Quy mô đầu tư có quyết định chất lượng?

DIỆU TIÊN| 22/10/2010 09:49

Để có chất lượng cần đầu tư sâu, nhưng sâu đến mức nào khi tiềm lực tài chính, công nghệ của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế?

Quy mô đầu tư có quyết định chất lượng?

Cuộc tọa đàm với chủ đề “Công nghệ thông tin: Hội nhập từ chất lượng” do Câu lạc bộ Phóng viên Công nghệ thông tin - Viễn thông (thuộc Hội Nhà báo TP.HCM) phối hợp với chương trình Taiwan Excellence của Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan (TAITRA) tổ chức đã đặt ra một vấn đề lâu nay ít được nói đến: để có chất lượng cần đầu tư sâu, nhưng sâu đến mức nào khi tiềm lực tài chính, công nghệ của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế?

Việt Nam: Thị trường rộng mở...

Theo một nghiên cứu do Nielsen thực hiện trong quý II/2010, có đến 47% người được hỏi tại Việt Nam trả lời rằng họ sẽ chi phần tiền dôi ra cho các sản phẩm công nghệ mới. tỷ lệ này là cao nhất tại châu Á.

Thị trường điện tử, tin học Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất châu Á - Ảnh: M.T

Theo Nielsen, “người tiêu dùng Việt Nam bây giờ đã sẵn sàng chi tiêu hơn, đặc biệt là các sản phẩm về công nghệ sau khi đã chi cho các nhu cầu sống thiết yếu”. Điều đó khẳng định thị trường Việt Nam nói chung và thị trường hàng điện tử - tin học tại Việt Nam đang ngày càng rộng mở.

Số liệu năm 2009 cho thấy, thị trường trong nước tiêu thụ hàng điện tử - tin học đạt gần 6,4 tỷ USD, năm 2010 ước tính sẽ đạt xấp xỉ 7,6 tỷ USD, tăng gần 20%.

Mức tăng như thế là khá khả quan đối với các nhà sản xuất và phân phối sản phẩm điện tử - tin học tại thị trường Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trên đà hồi phục đầy khó khăn.

Một điểm đáng lưu ý, hàng điện tử - tin học và linh kiện của các DN Đài Loan nhập vào Việt Nam trong những năm qua luôn đứng ở thứ hạng cao. Trong chín tháng đầu năm 2010, sản phẩm, linh kiện công nghệ thông tin của Đài Loan nhập vào Việt Nam đạt giá trị khoảng 930 triệu USD chỉ tính riêng khu vực TP.HCM.

Theo đánh giá của ông Phạm Thiện Nghệ, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam kiêm Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM: “Sản phẩm công nghệ thông tin của Đài Loan có giá vừa phải nhưng chất lượng tốt, vì thế có sức cạnh tranh tại thị trường Việt Nam”.

Đầu tư sâu là làm hết mọi khâu?

Ông Tso Wei-Dar, Trưởng văn phòng TAITRA tại TP.HCM, cho biết: “Các DN Đài Loan đầu tư tại Việt Nam đa phần là vừa và nhỏ, họ phản ứng rất nhanh nhạy với thị trường. Vấn đề quan trọng là họ kiên quyết theo đuổi các tiêu chuẩn chất lượng.

Các thương hiệu nằm trong số 17 thương hiệu Đài Loan được quảng bá trong chương trình Taiwan Excellence đã đáp ứng được bốn yếu tố: chất lượng sản phẩm, giá cả vừa phải, cách phân phối và sức mạnh thương hiệu. Chất lượng là cả một quá trình đầu tư và bao gồm nhiều yếu tố”.

Theo ông Tso, Đài Loan có thế mạnh là có nhiều nhà sản xuất các loại linh kiện công nghệ thông tin có chất lượng, các DN Việt Nam muốn hợp tác cần tìm nhà cung cấp linh kiện phù hợp, kiểm soát được chất lượng từ những cái nhỏ nhất thì sản phẩm sẽ đạt chất lượng cao.

Tuy nhiên, ông Ngô Văn Vị, Tổng giám đốc của VTB, lại chia sẻ khó khăn từ một hướng khác: “Muốn có chất lượng thì trước hết bắt đầu từ DN rồi mới đến sản phẩm. Không có R&D (Nghiên cứu và Phát triển) thì không thể có sản phẩm hoàn chỉnh, tốt và có chiều sâu. Nhưng đối với DN đã cổ phần hóa, đầu tư sâu thì phải có quá trình, đòi hỏi vốn lâu dài và đây chính là áp lực lớn đối với chúng tôi”.

Ở một góc nhìn khác, ông Phạm Thiện Nghệ cho rằng, quan điểm đầu tư sâu nghĩa là DN phải làm từ con chip không còn đủ sức thuyết phục.

Bởi nếu DN Việt Nam bắt đầu từ đó, thì sẽ không đủ tiềm lực công nghệ và tài chính để theo đuổi, và cũng chưa chắc xây dựng được thương hiệu mạnh của con chip máy tính hay chíp điện thoại di động cho riêng mình.

Ở Đài Loan có Viện Nghiên cứu III được chính quyền cấp ngân sách để chuyên làm R&D, sau đó chuyển giao cho các DN thương mại hóa.

Ông Tso Wei-Dar cho biết thêm: “DN có nhu cầu được hỗ trợ có thể liên hệ với viện này và phải chịu một phần kinh phí”.

Bà Sabrina, Giám đốc Phát triển thị trường của hãng ZyXel tại Việt Nam, xác nhận: “Công ty chúng tôi cũng từng hợp tác với Viện Nghiên cứu III trong một số dự án”. Kết quả nghiên cứu R&D của viện này khi được thương mại hóa, DN phải có nghĩa vụ đóng góp lại một phần kinh phí.

Đài Loan có nền công nghệ thông tin thuộc loại hùng mạnh trên thế giới. Theo ông Ngô Văn Vị: “Nhiều công ty Đài Loan trước đây làm thuê (gia công) theo thiết kế, giờ đã học hỏi được nhiều kỹ thuật, bí quyết và đã tự đứng ra sản xuất sản phẩm”.

Điển hình như trường hợp máy tính Asus, điện thoại di động HTC... từng là các công ty cung cấp linh kiện OEM, vài năm trở lại đây trở thành nhà sản xuất máy tính và điện thoại di động có tiếng. Nhưng còn nhiều con đường khác để DN công nghệ thông tin Đài Loan “đi tắt đón đầu”.

Ông Nghệ đơn cử: “Trường hợp máy chiếu Optoma, họ mua công nghệ của Mỹ, về tạo thêm các giải pháp gia tăng, tính năng, kiểu dáng... tạo ra thương hiệu Optoma khá thành công.

Đến từ Công ty Zodiac chuyên phân phối sản phẩm Optoma tại Việt Nam, ông Phạm Đức Tài chia sẻ thêm: “Optoma mua con chip của Mỹ, phần thiết kế nền tảng, mẫu mã, các tính năng, giải pháp... họ tự làm, nên giá thành hạ, chất lượng máy cũng đạt yêu cầu. Năm nay, chúng tôi phấn đấu từ vị trí thứ 3 trước đây vươn lên vị trí thứ 2 tại Việt Nam về thị phần”.

Như vậy, trường hợp Optoma cũng là đầu tư sâu, nhưng ở những công đoạn hay linh kiện, giải pháp DN có thế mạnh để tạo ra sản phẩm có chất lượng, có nhiều giải pháp hữu ích nhưng giá vừa phải, chứ không phải đầu tư sâu là làm những thứ mà người ta đã và sẽ làm tốt hơn mình, thì khó có thể cạnh tranh với họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quy mô đầu tư có quyết định chất lượng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO