Thước đo sự phát triển

THẨM HỒNG THỤY| 04/09/2009 08:34

Tài nguyên internet được mua, được đổi, bằng hàng trăm triệu USD, nếu chỉ để tập trung cho game và chat, thì không phải là quá lãng phí hay sao?

Thước đo sự phát triển

Một trong những nội dung được bàn thảo trong Diễn đàn CNTT thế giới (WITFOR) lần đầu tiên được tổ chức tại VN (Hà Nội, từ 26 - 28/8) là câu chuyện phát triển internet thành công ở châu Á, trong đó có VN.

Theo phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại diễn đàn: Tính đến năm 2009, ở VN đã có 1/4 dân số sử dụng internet, tăng hơn mười lần so với năm 2003, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. VN đứng thứ 18 thế giới về số lượng người sử dụng internet và đứng thứ 6 ở châu Á về tốc độ phát triển internet. Lưu lượng kết nối internet đã tăng 27 lần so với năm 2004.

Thậm chí, sự thành công về phổ biến và phát triển internet tại VN còn được xem là “câu chuyện VN”, khiến các quan khách, như bà Maria Raffai - Phó chủ tịch Hiệp hội Điện toán Hungary - đề cập đến một cách đầy thiện cảm: “Tôi đã ở VN mười ngày trước khi diễn ra diễn đàn và đi du lịch TP.HCM, Huế, Hội An... Tại tất cả những nơi tôi ở, khách sạn đều cung cấp mạng wifi miễn phí. Tôi nhận thấy các quán cà phê internet mọc lên khắp mọi nơi ở tất cả các vùng của VN”.

VN từng là vùng trắng, hố trũng về internet trước thời điểm tháng 11/1997. Internet là phương tiện cực kỳ hữu ích trong thời đại “thế giới phẳng”. Nhưng đặt vấn đề thành công, cũng nên tính tới khía cạnh, trên nền internet đã tạo ra những sản phẩm, dịch vụ gì để phát triển đất nước, nâng cao dân trí, làm cho quốc gia cường thịnh, giàu có và văn minh?

Một khảo sát của chi nhánh VN của Hãng Nielsen (Mỹ) chưa thể khiến những người quan tâm đến trào lưu internet quên được: 53% số người sử dụng internet ở VN để chơi game, chat; 30% để đọc báo, tìm thông tin mới...”. Câu hỏi đặt ra: Tài nguyên internet được mua, được đổi, bằng hàng triệu, hàng trăm triệu USD, nếu chỉ để tập trung cho game và chat, thì không phải là quá lãng phí hay sao? Sử dụng kém hiệu quả, không tạo ra các giá trị cấp 2, cấp 3..., chứng tỏ khả năng hấp thụ công nghệ mới còn nhiều hạn chế.

Internet băng rộng đang được kỳ vọng thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số VN. Nhưng nhìn lại, đóng góp doanh thu cho ngành này đến nay, chủ yếu là dịch vụ nội dung qua di động ở cấp độ thấp và đơn giản, và game. Phát triển chơi game online được thổi vào một sự huyễn hoặc, được phác họa thành con đường dẫn tới thu nhập dồi dào cho doanh nghiệp, nhưng những vấn nạn, hệ luỵ của nó thì lại chưa được chính những tổ chức tạo ra nó, phát hành nó quan tâm đúng mức.

Internet tạo nền tảng để thiết lập “thế giới phẳng”. Nhưng thước đo sự thành công của sự phát triển internet tại VN, phải được nhìn nhận, đó chính là các giá trị mà nó đem lại, để tạo ra các thành quả từ kinh tế đến văn hóa, khoa học, giáo dục... cho xã hội. Ở đó, người hưởng lợi không phải chỉ có những người chuyên chơi game và chat, hay thường đọc báo và tìm kiếm thông tin, mà cả những người già, những bà nội trợ, các em học sinh và sinh viên đại học.

Chính sách giúp cho internet phát triển thành công bước đầu, rất đáng hoan nghênh. Nhưng cần những chính sách hữu hiệu và đầy đủ hơn, để xã hội xây dựng các giá trị trên nền tảng internet, tạo ra sự phát triển thực sự cho đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thước đo sự phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO