CSC Vietnam - Sẽ trở thành trung tâm lớn của CSC toàn cầu

TRINH ĐẶNG| 03/11/2008 08:42

Cùng với cơ hội và tiềm năng của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam, trung tâm CSC Vietnam đang được đặt ở vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của CSC toàn cầu.

CSC Vietnam - Sẽ trở thành trung tâm lớn của CSC toàn cầu

Cùng với cơ hội và tiềm năng của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam, trung tâm CSC Vietnam đang được đặt ở vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của CSC toàn cầu.

Vào tháng 5, Tập đoàn Computer Sciences Coporation (CSC) của Mỹ đã công bố mua lại Công ty First Consulting Group Vietnam (FCG Việt Nam) sau khi hoàn tất thủ tục sáp nhập và mua lại công ty mẹ FCG tại Mỹ vào đầu tháng 1/2008. Theo đó, CSC đã chi khoảng 365 triệu USD để mua lại FCG, bao gồm cả công ty con FCG Việt Nam.

Khoảng 2.500 nhân viên của FCG toàn cầu sẽ làm việc cho CSC. Trong đó, 1.200 chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) đang làm việc tại các chi nhánh FCG ngoài Mỹ, bao gồm Ấn Độ và Việt Nam sẽ chuyển sang làm việc cho CSC. Sau khi sáp nhập, CSC Vietnam có gần 600 nhân viên, chuyên cung cấp các dịch vụ phát triển và bảo trì phần mềm cho khách hàng.

Từ đó đến nay, nhiều lãnh đạo cao cấp của CSC đã liên tục thăm và làm việc tại CSC Vietnam nhằm khẳng định quyết tâm phát triển CSC Vietnam trở thành trung tâm phát triển phần mềm mới nhất của CSC tại nước ngoài. Bà Mary Jo Morris, Chủ tịch dịch vụ gia công toàn cầu CSC cho biết, chọn Việt Nam để đa dạng hóa sản phẩm và địa điểm cung cấp dịch vụ, bên cạnh trung tâm đã có ở Ấn Độ.

CSC đã thực hiện một số nghiên cứu tại nhiều quốc gia, và Việt Nam là lựa chọn thích hợp bởi đáp ứng được một số tiêu chí như quy mô thị trường lao động, hệ thống giáo dục, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), môi trường kinh doanh thuận lợi và ổn định về mặt chính trị.

Thị trường CNTT, đặc biệt là gia công phần mềm (outsourcing) tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh trong thời gian tới do tính cạnh tranh cao và nhu cầu về CNTT của khối doanh nghiệp và chính phủ tăng cao.

Mới đây nhất, ngày 22/10, ông Michael W. Laphen - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn CSC cũng đã tới TP.HCM. Mục đích cuộc viếng thăm là gặp gỡ nhân viên của CSC tại chi nhánh ở Việt Nam và thảo luận vai trò quan trọng của chi nhánh trong chiến lược toàn cầu của Tập đoàn.

Ông W.Laphen thăm và làm việc với nhóm lập trình viên của CSC Vietnam


Ông Laphen cho biết, Trung tâm CSC tại Việt Nam sẽ tập trung phát triển ứng dụng và kiểm tra chương trình khu vực châu Âu và Bắc Mỹ. Việt Nam là điểm khởi đầu cho chiến lược đa dạng hóa hoạt động trên toàn cầu của CSC, tạo thế cân bằng về hoạt động và điều hành của Tập đoàn ở khu vực châu Á.

“Là một bộ phận quan trọng trong hệ thống phát triển toàn cầu của CSC, chi nhánh CSC tại Việt Nam đã xây dựng được hình ảnh của một trung tâm chất lượng cao, góp phần xuất sắc giúp CSC thực hiện được mục tiêu “Cung cấp dịch vụ cho toàn thế giới từ khắp nơi trên thế giới”, ông Laphen cho biết.

CSC Vietnam hiện có trên 600 kỹ sư phần mềm chuyên nghiệp (trong đó 25% có chứng chỉ quốc tế như MCSD, MCSE, Oracle, PMP do Microsoft, Sun, IBM, Oracle cấp) và dự kiến sẽ có khoảng 1.000 kỹ sư trong 12 tháng tới. CSC Vietnam sẽ phát huy sở trường là phát triển ứng dụng trên các công nghệ Java/J2EE, Microsoft. NET, C/C++, SharePoint/MOSS, SQL Server, Oracle...

