Bất quá tam

THỤY LÂM| 04/07/2009 08:47

Những lệnh cấm, những quy định hạn chế phần lớn đều có mục đích tốt, mang đến nhiều cái lợi. Nhưng cũng phải xem lại mặt trái của nó có gây ra tác hại hay không.

Bất quá tam

Động thái mới nhất để siết chặt quản lý thuê bao điện thoại di động trả trước là Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 22/2009/TT-BTTTT, trong đó quy định mỗi cá nhân chỉ được dùng chứng minh nhân dân, hộ chiếu đăng ký tối đa ba số thuê bao trả trước (TBTT) của mỗi mạng (trừ trường hợp người đứng tên đại diện cho cơ quan, tổ chức).

Từ việc để sử dụng tràn lan, tùy ý người tiêu dùng, đến khép lại trong một giới hạn - dù vẫn còn khá rộng cửa - đã thể hiện sự “mạnh tay” hơn của cơ quan quản lý. Trên thực tế, mỗi mạng không quá ba, nhân cho bảy mạng di động hiện thời, mỗi người có thể sử dụng đến 21 số TBTT, đó là chưa tính số thuê bao trả sau.

Với khách hàng bình thường, mỗi mạng đăng ký một số trả trước đã là quá nhiều, thậm chí... quá mệt. Mệt vì phải nhớ hết những số thuê bao di động của mình, phải đăng ký từng ấy lần thông tin cá nhân, rồi phải thông báo với từng mối liên lạc là... số này chỉ để gọi thôi nhé. Lâu nay, đối tượng dùng nhiều số TBTT thường rơi vào trường hợp dùng sim khuyến mãi để hưởng lợi giá rẻ, dùng xong thì vứt luôn sim-số; trường hợp khác có thể rơi vào những người có ý đồ xấu, dùng nhiều số để tránh bị phát hiện khi làm việc gian dối.

Nhưng dù thế nào đi nữa thì việc ra giới hạn dùng số TBTT cũng phải trả lời câu hỏi: Liệu quy định này có trái luật hay không, có vi phạm quyền tự do cá nhân và quyền tiêu dùng của người dân hay không? Trước đây, nhiều thành phố như TP.HCM và Hà Nội từng có quy định chỉ cho phép mỗi người đăng ký một xe gắn máy. Quy định này không phù hợp, vì vi hiến, bị dân kêu, đến Quốc hội họp cũng thảo luận, cuối cùng cả hai địa phương này phải bãi bỏ.

Những lệnh cấm, những quy định hạn chế phần lớn đều có mục đích tốt, mang đến nhiều cái lợi. Nhưng cũng phải xem lại mặt trái của nó có gây ra tác hại hay không. Và trên hết, đã là văn bản pháp quy thì phải xem xét nó có phạm luật không? Nếu nhìn dưới góc độ này, “thông tư bất quá tam” vừa ban hành e rằng không ổn. Bởi luật pháp VN đâu có cấm dùng quá ba số TBTT trên mỗi mạng. Mặt khác, nếu cấm như thế, sẽ ảnh hưởng tới công việc kinh doanh, đến sự tăng trưởng của các mạng di động.

Quy định để quản lý chặt chẽ hơn, nhưng không có nghĩa là siết chặt thị trường làm khó cho cả khách hàng và nhà cung cấp vì xâm phạm đến quyền tiêu dùng và quyền kinh doanh của họ.

Cơ quan quản lý muốn tiện cho mình, xin hãy tìm biện pháp tối ưu hơn, chứ không nên đưa ra giới hạn ảnh hưởng đến thị trường như vậy. Còn việc hạn chế tình trạng lãng phí tài nguyên số, thuê bao ảo..., thì xin hãy siết chặt, xử lý nghiêm ở những đầu mối khác, với các biện pháp khác. Nếu không, cứ đà này, người sử dụng truyền hình cáp, IPTV, Internet... cũng bị hạn chế theo, chỉ được đăng ký không quá ba ID hay hợp đồng thuê dịch vụ.

Những gì tiện và thuận cho phía quản lý, cũng nên làm lắm. Song, nếu cái thuận tiện ấy lại gây hệ luỵ cho chủ thể và nhiều đối tượng, đặc biệt ảnh hưởng đến thị trường, thì phải xem lại. Hơn nữa, quy định là thế nhưng liệu có kiểm soát được việc tuân thủ hay không, đó mới là điều quan trọng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bất quá tam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO