Cột điện và..."củ cà rốt"

DIỆU TIÊN| 02/07/2010 06:20

Cuộc chiến dây - cột” giữa EVN và các công ty viễn thông đã đến hồi kết khi mới đây EVN thỏa thuận xong về giá cho thuê cột điện với VNPT, tiếp đó sẽ là Viettel và các công ty viễn thông khác.

Cột điện và...

“Cuộc chiến dây - cột” giữa EVN và các công ty viễn thông đã đến hồi kết khi mới đây EVN thỏa thuận xong về giá cho thuê cột điện với VNPT, tiếp đó sẽ là Viettel và các công ty viễn thông khác.

Song sự “hóa giải” vụ việc có lúc tưởng chừng căng thẳng này cũng không đơn giản chỉ là “cò kè bớt một thêm hai” về giá, mà lại dẫn dắt người ta tới câu chuyện “cây gậy và củ cà rốt”. Chỉ khác là EVN lấy cột điện để làm "cây gậy".

Hồi lâu ngã giá, thuê còn 70

'Cuộc chiến" cột điện đã hạ hồi nhưng các bên vẫn chưa hài lòng - Ảnh: Quý Hòa

Nếu giá thuê cột điện EVN đưa ra cách đây hai năm tăng từ 400 - 800% so với thời điểm trước đó, thì nay, những thông tin được cả hai phía xác nhận là giá thuê cột điện tại năm thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) được hạ xuống bằng 70% so với mức giá mà EVN đưa ra. Tại các tỉnh còn lại, giá cho thuê cột điện được hạ xuống chỉ bằng 50% mức giá EVN đưa ra. Tại các vùng viễn thông công ích, EVN miễn phí treo cáp thông tin.

Dù rằng mức giá cuối cùng gút lại vẫn còn tăng so với trước đây hai, ba lần, nhưng các bên đều hiểu rằng, mỗi bên phải chấp nhận lùi một bước để cùng tiến, nếu không muốn vấn đề này không giải quyết được và có khả năng lại ra đến bên lề Quốc hội. Về lý, tất cả mọi mặt hàng đều tăng thì chả lẽ giá cho thuê cột điện suốt từng ấy năm không tăng?

Các công ty viễn thông lập luận rằng, dịch vụ viễn thông ngày càng giảm, giá thuê cột điện tăng sẽ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp viễn thông. Nhưng cũng có một thực tế, lợi nhuận trên mỗi thuê bao giảm vì cước ngày càng hạ, song nếu số thuê bao tăng lên thì lợi nhuận vẫn có thể ngày càng tăng.

Minh chứng tiêu biểu là trường hợp FPT Telecom: trong tháng 5/2010, FPT Telecom đạt doanh thu tới 203,8 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận theo đó cũng tăng 9,6%, đạt 49,8 tỷ đồng. Trong một tập đoàn, sự dung hòa lợi ích và lợi nhuận giữa các bộ phận là chuyện bình thường, chứ không thể cứ nhất nhất đòi hỏi cho được lợi thế tuyệt đối cho mình.

“Cây gậy” vung lên quá đầu còn đâu

Trong đàm phán để đi đến thống nhất giá thuê cột điện giữa EVN và VNPT, một vấn đề chẳng những không ai che giấu, mà còn được mang ra làm điều kiện chính là việc roaming giữa mạng EVN Telecom với các mạng MobiFone và VinaPhone của VNPT. Cũng bằng con đường dùng “cây gậy” cột điện, EVN muốn tác động đến việc đàm phán để roaming mạng EVN Telecom với mạng di động Viettel. “Cây gậy” cột điện cũng là phương tiện, điều kiện để EVN giành lấy "củ cà rốt" roaming cho mạng di động.

Trong kinh doanh, đây cũng là chuyện bình thường. Động thái đấu khẩu về giá cho thuê cột của EVN trong hơn hai năm qua cũng được dư luận đồn đại và đoán định là nhằm gây sức ép để vun đắp cho mạng EVN Telecom vốn đang gặp nhiều khó khăn. Giờ thì mọi chuyện đã rõ. Tuy nhiên, đối với những công ty viễn thông không có mạng di động, không biết EVN sẽ dùng “cây gậy” cột điện để hòng chiếm lợi thế ở điểm nào, hay chỉ thuần túy là tiền?

Roaming 2G với MobiFone, VinaPhone và Viettel là chuyện EVN Telecom đang muốn làm. Nhưng còn 3G, mới đây EVN Telecom mới đưa vào khai thác, trong tương lai cũng phải đặt vấn đề roaming giữa các nhà mạng. Mới khai trương, thông tin về số thuê bao 3G của EVN Telecom chưa được công bố. Mạng 3G của ba “ông lớn” MobiFone, VinaPhone và Viettel còn rất khó khăn trong thu hồi vốn, thì 3G của EVN Telecom không biết bao giờ mới chiếm được vị thế trên thị trường...

Việt Nam đã có hai nhà cung cấp dịch vụ mạng di động ảo được cấp phép là Đông Dương Telecom và VTC. Có thông tin cho biết, FPT cũng đang muốn nhảy vào lĩnh vực này. Sự cạnh tranh sẽ càng khốc liệt, nhưng lúc ấy, các mạng di động ảo lại phải cầu cạnh đến những mạng hiện hữu, thế nên câu chuyện dùng mạng lưới làm “cây gậy” có thể còn diễn ra dài dài.

Với mức giá thỏa thuận đạt được, EVN tăng được nguồn thu từ cho thuê cột điện lên gấp hai, ba lần so với năm 2008 (thu được 81 tỷ đồng). Nguồn thu này đóng góp một phần đáng kể vào tổng lợi nhuận của EVN (mỗi năm chỉ lãi được từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng).

Nhưng quan trọng hơn là các tập đoàn lớn càng ngày càng ý thức về thế mạnh được Nhà nước ưu đãi cùng với vị thế độc quyền và dùng nó để gia tăng lợi thế kinh doanh và lợi nhuận trong khi hiệu quả kinh doanh của ngành nghề chính lại không cao. Thiệt thòi lớn nhất cuối cùng cũng thuộc về các doanh nghiệp dân doanh vì sẽ bị tập đoàn o ép đến mệt mỏi do không có những lợi thế này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cột điện và..."củ cà rốt"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO