Một đất không có hai vua

THỤY KHA| 30/08/2012 04:00

Hai gã khổng lồ không chỉ kích hoạt một cuộc chiến thương mại giữa các công ty công nghệ, mà lôi kéo cả các quốc gia dựng lên các hàng rào bảo hộ.

Một đất không có hai vua

Hai gã khổng lồ không chỉ kích hoạt một cuộc chiến thương mại giữa các công ty công nghệ, mà lôi kéo cả các quốc gia dựng lên các hàng rào bảo hộ.

E-paper

Vụ kiện tranh chấp bản quyền lớn nhất lịch sử công nghệ giữa Apple và Samsung vừa đi đến hồi kết. Bồi thẩm đoàn tại Mỹ phán quyết Samsung vi phạm hầu hết nội dung trong đơn kiện của Apple và phải bồi thường khoản tiền lên đến 1,05 tỷ USD.

Đối với những cáo buộc của Samsung, tòa án khẳng định Apple không vi phạm điều gì.

Bồi thẩm đoàn cho rằng, điện thoại Samsung vi phạm rất nhiều bằng sáng chế được Apple đăng ký, bao gồm cả kiểu dáng công nghiệp, tính năng phần mềm và giao diện người dùng. Nhà chức trách nhận định, thương hiệu Hàn Quốc cố tình vi phạm bản quyền (5 trong số 7 bằng sáng chế tại vụ kiện) và gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của Apple.

Về phía Samsung, hãng có được niềm vui nhỏ nhoi khi tòa án quyết định hai sản phẩm Galaxy Tab 10.1 Wi-Fi và Galaxy Tab 10.1 4G LTE không vi phạm bằng sáng chế về thiết kế của iPad.

Mục đích của Apple có phải chỉ là 2,5 tỷ USD không? Theo ước tính của Financial Times, chỉ riêng chiếc điện thoại nhỏ bé nằm gọn trong lòng bàn tay cũng chứa tới 250.000 bằng sáng chế. Và những cuộc chiến bản quyền vì thế tất yếu sẽ xảy ra, trong đó có hai lý do chính để các công ty kiện nhau là tiền và vị thế thị trường.

Tất nhiên, một trong các khoản thu của nhiều tập đoàn công nghệ, trong đó có Apple, là từ các vụ kiện bản quyền. Một nghiên cứu từ This American Life cho biết, từ 2004 - 2009, số vụ kiện vi phạm bản quyền tăng 70%, nhưng số tiền chi trả tăng tới 650% so với trước kia.

Đó chính là lý do thế giới công nghệ nhiều năm qua chứng kiến hàng loạt vụ kiện tụng bản quyền như: Apple kiện Motorola, Samsung, HTC và cả 3 công ty trên cũng đang quay ngược trở lại kiện Apple. Chưa hết, RIM và Kodak kiện lẫn nhau, Kodak kiện Apple, Sony kiện LG, Microsoft kiện Foxconn, Barnes & Noble, Oracle kiện Google...

Samsung đã kiện Apple lên tòa án Hàn Quốc vào tháng 4, còn Apple đã kiện ngược lại Samsung vào tháng 6 về tội đánh cắp các bản quyền giao diện của iPhone và iPad. Trong vụ kiện tại Mỹ, Apple đòi Samsung phải trả 2,75 tỷ USD và cấm bán một số sản phẩm của Samsung tại Mỹ. Ngược lại, Samsung cũng kiện Apple và đòi 422 triệu USD. Ngoài Hoa Kỳ, hai tập đoàn kể trên còn kiện nhau tại các tòa án của một số quốc gia khác.

Tuy nhiên, vị thế thị trường mới là đích nhắm tới của Apple khi quyết tâm theo đuổi vụ kiện để hạ gục Samsung, thậm chí Apple không ngần ngại công bố cả những bí mật công nghệ là những siêu phẩm của hãng này.

Thị trường smartphone thế giới có trị giá đến 200 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng khoảng 10 - 15% mỗi năm, trong đó, cả Apple và Samsung đang chiếm không dưới 70% thị phần.

Samsung mới soán ngôi của Nokia trong vị trí nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới, đồng thời đang có nhiều kế hoạch thôn tính thị trường của Apple tại Mỹ.

Theo IDC, trong quý II năm nay, Samsung đã bán được 50,2 triệu smartphone, gần gấp đôi con số 26 triệu của Apple. Vì thế, Apple buộc phải có hành động quyết liệt để ngăn chặn sự bành trướng của đối thủ đến từ châu Á.

Nếu xác định được Samsung vi phạm bản quyền thì Apple có thể yêu cầu Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ cấm nhập khẩu các sản phẩm của Samsung vào thị trường Mỹ. Nếu Samsung bị cấm hoàn toàn việc bán sản phẩm tại Mỹ thì không chỉ ngành sản xuất điện thoại mà các lĩnh vực khác của Samsung cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Trường hợp tồi tệ nhất, nếu xảy ra, sẽ là sự chấm dứt của cái tên Samsung tại thị trường mang lại khoảng 60% doanh thu của hãng. Hiện tại, các tòa án ở châu Âu, bao gồm Hà Lan, Pháp, Ý và Đức, đã bác bỏ đơn kiện của Samsung cho rằng Apple đã vi phạm bản quyền.

Tất nhiên, cuộc chiến giữa hai thương hiệu này chưa dừng lại và Samsung cũng tung ra các đòn phản công không kém phần quyết liệt. Sau khi nhận được phán quyết của tòa án tại Mỹ, đại diện Samsung bình luận:

“Phán quyết này không nên được xem là chiến thắng cho Apple, mà chúng giống như sự thất bại cho người tiêu dùng Mỹ. Hậu quả là thị trường sẽ có ít sự lựa chọn hơn, ít sự đổi mới hơn và có thể tăng giá sản phẩm. Đây chưa phải là quyết định cuối cùng tại tòa án Mỹ hay các tòa án trên khắp thế giới, khi một số nơi đã phủ nhận cáo buộc của Apple. Samsung sẽ tiếp tục đổi mới và mang đến nhiều lựa chọn hơn nữa cho khách hàng”.

Theo AFP, ngày 24/8/2012, Tòa án Seoul đã buộc Công ty Apple phải nộp 40 triệu won (tương đương 28.000 euro) vì hai vi phạm bản quyền. Samsung cũng bị phạt 25 triệu won vì các vi phạm bản quyền đối với giao diện máy tính.

Theo Dow Jones, tòa án cấm Apple đưa ra thị trường Hàn Quốc một loạt sản phẩm: iPhone 3GS, iPhone 4, iPad; còn Samsung không được bán các điện thoại Galaxy S, Galaxy S2 và Nexus, và các máy tính bảng Galaxy Tab và Galaxy 10.1.

Lệnh cấm này không liên quan đến các điện thoại smarphone đời cuối của Samsung và Apple, trong đó có iPhone 4S và Galaxy S3. Mặc dù quyết định này được xem như là chiến thắng của Samsung, thị phần của Samsung vẫn giảm 0,9% tại Seoul.

"Đây có thể coi là chiến thắng của Samsung tại thị trường nội địa, mở ra cơ hội thoát hiểm tại 9 thị trường khác liên quan đến vụ kiện Apple”, luật sư Jeong Woo-sung bình luận.

Một số nhà quan sát lo ngại phán quyết của tòa án Seoul “ưu ái” cho các công ty trong nước có thể tạo nên một cuộc chiến thương mại khi cả Samsung và LG Electronics, hai công ty có nhiều bằng sáng chế tại Hàn Quốc, có thể dùng nhiều hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn mọi đối thủ xâm nhập thị trường Hàn Quốc.

“Nó có nghĩa là các công ty nước ngoài hoặc sẽ phải cúi đầu trước Samsung và LG..., hoặc ngừng bán tại Hàn Quốc”, ông Florian Mueller, một chuyên gia về bằng sáng chế tại Munich, Đức, dự báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một đất không có hai vua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO