Nhà mạng bối rối

29/08/2013 05:08

Viettel và MobiFone mỗi năm đều công bố các ứng dụng OTT làm họ thất thu hơn 1.000 tỉ đồng.

Nhà mạng bối rối

Viettel và MobiFone mỗi năm đều công bố các ứng dụng OTT làm họ thất thu hơn 1.000 tỉ đồng.

>>Nhà mạng - OTT: Ép duyên có nên chuyện?

Việc ứng dụng nhắn tin miễn phí trong nứơc Zalo đạt 4 triệu người dùng sau 1 năm ra mắt là một sự kiện gây nhiều chú ý. Đà phát triển quá nhanh của những nhà phát triển phần mềm thoại, nhắn tin miễn phí như Viber, Whatsapp, Line hay Zalo đang làm cho những nhà mạng thật sự bối rối. Câu chuyện nhà mạng chặn hay không chặn các phần mềm thoại miễn phí một lần nữa lại được đặt ra.

Nhà mạng đang thiệt

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), cho biết dịch vụ OTT qua mạng WiFi, 3G như Viber, Zalo, Line... đang là nguy cơ đối với các doanh nghiệp viễn thông. Nếu 40 triệu thuê bao di động đều dùng OTT thì doanh thu của Viettel có thể bị giảm 40-50%. Đại diện VinaPhone cũng cho biết những ứng dụng nhắn tin miễn phí đã khiến họ thất thu khoảng 10% doanh thu mỗi năm. Viettel và MobiFone mỗi năm đều công bố các ứng dụng OTT làm họ thất thu hơn 1.000 tỉ đồng.

Hãng nghiên cứu thị trường Ovum cho biết các ứng dụng nhắn tin miễn phí đã khiến các nhà mạng trên thế giới bị mất đến 23 tỉ USD doanh thu trong năm 2012 và dự đoán sẽ tăng lên 54 tỉ USD trong năm 2016.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí đang là xu hướng của cả thế giới và Việt Nam không thể đi ngược lại xu hướng đó.

Về phía các nhà cung cấp dịch vụ OTT, như VNG, Công ty Phát triển Dịch vụ Zalo, đã ngỏ ý muốn hợp tác với các nhà mạng nhằm cung cấp các dịch vụ gia tăng để sau đó chia sẻ lợi nhuận. Ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc VNG, cho rằng việc chặn các ứng dụng này sẽ đi ngược lại xu thế thế giới. “Cũng giống như trường hợp e-mail làm giảm giá trị của bưu chính nhưng không vì thế mà cấm e-mail”, ông nói.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, nhà sáng lập phần mềm thoại miễn phí Wala, cũng cho rằng Wala chỉ mong muốn hợp tác với các nhà mạng để vừa không ảnh hưởng đến lợi ích của các bên, vừa không ảnh hưởng tới quyền lợi của người dùng. VNG cũng chọn cách hợp tác với các nhà mạng, tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin gì cho thấy họ đã đạt được thỏa thuận.

Chiêu của nhà mạng

Ả Rập Saudi mới đây đã chính thức ban hành lệnh cấm Viber, Whatsapp sau khi tuyên bố những nhà cung cấp này không đáp ứng được những quy định của nước mình. Vậy là đã có tiền lệ nếu các nhà mạng Việt Nam muốn chặn dịch vụ thoại miễn phí.

Về phần các nhà mạng, chưa có quyết định nào cho thấy họ chặn dịch vụ miễn phí hay không. Tuy nhiên đã có những phản ứng từ người dùng cho rằng các nhà mạng đang cố tình dùng chiêu để hạn chế dịch vụ thoại, nhắn tin miễn phí.

Đầu tiên là chất lượng gói cước 3G. Không ít người dùng lên các diễn đàn phàn nàn rằng sau lần tăng giá 20% gần đây thì chất lượng 3G không những không tăng mà còn giảm. Đặc biệt là khi dùng những ứng dụng miễn phí thì liên tục bị ngắt thoại hoặc không gửi được tin nhắn. Tờ TechinAsia cho biết những dịch vụ 3G, 4G phát triển quá chậm ở châu Á. Với trường hợp Việt Nam, không loại trừ sự bành trướng quá nhanh của các dịch vụ miễn phí trở thành rào cản cho 3G, 4G phát triển. Vì nếu càng phát triển 3G, 4G thì các nhà mạng lại càng tạo cơ hội cho người khác cắn vào doanh thu của mình.

Trong khi đó, tại những nước phát triển như Mỹ thì các dịch vụ OTT không tác động quá nhiều đến doanh thu của các mạng di động vì giá cước 3G của họ rất cao, khoảng 10 USD/1GB.

Ngoài việc tăng giá cước, 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone, VinaPhone còn một chiêu khác, đó là tăng giá sim. Đây là một cách để các nhà mạng hạn chế việc người dùng không nạp tiền vào tài khoản mà dùng một sim thứ hai để sử dụng 3G. Giá sim tăng nhưng người dùng sẽ không sử dụng được các dịch vụ 3G hoặc gọi ngoại mạng vì tài khoản chính không những không có tiền mà còn âm 25.000 đồng, buộc người dùng phải nạp tiền để sử dụng dịch vụ.

Câu chuyện ứng phó của các nhà mạng Việt Nam gợi nhớ lại cách làm của các mạng tại Hàn Quốc trong năm qua. Khi chứng kiến sự bành trướng quá nhanh của Kakaotalk, làm giảm mạnh doanh thu của 3 nhà mạng chính tại Hàn Quốc là SK Telecom KT và LG U+ thì 3 nhà mạng này cũng gây sức ép tới Chính phủ nhưng không được đồng ý.

Cuối cùng, họ hạn chế người dùng bằng cách giảm chất lượng dịch vụ, tăng giá gói cước khiến người dùng chán Kakaotalk. Cộng với đó, họ cũng liên minh với nhau mở dịch vụ OTT riêng mang tên Joyn để triệt để ngăn chặn sức ảnh hưởng của các nhà mạng OTT.

Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn chỉ là tạm thời, Kakaotalk vẫn phát triển mạnh tại Hàn Quốc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà mạng bối rối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO