Nở rộ kinh doanh bảo mật mạng

04/07/2011 06:50

Khoảng 2-3 năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ an ninh mạng phát triển khá rầm rộ. Nếu như trước đây trong nước chỉ có thương hiệu Bkav thì hiện nay xuất hiện hàng loạt DN như Athena, Tường Lửa, CMC, BlueMoon...

Nở rộ kinh doanh bảo mật mạng

Khoảng 2-3 năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ an ninh mạng phát triển khá rầm rộ. Nếu như trước đây trong nước chỉ có thương hiệu Bkav thì hiện nay xuất hiện hàng loạt DN như Athena, Tường Lửa, CMC, BlueMoon...

Kinh doanh bảo mật đang trở thành ngành kinh doanh thu hút được DN.

Ngành đầu tư không cần nhiều vốn

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc bộ phận an ninh mạng Công ty Bkav, lĩnh vực kinh doanh an ninh mạng ở khu vực TP.HCM đang phát triển mạnh, thậm chí mạnh hơn cả khu vực Hà Nội vốn đang giữ thế mạnh về thương mại điện tử. Đây là một xu hướng kinh doanh mới, khi bảo mật trở thành một thế trận cốt lõi của DN kinh doanh, đặc biệt là ở các ngành như chứng khoán, ngân hàng hay các DN thương mại điện tử.

Còn theo Thạc sĩ Phạm Đình Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Tường Lửa, nếu như trước đây công tác bảo mật chỉ do các các cơ quan nhà nước quản lý thì nay làm bảo mật được các DN tận dụng phát triển khá tốt. Đặc biệt trong thời điểm công nghệ phát triển thì không thể thiếu môi trường cạnh tranh của các DN an ninh mạng. 

Ông Nguyễn Minh Đức cho biết: “Làm an ninh mạng thực tế là một ngành kinh doanh không cần nhiều vốn để xây dựng cơ sở sản xuất như các ngành khác, chỉ cần có đội ngũ chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm về kỹ thuật là có thể phát triển kinh doanh tốt. Ngoài nhu cầu về thị trường, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến an ninh mạng “bùng phát” như hiện nay”.

Tranh thủ “hacker mũ trắng”

Mặc dù phát triển khá mạnh thế nhưng theo các DN kinh doanh, khó khăn nhất hiện nay chính là thiếu nhân lực về bảo mật. Một số DN phải quyết định chọn giải pháp làm thêm nhiều ngành khác kèm theo để bù qua sớt lại doanh thu, hoặc DN tự đào tạo hacker để giải quyết nhân sự.

Thị trường diệt virus vẫn ngon ăn

Trong ngành kinh doanh bảo mật thì kinh doanh phần mềm diệt virus cũng đang được nhiều DN đón đầu. Mặc dù ở Việt Nam, số lượng người sử dụng phần mềm crack hay phần mềm miễn phí không nhỏ nhưng hiện nay, hầu hết các thương hiệu diệt virus nổi tiếng nước ngoài như Kaspersky, Symantec, BitDefender, Panda Security, PC Tools, Avira... đều đã có nhà phân phối ở Việt Nam. Trong đó không ít DN đạt được doanh thu lớn, đặc biệt trong đó thương hiệu Việt Bkav, hiện nay, có khoảng 10,5 triệu người sử dụng các phiên bản diệt virus.

Thạc sĩ Phạm Đình Thắng cho hay DN phải vừa kinh doanh vừa tiến hành đào tạo nhân sự. Những “hacker mũ trắng” giúp DN kinh doanh an ninh mạng nhưng nếu không kiểm soát tốt, không có sự chuẩn bị tốt về đạo đức trong việc đào tạo hacker thì cũng dễ trở thành con dao hai lưỡi.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena, cũng cho biết một vấn đề khác là hiện nay các DN vẫn làm đa ngành nghề để tồn tại. Đây là điểm yếu của các DN vì không thể tập trung vào lĩnh vực an ninh mạng cốt lõi. Làm an ninh mạng không phải là đào tạo, cũng không phải là kinh doanh phần mềm diệt virus mà phải tập trung vào một mục đích duy nhất là thiết kế, xây dựng hệ thống bảo mật cho DN và bảo vệ hệ thống dài lâu cho DN. Thế nhưng cũng theo ông Thắng, để làm việc này trong thời điểm hiện nay là chuyện không hề đơn giản, bởi muốn được các DN lớn tin tưởng thì DN an ninh mạng phải có uy tín, nhân lực và có hệ thống kỹ thuật tốt.

Bên cạnh đó, phần lớn các DN bảo mật trong nước đều khẳng định khó khăn lớn nhất chính là việc cạnh tranh với các DN nước ngoài. Các DN bảo mật nước ngoài phần lớn họ có hệ thống chuyên gia bảo mật rất tốt, cho nên việc bảo mật của họ thực sự khá an toàn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Đức lại cho rằng các DN trong nước cũng có điều kiện để học hỏi công nghệ tiên tiến nước ngoài và có sự am hiểu về các đối tác trong nước nên cũng có lợi thế nhất định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nở rộ kinh doanh bảo mật mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO