Covid-19 - khi 'hồn ma' là lực lượng chống dịch tại Indonesia

Bảo Quân| 14/04/2020 06:00

Kể từ khi pocong xuất hiện, bố mẹ lẫn trẻ con đều không rời khỏi nhà. Mọi người cũng không tụ tập hay ở ngoài đường sau giờ cầu nguyện tối nữa, một người dân làng Kepuh nói.

Làng Kepuh trên đảo Java, Indonesia hai tuần gần đây thường xuyên xuất hiện nhiều chiếc bóng trắng bí ẩn, thoắt ẩn thoát hiện vào ban đêm để hù doạ người đi đường rồi nhanh chóng 'lặn mất' dưới ánh trăng.

Những chiếc bóng trắng này thực chất chính là lực lượng cảnh sát cùng đội ngũ tình nguyện viên của làng Kepuh đã được hoá trang thành 'pocong' - hồn ma quấn vải khắp người với khuôn mặt trắng xoá trong những câu chuyện dân gian Indonesia. 

Lực lượng pocong của làng Kepuh đang ngồi ở ven đường để hù doạ người dân.

Lực lượng pocong của làng Kepuh đang ngồi ở ven đường để hù doạ người dân.

Và, mục đích của lực lượng pocong 'nhân tạo' tuần hành trên đường phố Kepuh vào ban đêm này, chính là để giúp cho người dân tuân thủ lệnh ở nhà của chính phủ, đảm bảo sự giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa Covid-19 lây lan. 

Được biết, các tình nguyện viên thường mất 10 phút để hóa trang trước khi ra đường. Theo đó, họ sẽ được bọc vải liệm trắng khắp người, buộc dây thừng trên đỉnh đầu, quanh cổ và dưới chân, cũng như thoa phấn lên mặt và kẻ đậm mắt.

Theo hãng tin Reuters, lực lượng chức năng của ngôi làng với hơn 5.000 cư dân này hy vọng, sự đáng sợ của pocong sẽ khiến người dân ở trong nhà, nhờ đó giảm nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm. 

"Chúng tôi muốn có sự khác biệt và đồng thời tạo hiệu ứng răn đe, vì pocong quả rất đáng sợ", Anjar Pancaningtyas - trưởng nhóm tình nguyện viên 'nhát ma' tại làng Kepuh cho biết. 

Song, khi sáng kiến này được thực hiện vào đầu tháng 4/2020, pocong không những không đạt được mục đích, mà ngược lại còn khiến những người dân hiếu kỳ đổ xô ra đường để được tận mắt thấy... ma. Thậm chí, lực lượng pocong của làng Kepuh còn trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội.

Điều này đã khiến đội ngũ thực hiện sáng kiến phải thay đổi chiến lược: Chỉ triển khai pocong bất ngờ, vài ngày một lần, để tăng sự bí hiểm của hồn ma. Và, chiến lược này gần đây đã bắt đầu phát huy tác dụng, khi sự đáng sợ của pocong dường như tỷ lệ thuận với sự xuất hiện đột ngột của nó.

"Kể từ khi pocong xuất hiện, cả bố mẹ lẫn trẻ con đều không rời khỏi nhà. Mọi người cũng không tụ tập hay ở ngoài đường sau giờ cầu nguyện buổi tối nữa", Karno Supadmo - một người dân tại làng Kepuh nói.

Các thanh niên

Từ chỗ xuất hiện thường xuyên, lực lượng pocong giờ đây chỉ 'hiện ra' đột ngột, vài ngày một lần, để khiến bản thân thêm phần đáng sợ.

Tuy nhiên, vẫn còn một số thanh niên tập trung ca hát, trò chuyện vào ban đêm, bất chấp các nỗ lực nói trên. "Người dân địa phương vẫn chưa hiểu biết về việc làm thế nào để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Họ muốn sống như bình thường nên thấy rất khó khăn khi phải làm theo yêu cầu ở nhà", ông Priyadi - trưởng làng Kepuh cho biết.

Theo số liệu từ WorldoMeter, đến hết ngày 13/4, Indonesia đã ghi nhận 4.557 trường hợp nhiễm Covid-19 với 399 ca tử vong. Quốc gia này đồng thời cũng là nước Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh. Song, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đến nay vẫn chưa công bố lệnh phong tỏa toàn quốc mà thay vào đó kêu gọi người dân thực hiện giãn cách xã hội và giữ gìn vệ sinh.

Dẫu vậy, trước tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Indonesia chỉ xếp sau Trung Quốc tại khu vực châu Á, nhiều cộng đồng trong đó có làng Kepuh, đã tự mình thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như 'nhát ma', ra lệnh hạn chế hoặc cấm người ra vào làng.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Indonesia, nếu các biện pháp hạn chế di chuyển mạnh tay hơn không được thực hiện, thì đến tháng 5, số ca nhiễm Covid-19 tại Indonesia có thể sẽ lên đến 1,5 triệu, với 140.000 trường hợp tử vong. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Covid-19 - khi 'hồn ma' là lực lượng chống dịch tại Indonesia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO