vào thị trường và có thể không còn quá lo ngại.  Do đó, dòng vốn quốc tế có thể cân nhắc chi phí vốn theo mức lãi suất tối đa từ lộ trình bình thường hóa lãi suất FED mà quay trở lại các thị trường mới nổi.

Trong khi đó, Đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát hạ viện, các chính sách cắt giảm thuế tiếp tục hoặc bảo hộ quá mức, như "gây chiến" với các đồng minh thương mại là Liên minh Châu Âu hay Nhật của Tổng thống Trump sẽ bị hạn chế, trong khi một hiệp định NAFTA mới cũng đã được thông qua. Sự chia rẽ trên chính trường Mỹ cũng khiến nền kinh tế Mỹ kém hấp dẫn hơn và càng kích thích dòng vốn đảo ngược.

Thống kê gần đây cho thấy, trong đợt điều chỉnh lãi suất hồi tháng 10, dòng vốn bị rút mạnh ra khỏi các quỹ đầu tư Mỹ, và không chỉ tìm kiếm nơi trú bão an toàn ở Nhật mà còn đổ về các thị trường châu Á. Rõ ràng với việc nhiều thị trường mới nổi đã rớt quá mạnh về vùng giá hấp dẫn và dường như tìm thấy đáy, trong khi chứng khoán Mỹ vẫn đang ở gần vùng cao kỷ lục và đang trong giai đoạn điều chỉnh với rủi ro tiếp tục đi xuống, thì dòng tiền có thể sẽ ưa chuộng các thị trường mới nổi hơn.

Diễn biến những ngày gần đây cũng cho thấy, trong khi chứng khóan Mỹ liên tiếp đối mặt với nhiều phiên giảm mạnh thì chứng khoán Trung Quốc lại có nhiều phiên tăng bất ngờ, nhờ những cam kết can thiệp và hỗ trợ thị trường của chính phủ đại lục.

Dù vậy, điều quan trọng nhất là các nền kinh tế mới nổi phải lấy lại được sức mạnh của đồng nội tệ và giữ ổn định giá trị so với USD, nếu không dòng vốn sẽ có nguy cơ chảy ngược trở lại. Với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa biết sẽ diễn biến như thế nào thì đồng USD vẫn có khả năng tiếp tục tăng mạnh trước nhu cầu đầu tư an toàn.

Trong khi đó, dù giá dầu vẫn đang trong xu hướng giảm, nhưng nhiều chuyên gia giữ nguyên dự báo giá dầu sẽ chạm mức 100 USD/thùng trong thời gian tới. Với thị trường hàng hóa nói chung và giá dầu nói riêng tăng cao sẽ gây áp lực lạm phát lên các thị trường mới nổi, hạn chế đà tăng trưởng kinh tế và càng đẩy các đồng tiền của những nước này rơi vào nguy cơ mất giá, do đó chứng khoán cũng dễ bị bán tháo trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đã đến lúc mua vào chứng khoán thị trường mới nổi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO