Mai Linh, Vinasun, Phương Trang đã tung ra những kế hoạch kinh doanh mới phù hợp với bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Từ lao dốc...
Đã có công ty taxi phải đóng cửa vì không theo kịp xu hướng kinh doanh mới. Liên doanh ComfortDelgro Savico Taxi giữa Công ty CP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) và ComfortDelgro - công ty vận tải taxi lớn nhất Singapore đã buộc phải đóng cửa.
Sự có mặt của ComfortDelgro - một nhà vận tải kinh nghiệm hàng chục năm, kinh doanh nhiều nơi trên thế giới đã không thành công ở thị trường Việt Nam. Báo cáo tài chính trong 2 năm 2016 và 2017 của liên doanh này với khoản lãi ròng rất thấp, lần lượt là 3,3 tỷ đồng và 235 triệu đồng, cho thấy áp lực cạnh tranh rất lớn của taxi công nghệ đã bào mòn lợi nhuận của taxi truyền thống như thế nào.
Mai Linh cũng rơi vào tình trạng hoạt động không mấy khởi sắc. Lợi nhuận suy giảm qua từng năm, và đến thời điểm này, báo cáo mới nhất mà Mai Linh công bố là mới đến giữa năm 2017, nhưng cũng đủ hé lộ sự khó khăn của một công ty taxi lớn một thời, khi lỗ đến 47 tỷ đồng, và chỉ nhờ vào thu nhập khác mà có lãi ròng 20 tỷ đồng.
Theo ông Hồ Quốc Phi - Tổng giám đốc Mai Linh Miền Bắc, Công ty không thể cạnh tranh lại các công ty taxi công nghệ khi liên tục khuyến mãi giảm giá, và thậm chí miễn phí cả chuyến đi. Mai Linh thua về năng lực tài chính. Và với sự cạnh tranh này, ngay lập tức các hãng taxi khác đã mất một lượng lớn người lao động cho công ty taxi công nghệ. Hình ảnh rất nhiều xe taxi hiện nay phải nằm bãi chính là câu trả lời rõ nhất.
"Nếu như trước đây Uber, Grab hoạt động riêng rẽ, đã gây rất nhiều khó khăn cho ngành taxi thì 2 bên hợp nhất lại tạo sức ép càng lớn cho các doanh nghiệp taxi truyền thống", ông Phi nói.
Mặc dù vẫn kiếm được lợi nhuận tốt, nhưng Vinasun vẫn phải đối diện với việc doanh thu và lợi nhuận đi xuống. Theo bà Đặng thị Lan Phương - Tổng giám đốc Vinasun, mặc dù Công ty nỗ lực duy trì thị phần nhưng các công ty nước ngoài đã lợi dụng kẽ hở các quy định hiện hành để kinh doanh taxi công nghệ với gần 30.000 chiếc (gấp 5 lần xe của Vinasun), hạ giá và nâng giá một cách phi lý, rồi dùng tiền hỗ trợ, bù lỗ cho chủ xe và lái xe, đã xâm lấn rất mạnh đến thị phần của Vinasun và các hãng taxi khác.
Kết thúc năm 2017, doanh thu và lãi ròng của Vinasun lần lượt là 2.937 và 189 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm 2016 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế 4.520 và 311 tỷ đồng.
... Đến đứng vững
Theo ông Tạ Long Hỷ - Phó tổng giám đốc Vinasun, nếu Công ty tiếp tục duy trì cách kinh doanh taxi như trước thì cuối năm 2017 chắc chắn đã phá sản. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Vinasun đã tự tin đứng vững bằng chiến lược "tự cứu mình".
Giải thích về chiến lược nghe lạ tai này, ông Tạ Long Hỷ cho biết, Vinasun vẫn giữ lõi kinh doanh taxi truyền thống đồng thời mở rộng mảng kinh doanh thương quyền và đặt xe qua ứng dụng app Vinasun.
Xe thương quyền là cách Vinasun tăng đầu xe, thu hút thêm tài xế, nhưng gánh nặng về chi phí quản lý giảm, chỉ chia phần doanh thu cho tài xế theo tỷ lệ thỏa thuận, còn các khoản như đóng bảo hiểm, tiền lương, đầu tư xe thì người mua thương quyền chịu.
Hiện nay, thế mạnh của Vinsun vẫn là 80% doanh thu đến từ gần 20% khách vẫy taixi trên đường, phần còn lại đến từ app.
Do Vinasun vẫn chưa thể tính tiền xe taxi qua app tương tự cách mà taxi công nghệ đang làm vì cơ quan quản lý nhà nước chưa cho phép, nên vẫn tính tiền qua đồng hồ. App này chỉ mới sử dụng để ước lượng giá trên xe taxi. "Việc sử dụng app trên loại hình xe taxi V car - dòng xe cao cấp phục vụ cho giới kinh doanh, đang có doanh thu rất tốt, vì khách hàng nhanh chóng gọi xe gần nhất, khách hàng biết ngay giá”, ông Hỷ chia sẻ.
Vinasun còn mở rộng địa bàn hoạt động ra Quảng Ngãi, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Phước, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ. Cách làm này tỏ ra hợp lý vì Grab hiện chưa thâm nhập các tỉnh này cũng như sẽ gặp khó khăn hơn tại đây do xe tư nhân không nhiều.
Ông Tạ Long Hỷ cũng cho biết, năm 2018, Vinasun tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ và tiện ích trên xe taxi để phục vụ khách hàng với tiêu chuẩn cao nhất và tiếp tục đa dạng hóa kênh giao tiếp khách hàng thông qua ứng dụng smartphone, tổng đài, tin nhắn, website.
Trong một "tuyên chiến" với Grab mới đây, Công ty CP Xe khách Phương Trang (FUTA) đã đầu tư nhiều triệu USD ứng dụng Vato để phát triển dịch vụ gọi xe công nghệ. Theo đó, với ứng dụng Vato, Phương Trang có các dịch vụ Vato car (dịch vụ taxi), Vato bike (dịch vụ xe ôm), Vato ship (dịch vụ giao chuyển). Đây cũng là 3 dịch vụ mà Grab đang khai thác.
Ông Nguyễn Trí Dũng - Tổng giám đốc Phương Trang chia sẻ: "FUTA sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh để phát triển. Chúng tôi mong muốn có phần mềm riêng dành cho người Việt, phục vụ người Việt. Chẳng hạn, ứng dụng này cho phép khách hàng mặc cả với lái xe với giá tối thiểu đưa ra để có thể nhanh chóng hoàn thành chuyến đi. Đây là một chức năng riêng biệt, chưa từng có trên Grab".
Theo ông Dũng, hiện đã có gần 2.000 xe đăng ký ứng dụng Vato. Công ty sẽ tập trung phát triển theo hướng gia tăng nhiều ưu đãi cho tài xế và người dùng để thúc đẩy việc sử dụng ứng dụng nhiều hơn.