CSC Vietnam là một trong số ít các công ty ở Việt Nam có thể phát triển ứng dụng một cách hoàn chỉnh (Full life cycle software development) từ giai đoạn gửi các chuyên gia phân tích hệ thống đến khách hàng để lấy yêu cầu, đến việc thiết kế kiến trúc hệ thống, lập trình, kiểm tra chương trình, triển khai và bảo trì. Đây là nền tảng rất tốt để Công ty tiếp cận và phục vụ khách hàng của CSC trên toàn thế giới.

Theo ông Ngô Hùng Phương, Tổng giám đốc CSC Vietnam, định hướng của CSC Vietnam là phát triển những lĩnh vực đang nóng trên thị trường mà các trung tâm phát triển khác của CSC không đáp ứng hết. Một trong những lĩnh vực mà Công ty đang xem xét là xây dựng một trung tâm về SAP trong Công ty.

Ông Ngô Hùng Phương, TGĐ CSC Vietnam giới thiệu với ông Laphen và nhóm lãnh đạo cao cấp của CSC về kế hoạch phát triển của CSC Vietnam - Ảnh: Quý Hòa


Việc mở thêm những khu công nghiệp phần mềm mới cho thấy những tín hiệu lạc quan của ngành CNTT trong nước. Như vậy, những nhà đầu tư đánh giá tốt về triển vọng phát triển ngành này tại Việt Nam. Các nhà đầu tư Mỹ như CSC vào Việt Nam, điều mà họ quan tâm là đào tạo tiếng Anh, công nghệ mới, kỹ năng nghề nghiệp, phù hợp cho chính nhu cầu của họ.

Đầu tư vào ngành CNTT tăng đồng nghĩa với việc ngành giáo dục sẽ phải mở cửa rộng hơn, tăng đáng kể đội ngũ nhân lực phù hợp với ngành CNTT để bù đắp lại sự thiếu hụt.

CSC có 90.000 nhân viên thực hiện các dịch vụ bao gồm: thiết kế và tích hợp hệ thống, gia công IT và quy trình kinh doanh, phát triển phần mềm, cung cấp dịch vụ cài đặt website và chương trình trên máy chủ, tư vấn về quản trị. Trụ sở chính của CSC được đặt tại Fall Churchs, Virginia, Mỹ. Trong năm tài khóa tính đến tháng 7/2008, doanh thu của CSC đạt được 17,1 tỷ USD.

Ông Laphen hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn CSC. Ông chịu trách nhiệm trong việc thiết lập chiến lược hoạt động kinh doanh và bảo đảm vận hành thành công những hoạt động kinh doanh phục vụ khách hàng toàn cầu của tập đoàn CSC.

Nhân chuyến viếng thăm và làm việc tại Việt Nam lần này, ông cùng ban lãnh đạo cao cấp của CSC đã đến thăm xã giao ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhằm gặp gỡ và tìm hiểu các cơ hội phát triển CNTT cũng như hiểu rõ thêm về thị trường CNTT tại Việt Nam. Ông cũng đã có cuộc trả lời phỏng vấn của Báo DNSG:

Ông Michael W.Laphen, Chủ tịch HĐQT, TGĐ điều hành CSC


* Ông có thể đánh giá tầm quan trọng của trung tâm CSC tại Việt Nam trong chiến lược phát triển của CSC?

- Mục tiêu của chúng tôi là tăng trưởng nguồn nhân lực tại Việt Nam lên ít nhất 1.000 chuyên gia trong vòng 12 tháng tới. Việt Nam ở vị trí khá cao - nằm ở thang bậc thứ 2 trong số 4 thang bậc đánh giá của CSC dựa trên các yếu tố gồm: nền kinh tế, hệ thống giáo dục, đầu tư nước ngoài, lạm phát, hệ thống chính trị...

- Trung tâm CSC Vietnam được đánh giá là quan trọng trong chiến lược phát triển của CSC toàn cầu. Bởi vì trung tâm này nằm ở một quốc gia có nền kinh tế đang hấp dẫn đầu tư nước ngoài, người dân thân thiện; nguồn nhân lực lớn và có trình độ cao và Việt Nam nằm tại một vị trí tốt ở châu Á. Ngành CNTT được sự quan tâm lớn của Chính phủ.

- CSC có nhiều trung tâm trên thế giới, mỗi trung tâm phụ trách một mảng khác nhau. Trung tâm tại Việt Nam sẽ được tập trung cho mảng phát triển ứng dụng và kiểm tra chương trình. Về thị trường trong nước, trong dài hạn, chúng tôi đánh giá thị trường Việt Nam có nhiều triển vọng.

- kinh nghiệm của tôi, CSC sẽ tham gia thị trường nội địa bắt đầu bằng những sản phẩm có sẵn mà mình có thế mạnh như các sản phẩm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là một sự lựa chọn tốt cho khách hàng bên cạnh.

* Công nghiệp phần mềm Việt Nam vừa đạt ngưỡng xuất khẩu 500 triệu USD. Theo ông, Việt Nam có xứng đáng với vị trí top 5 trung tâm gia công phần mềm (outsourcing) trên thế giới hay không?

- Sau Ấn Độ, Việt Nam là trung tâm lớn thứ hai của CSC có đầy đủ những chuẩn mực về kỹ năng và công nghệ cao. CSC hy vọng Việt Nam Ấn Độ, nên chúng tôi coi trung tâm tại Việt Nam là nơi bổ sung và làm phong phú hơn các trung tâm của CSC toàn cầu. CSC Vietnam sẽ hỗ trợ cho những khách hàng châu Âu và Bắc Mỹ.

* CSC đã đầu tư lớn vào thị trường Việt Nam. Vậy về dài hạn, CSC có tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực tại đây hay không?

- Đào tạo là mảng rất quan trọng. CSC đã có mặt trên thị trường thế giới từ 1959 nên có chương trình phát triển nhân lực của Tập đoàn. Dĩ nhiên, CSC sẽ áp dụng chương trình này để phát triển tại thị trường Việt Nam. Trước hết là đáp ứng nhu cầu của CSC nhưng nếu thấy đây là thị trường có tiềm năng, chúng tôi sẽ tham gia đầu tư.

- Trước đây, FCG Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ khá tốt với các trường đại học Việt Nam, tạo ra nhiều hoạt động cụ thể như chương trình trao 500 học bổng và nhận 100 sinh viên thực tập hằng năm, tư vấn về các chương trình đào tạo...

- Tôi muốn nhấn mạnh về chương trình phát triển nhân lực mà Công ty CSC Vietnam đã thực hiện. Chương trình Fresher Program này tổ chức các khóa huấn luyện chuyên biệt, bổ sung những kiến thức công nghệ mới cho sinh viên mới ra trường, giúp họ có khả năng làm việc tốt trong môi trường quốc tế.

- Có vẻ không mới mẻ nhưng CSC duy trì chương trình này liên tục và chuyên nghiệp, và đến nay đã huấn luyện hơn 250 kỹ sư. Ở đây tôi muốn nói rằng, khách hàng luôn muốn có những sản phẩm được phát triển từ những người có kinh nghiệm. Tuyển đào tạo chỉ là một mặt của vấn đề.

- Mặt khác là làm sao cho khách hàng hiểu rằng nguồn nhân lực từ chương trình này có chất lượng tốt, có giá cả thấp và mức độ chuyển việc thấp. Nếu không làm được điều này thì có đào tạo ra cũng không sử dụng được.

* Ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam đang đặt ra rất nhiều mục tiêu lớn. Theo kinh nghiệm của ông, phần mềm Việt Nam nên chọn hướng đi nào là hiệu quả nhất?

- Chất lượng nhân viên tại Việt Nam tốt, có khả năng cao. Theo tôi, tốt nhất Việt Nam vẫn nên đi theo con đường phát triển ứng dụng và kiểm tra chương trình vì phù hợp và có khả năng phát triển tốt. Nếu đi theo con đường phát triển sản phẩm thì tốn thời gian, chi phí cao và rủi ro cũng cao.

* Với các khó khăn của kinh tế Việt Nam đang đối mặt hiện nay, lãnh đạo của CSC có thay đổi cách đánh giá về môi trường Việt Nam hay không?

- Lạm phát trên 24% thì thực sự là một trở ngại. Tuy nhiên, những khó khăn hiện tại là tạm thời. Tôi đánh giá triển vọng của kinh tế Việt Nam là tốt. Dĩ nhiên, CSC cũng tiếp tục quan sát và theo dõi các diễn biến của nền kinh tế Việt Nam. CSC vẫn đang tiếp tục tiến hành tirển khai những kế hoạch ban đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
CSC Vietnam - Sẽ trở thành trung tâm lớn của CSC toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO