Sau khi Nga tuyên bố triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và các báo cáo về các vụ nổ ở Kiev, giá dầu thế giới đồng loạt tăng hơn 3% rồi tiếp tục nới rộng đà tăng lên hơn 8%, xấp xỉ 105 USD/thùng. Nếu tình hình Ukraine tiếp tục "nóng" hơn, giá dầu có thể tiếp tục tăng mạnh hơn nữa, thậm chí lên 150 USD/thùng.
Đồ thị giá dầu Brent 6 tháng gần đây, với mức đỉnh đạt gần 105 USD mỗi thùng xác lập ngày hôm nay. Ảnh: Bloomberg |
Trong khi các nhà xuất khẩu năng lượng có thể hưởng lợi từ sự bùng nổ của giá dầu, các nền kinh tế có lẽ không may mắn như vậy. Phần lớn thế giới sẽ bị tác động khi doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng nhận thấy hóa đơn tăng lên - yếu tố khiến khả năng chi tiêu bị siết chặt hơn.
"Giá dầu lên sẽ tăng áp lực với các ngân hàng trung ương trên thế giới trong việc thực hiện chu kỳ thắt chặt và tăng lãi suất mạnh hơn để kiềm chế rủi ro lạm phát", Chua Hak Bin - nhà kinh tế cấp cao của Maybank ở Singapore, nói.
Là siêu cường năng lượng, Nga sản xuất 9,7 triệu thùng dầu/ngày vào năm ngoái. Do đó, theo JPMorgan, nếu bất kỳ dòng chảy dầu nào của Nga bị gián đoạn do khủng hoảng, giá dầu có thể "dễ dàng" lên 120 USD/thùng. Trường hợp xuất khẩu dầu của Nga bị giảm 50%, giá dầu thô sẽ vọt lên 150 USD/thùng. Tác động lẫn tổn thất về mặt kinh tế của việc này đối với các nước sẽ phụ thuộc vào mức độ của họ đối nguồn cung dầu từ Nga.
Nếu giá dầu thực sự lên 150 USD/thùng, khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng và lạm phát sẽ vọt lên hơn 7%, gấp hơn 3 lần so với tỷ lệ mà hầu hết nhà hoạch định chính sách tiền tệ dự báo.
Mùa đông khắc nghiệt tại châu Âu đang đến gần. Và dĩ nhiên, "những người nghèo dành phần lớn thu nhập cho thức ăn và sưởi ấm" sẽ gánh hậu quả nặng nhất, Ian Goldin - Giáo sư Toàn cầu hóa và Phát triển tại Đại học Oxford cho biết.
Trong khi các nhà xuất khẩu năng lượng có thể hưởng lợi từ sự bùng nổ của giá dầu, các nền kinh tế có lẽ không may mắn như vậy. |
Tác động tới Việt Nam
"Giá dầu thô tăng sẽ có những tác động vừa tích cực, vừa tiêu cực tới kinh tế Việt Nam, nhưng ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn", TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhận xét.
Ở khía cạnh tích cực, nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô tăng cũng như nguồn thu từ các loại thuế phí với dầu thô, xăng dầu thành phẩm tiêu thụ trong nước tăng, giúp thu ngân sách tăng, lợi nhuận của các doanh nghiệp khai thác dầu, kinh doanh xăng dầu được cải thiện. Với ngành sản xuất, doanh nghiệp khai khoáng, đặc biệt là khai thác dầu khí, cũng hưởng lợi từ giá dầu.
Tuy nhiên, giá dầu thô cũng như giá thành phẩm xăng dầu tăng mạnh sẽ gây ra những bất lợi không hề nhỏ đối với nền kinh tế. Cần biết rằng, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu (chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế). Nên, giá dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và trong nước.
"Theo tính toán của tôi khi giá xăng dầu tăng 10% (cố định các yếu tố khác) thì lạm phát của nền kinh tế sẽ tăng trực tiếp của vòng 1 khoảng 0,35%-0,36%, nếu tính cả vòng 2 thì lạm phát khoảng 0,87%-0,90%; Tác động đối với tổng chi phí của nền kinh tế tăng khoảng 0,352%", nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chínhNguyễn Tiến Thỏa, nói.
Một nỗi lo khác của việc giá dầu tăng là tác động rất mạnh tới doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực vận tải, hàng không, đánh bắt thuỷ sản và sản xuất sử dụng xăng, dầu làm nguyên nhiên liệu đầu vào. Nếu giá xăng dầu tăng 10% sẽ đẩy giá thành sản phẩm tăng, tác động mạnh đến khả năng cạnh tranh và mặt bằng giá thị trường.
Cụ thể, với ngành vận tải, giá thành sẽ tăng 3,5%-4,0%; ngành thủy sản đánh bắt xa bờ sẽ tăng 5,0%-6,0%... Với tiêu dùng, xăng dầu của các hộ gia đình, không chỉ chi tiêu về xăng dầu cho việc đi lại hằng ngày tăng 10% mà giá cả hàng hóa tiêu dùng cũng tăng do tác động của giá xăng dầu tăng.
Với nhóm doanh nghiệp ngành kinh doanh xăng dầu, lọc hoá dầu như PVOil, Petrolimex, Công ty cổ phần lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR, đơn vị quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất) hay Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS)..., giá dầu tăng quá cao sẽ tác động trực tiếp tới doanh thu, hàng tồn kho và biên lợi nhuận... của nhóm này.
Người dân đổ xăng tại góc đường Trần Cao Vân - Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM). Ảnh: Quỳnh Trần |
Giải pháp khả thi?
"Khi giá xăng dầu cao quá sẽ làm vô hiệu hoá một số chính sách tài khóa (như giảm 2% thuế VAT) để kích thích tiêu dùng trong chương trình phục hồi kinh tế", ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nói.
Do đó, nếu diễn biến giá thế giới vẫn leo thang, khi công cụ điều hành là Quỹ bình ổn giá xăng dầu có hạn, ông Đông cho rằng, liên Bộ Công Thương - Tài chính có thể sẽ phải tính tới công cụ khác là thuế, phí. Hiện, tỷ trọng thuế, phí trong mỗi lít xăng dầu khoảng 40-43%. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tỷ lệ này so với nhiều quốc gia là "phù hợp", nhưng giới chuyên gia phân tích lại nói "quá cao, cần nghiên cứu giảm xuống".
Theo TS. Cấn Văn Lực, cơ quan quản lý cần rà soát lại các loại thuế, phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu, như thuế xuất nhập khẩu, VAT, tiêu thụ đặc biệt..., với tỷ trọng lớn trong cơ cấu tính giá, đây là nhân tố khiến giá bán lẻ ở mức cao.
"Lạm phát ở đây chủ yếu do vấn đề giá cả chứ không phải cung tiền, nên các bộ, ngành cần phối hợp kiểm soát tốt hơn giá xăng dầu. Chính sách tài khoá - tiền tệ cần phối hợp linh hoạt, để kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá nhiên liệu năng lượng gia tăng", ông Lực nói.