Tiến thoái lưỡng nan

THỤY LÂM| 11/05/2010 09:49

Các nhà mạng vừa chính thức cung cấp dịch vụ 3G đã bỏ ra một “núi” tiền để đầu tư và đặt cọc. Giờ đây họ đang bối rối vì muốn rút lại và thu hồi hai khoản tiền này không phải là chuyện dễ dàng.

Tiến thoái lưỡng nan

Các nhà mạng vừa chính thức cung cấp dịch vụ 3G đã bỏ ra một “núi” tiền để đầu tư và đặt cọc. Giờ đây họ đang bối rối vì muốn rút lại và thu hồi hai khoản tiền này không phải là chuyện dễ dàng. 3G đã chứng minh mang tới được thêm nhiều tiện ích, điển hình nhất là dịch vụ internet di động băng rộng (Mobile Broadband). Thế nhưng, nếu chỉ tạo ra sự khác biệt này thôi, thì cái giá nhà mạng phải trả lại không hề rẻ.

Cắn răng chịu chôn vốn

Khi thi tuyển 3G, hầu như nhà mạng nào cũng khấp khởi lạc quan. Bởi thực tế 3G chưa diễn ra nên chưa biết sự chờ đón và sức tiêu thụ như thế nào. Từ Viettel, VNPT tới liên danh EVN - Hanoi Telecom đều có những tuyên bố “xanh rờn” về khoản đầu tư trong thời gian tới. Thậm chí, số tiền đặt cọc đã được đẩy lên tới mức chóng mặt để tạo thế mạnh vững chắc, như Viettel với 4.500 tỷ đồng, và cuối cùng Viettel đã về nhất với số điểm dẫn đầu.

Từ khi 3G xuất hiện tại Việt Nam tới nay đã hơn sáu tháng. Cả ba nhà mạng lớn MobiFone, Viettel và VinaPhone đều đã chính thức cung cấp dịch vụ và cho biết, tổng số khách hàng sử dụng 3G là hơn 15 triệu thuê bao, trong đó đối tượng sử dụng dịch vụ Mobile Broadband chiếm nhiều nhất.

Các đợt khuyến mãi 3G cũng đã được thực hiện rầm rộ trong thời gian qua. Động thái này được nhìn nhận là nhà mạng muốn thúc đẩy khách hàng sử dụng, đồng thời cũng muốn thông qua đó nhanh chóng thu hồi vốn. Theo cam kết của các bên trúng tuyển giấy phép 3G, tổng số tiền đầu tư lên đến hơn 33.000 tỷ đồng, xấp xỉ 2 tỷ USD vào thời điểm thi tuyển.

Trong đó, VinaPhone cam kết đầu tư 1 tỷ USD cho 3G trong vòng 15 năm tới, Viettel cam kết đầu tư 12.789 tỷ đồng trong vòng ba năm sau khi lấy được giấy phép, khoản đầu tư của MobiFone theo cam kết cũng lên đến vài ngàn tỷ đồng, liên danh EVN - Hanoi Telecom cam kết đầu tư 6.000 tỷ đồng.

Có thể nói, đây là “núi” tiền được các nhà mạng cam kết đầu tư ngay trong thời điểm nền kinh tế đang gặp khó khăn, đặc biệt về vốn, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Quãng đường từ khi lấy giấy phép đến hôm nay, các nhà mạng đã giải ngân lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

Thế nhưng, đâu chỉ có khoản tiền đầu tư. Tổng số tiền đặt cọc khi thi tuyển của các đơn vị cũng lên tới 8.100 tỷ đồng. Theo quy định, mỗi bên sẽ được rút lại 50% số tiền đặt cọc ngay sau khi cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, điều kiện để rút tiền đặt cọc là phải vượt qua kiểm định chất lượng 3G. Vấn đề này lại đang gặp vướng mắc, vì hiện nay nước ta chưa có các tiêu chuẩn về 3G, mà mới chỉ có dành cho 2G.

50% số tiền đặt cọc còn lại, các nhà mạng sẽ được rút lại sau ba năm cung cấp dịch vụ. Sáu tháng sau khi cung cấp dịch vụ 3G, VinaPhone còn chưa rút lại được đồng nào từ khoản 1.500 tỷ đồng đặt cọc, vậy nên việc được rút toàn bộ số tiền đặt cọc xem ra còn rất xa vời. Chôn vốn như thế nên nhà mạng khó tránh được khó khăn về vốn để xoay xở, đặc biệt là trường hợp của Viettel khi “chôn” tới 4.500 tỷ đồng.

Lưỡng nan

Tình hình hiện nay khiến các nhà mạng tiến thoái lưỡng nan. Liên danh EVN - Hanoi Telecom đến nay chưa thấy nói gì về ngày chính thức cung cấp dịch vụ 3G, thì còn lâu mới rút lại được tiền đặt cọc. Hơn nữa, không dễ gì huy động cả ngàn tỷ đồng đầu tư vào 3G trong tình hình hiện nay.

Với ba mạng MobiFone, Viettel và VinaPhone thì có gặp khó cũng dễ tháo gỡ hơn, vì ít ra doanh thu hằng năm cũng không nhỏ và lợi nhuận thu về từ vài ngàn đến cả chục ngàn tỷ đồng ít nhiều gì cũng có thể đủ để xoay xở. Nhưng dù sao, việc chôn hàng ngàn tỷ đồng vốn đặt cọc cũng ảnh hưởng không ít tới việc giải ngân đầu tư không chỉ cho 3G, mà còn đối với nhiều dự án khác.

Chôn vốn đặt cọc và vốn đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, dù chỉ cần lấy mức lãi ngang với lãi suất ngân hàng thôi, thì liệu nguồn thu và lợi nhuận từ các dịch vụ 3G mang lại có bù đắp nổi? Bài toán 3G đến thời điểm này đã qua giai đoạn màu xanh khấp khởi, bước vào thời kỳ lo âu, toán tính để làm sao thu hồi vốn nhanh.

Nhưng ngay trong vấn đề này cũng đang gặp nhiều khó khăn, vì các dịch vụ 3G còn quá hạn chế, người dùng 3G chủ yếu để truy cập internet. 3G lại phải cạnh tranh với ADSL, nhưng muốn tranh lấy thị phần cũng bị giới hạn, vì các văn phòng làm việc, quán sá, hộ gia đình... đang là “thành trì” của ADSL và WiFi.

Như thế, sự thận trọng của MobiFone khi bước đầu chỉ tập trung đầu tư 3G ở các đô thị lớn, hoặc liên danh EVN - Hanoi Telecom chậm cung cấp dịch vụ, có khi lại là bước đi khôn ngoan giúp tránh được những rủi ro tiềm ẩn. Từ vấn đề này liên hệ sang việc phân phối iPhone chính hãng tại Việt Nam, dễ dàng hiểu vì sao MobiFone không vội vã dù đã ký hợp đồng với Apple.

Sắc thái truyền thông về 3G hiện nay cũng cho thấy có sự tương phản với một năm trước. Thực tế thị trường là thước đo chuẩn xác nhất, nhìn vào đây để suy xét, các nhà mạng vỡ ra được thêm nhiều điều, từ đại dự án 3G đến phi vụ iPhone.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiến thoái lưỡng nan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO