Công nghệ đã đem lại tương lai mới cho phương pháp thủy canh truyền thống nhằm bắt kịp tốc độ đô thị hóa và bùng nổ dân số toàn cầu.
Đọc E-paper
Tại nhà máy Aizu Wakamatsu ở miền trung Nhật Bản, hãng công nghệ Fujitsu đang phân tích dữ liệu dựa trên đám mây để sản xuất rau diếp và rau xà lách theo mô hình thủy canh. Nhờ được kiểm soát chặt chẽ theo phương thức sản xuất công nghiệp, rau do Fujitsu trồng đạt độ vô trùng gần như tuyệt đối.
Thông qua việc chuẩn hóa quy trình trồng rau chất lượng cao, các công ty Nhật Bản muốn đem lại giá trị gia tăng cho thị trường vẫn được xem là có tỷ suất lợi nhuận thấp như ngành nông nghiệp. Ông Miyabe, Giám đốc Nhà máy Akisai, Fujitsu, cho biết, sản xuất rau theo phương thức công nghiệp cho phép Công ty xuất xưởng 3.500 cây xà lách mỗi ngày. Thời gian kể từ thời điểm trồng đến thu hoạch chỉ 1 tháng rưỡi.
"Xét về chất lượng, chúng tôi đã áp dụng công nghệ sản xuất chất bán dẫn để trồng rau", một phát ngôn viên của Fujitsu nói với BBC. "Những hiểu biết của Fujitsu về phương pháp canh tác mới cũng có thể khuyến khích các nhà sản xuất nông nghiệp khác tham gia sản xuất nông nghiệp", phát ngôn viên cho biết thêm. Các công ty Nhật Bản cũng tin rằng công nghiệp hóa ồ ạt sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lương thực trên phạm vi toàn cầu và với việc đầu tư vào nông nghiệp ngay lúc này, Nhật Bản đã chuẩn bị cho những kịch bản xấu trong các thập kỷ sắp tới.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, Công ty Alesca sử dụng container bỏ không để cải tạo thành các trang trại thủy canh mini. Người lao động tại đây không phải làm việc quá hai giờ mỗi tuần vì mọi hoạt động đã được tự động hóa tối đa. Người sáng lập mô hình trang trại này là Young Ha, một cựu nhân viên của Hãng Dell.
Ông Ha khẳng định mô hình sản xuất này có hiệu suất cao hơn bất cứ phương pháp canh tác nào trước đó. "Chúng tôi đang sử dụng ánh sáng LED và xây dựng hệ thống tự động hóa để nâng cao năng suất và chất lượng rau trồng", ông Hà nói. Trang trại thủy canh container Alesca có thể sản xuất thực phẩm cung cấp cho những đô thị đông dân cư. Mặt khác, nó cũng tạo ra cơ hội các hộ gia đình cũng có thể tự cung rau củ quả thiết yếu.
Hãng Nghiên cứu Ibis World ước tính doanh thu hằng năm của ngành nông nghiệp thủy canh khoảng 555 triệu USD với tốc độ tăng trưởng 3,3% mỗi năm. Nhưng Ibis cho rằng công nghệ tự động hóa và phân tích dữ liệu đám mây có thể cung cấp cho ngành công nghiệp này cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nhiều.
Thay thế các chất dinh dưỡng truyền thống, tự động theo dõi và điều chỉnh độ pH, nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm... không chỉ mang lại hiệu suất cao hơn mà sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí lao động. Qua đó, thủy canh là một giải pháp mới để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của dân số toàn cầu dự kiến sẽ đạt 9,6 tỷ người vào năm 2050. Nhóm tư vấn Boston, Mỹ, dự báo những yếu tố ảnh hưởng tới nông nghiệp trong 15-20 năm tới. Theo đó, làm nông nghiệp có độ chính xác cao là xu hướng chủ đạo trong tương lai.
Những dự báo này giúp các hãng công nghệ Nhật tự tin tham gia sâu hơn vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Chẳng hạn, Panasonic kết hợp giữa công nghệ cao và phương thức trồng trọt truyền thống các loại rau như xà lách hỗn hợp chống ôxy hóa, xà lách hỗn hợp dinh dưỡng... Không chỉ trồng rau ở Nhật, Hãng còn đưa mô hình trồng trọt này sang các chi nhánh ở Singapore.
Tại đây, rau được trồng trong giỏ đất, được chiếu sáng bằng đèn LED, thời gian sinh trưởng chỉ bằng một nửa so với cách trồng bình thường. Tập đoàn Toshiba cũng đã bắt đầu trồng rau trong những nhà máy sản xuất đĩa bị bỏ hoang 2 thập kỷ qua gần Tokyo. Tập đoàn Sharp cũng đang thử nghiệm trồng dâu trong nhà ở Dubai, sử dụng công nghệ chiếu sáng và lọc không khí của Sharp. Tờ Wall Street Journal cho biết, Toshiba đặt mục tiêu trồng 3 triệu cây xà lách, thu nhập dự báo khoảng 2,9 triệu USD trong năm 2015.
>Israel hỗ trợ TP.HCM phát triển nông nghiệp công nghệ cao
>Nông nghiệp công nghệ cao: Tỷ phú làm nông
>Nông nghiệp công nghệ cao: Hướng đi mới của nhiều doanh nghiệp