![]() |
Câu chuyện nghịch lý này tạm chia ra làm hai bên. Một bên là Yahoo! + tập đoàn Gomez (www.gomez.com); còn bên kia, là người sử dụng email + Gmail, Hotmail.
Ranh giới chia ra hai bên, đã được định rõ ngay từ khi Yahoo! thông qua đại diện truyền thông của mình là Công ty T&A Ogilvy đưa ra thông cáo: Thông qua đánh giá bằng công cụ quản trị trải nghiệm ứng dụng web của tập đoàn Gomez thì “dịch vụ thư điện tử của Yahoo! dẫn đầu thị trường về tốc độ”, “Yahoo!Mail nhanh hơn từ 86-104% so với các dịch vụ thư điện tử còn lại”...
![]() |
Đã có thông cáo ban hành thì có nơi đăng. Chỉ có điều đáng tiếc, là không ít phóng viên và báo thẩm định thông tin của thông cáo kia thế nào, mà lại đăng nguyên kết luận của Gomez (hay của Yahoo!?), thành ra đưa tin một chiều về một thông tin rất đáng để băn khoăn và phản biện, nếu không muốn nói là rất khác xa với thực tế.
Tuy nhiên, cũng may là, trang Vnexpress ngay sau đó, bên cạnh đưa tin từ thông cáo, đã làm luôn cuộc khảo sát ngay dưới tin được đăng. Kết quả, với câu hỏi “bạn có đồng ý với kết quả của Yahoo!? ”, trong số 3.638 người bỏ phiếu thì có đến 71,3% chọn Gmail và Hotmail nhanh hơn, chỉ có 15,9% chọn Yahoo!Mail.
Đối với câu hỏi “bạn đánh giá cao webmail nào nhất?”, thì cũng có đến 84,9% trong tổng số 4.040 người biểu quyết chọn Gmail, Yahoo!Mail chỉ có 12,1% phiếu, xếp thứ nhì. Chưa hết, trang www.laodong.com.vn cũng đưa tin và lập bảng khảo sát: “Theo đánh giá của bạn qua thực tế sử dụng, ban thấy dịch vụ thư điện tử nào có tốc độ nhanh nhất?”. Trong tổng số 940 phiếu bầu chọn, Gmail nhận được 63%, Yahoo!Mail chỉ được 28%.
Hai khảo sát trên, cho ra những kết quả là tiếng nói từ thực tế người sử dụng email. Nhưng sâu xa hơn, đó là sự công nhận từ thực tiễn, là niềm tin người tiêu dùng gửi gắm cho dịch vụ, sản phẩm, khác với kết quả Yahoo! đưa ra là sự đo đạc trong phòng thí nghiệm hoặc dựa trên thuần tuý kỹ thuật. Một doanh nghiệp để tồn tại và phát triển, phải nhờ rất nhiều vào sự tín nhiệm, tin yêu của người tiêu dùng. Bất cứ động thái nào làm cho người tiêu dùng phật ý hoặc mất lòng tin đều phải chịu hậu quả nặng nề là người tiêu dùng sẽ quay lưng.
Song vấn đề còn đáng nói ở chỗ, một thông cáo đưa ra nhằm mục đích đánh bóng, nhưng lại không gặt hái được thành quả, mà còn bị người tiêu dùng lên tiếng chỉ trích cho rằng nói quá không đúng với thực tế. Thậm chí còn phản tác dụng, người tiêu dùng cảm thấy mất niềm tin hơn vì thông tin đưa ra không đúng với những gì họ nghĩ, họ thấy và họ đánh giá. Vậy thì, những thứ hạng “số 1”, “hàng đầu”... liệu có ích gì khi không được đa số người tiêu dùng ghi nhận. Sự công nhận khác biệt đó tạo nên một nghịch lý, đằng sau nghịch lý này là vấn đề, không ai rõ hơn là chính doanh nghiệp được xưng tụng (hay tự xưng tụng?).
Có thể đa phần trong số người sử dụng internet tại VN sử dụng các dịch vụ của Yahoo! và Yahoo!Mail có thể vẫn đang đứng đầu bảng. Nhưng không thể chối cãi được thực tế, vài năm gần đây đã diễn ra một dòng chảy ngược từ Yahoo!Mail sang Gmail, nguyên nhân vì sao thì đã được trả lời phần nào qua các khảo sát trên.