10 xu hướng công nghệ thông tin Việt Nam

P.V| 01/03/2012 09:25

Những nghiên cứu mới nhất của Tập đoàn IDC cho thấy, năm 2012, Việt Nam sẽ chứng kiến một cuộc biến đổi trong ngành công nghệ thông tin (CNTT).

10 xu hướng công nghệ thông tin Việt Nam

Những nghiên cứu mới nhất của Tập đoàn IDC cho thấy, năm 2012, Việt Nam sẽ chứng kiến một cuộc biến đổi trong ngành công nghệ thông tin (CNTT). Và dưới đây là những nhận định của họ:

1. Chi tiêu CNTT Việt Nam sẽ tăng 19% trong năm 2012

IDC dự báo chi tiêu CNTT sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng 19,2% trong năm 2012 sau khi chỉ tăng trưởng khiêm tốn ở mức 8,4% trong năm 2011. Tổng thị trường CNTT dự kiến sẽ đạt 3,25 tỷ USD vào năm 2012.

Nếu dự báo này trở thành hiện thực thì Việt Nam sẽ là một trong những nước có chi tiêu CNTT hàng đầu ở châu Á/Thái Bình Dương trong năm 2012.

2. Ứng dụng đám mây sẽ chuyển từ giai đoạn thăm dò sang giai đoạn triển khai ứng dụng rộng rãi

Trong những năm gần đây, từ cơ quan nhà nước đến các doanh nghiệp đã thực hiện các bước để thúc đẩy sự phát triển của điện toán đám mây trong nước.

Họ đang theo đuổi công nghệ mới này như là một cách để tiết kiệm chi phí. Cho đến nay, ứng dụng đám mây đã có những tiến triển tốt và IDC dự đoán xu hướng này sẽ còn tiếp tục.

3. Hợp nhất viễn thông sẽ thúc đẩy các công ty viễn thông tập trung hơn vào dịch vụ khách hàng

Hiện nay, có nhiều nhà khai thác viễn thông tại Việt Nam, hầu hết đều thuộc sở hữu nhà nước bao gồm: Vinaphone và Mobifone (thuộc VNPT), Viettel (thuộc quân đội), và Beeline (một liên doanh giữa VimpelCom và Gtel) EVN telecom, chỉ có Sfone và Vietnamobile là 2 đơn vị tư nhân duy nhất.

Thị trường viễn thông gần như đã bão hòa với gần 90 triệu thuê bao nhưng 90% thị phần thuộc về Vinaphone, Mobifone và Viettel. Các nhà khai thác khác đang phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt và IDC tin rằng trong năm 2012, các công ty lớn tại Việt Nam sẽ thâu tóm những công ty nhỏ hơn.

4. Smartphone sẽ đạt mốc 2,7 triệu chiếc vào năm 2012

Smartphone đã chiếm 9% của toàn bộ thị trường điện thoại di động quý 2/2011, tương ứng với hơn 400.000 chiếc. Với việc xuất hiện những dòng smartphone giá rẻ hơn, IDC dự đoán số lượng này sẽ tăng theo cấp số nhân trong năm nay, đến cuối năm 2012, thị trường smartphone được dự báo đạt 2,7 triệu đơn vị.

5. Tăng sử dụng smartphone sẽ kích thích phát triển các ứng dụng giá trị gia tăng cho điện thoại di động

Sự tăng trưởng chậm của 3G trong thời gian qua là do thiếu các ứng dụng điện thoại di động đáp ứng yêu cầu của người sử dụng. Mặc dù các dịch vụ thoại chiếm 80% tổng doanh thu, nhưng thị trường đó đang suy giảm. Khi dịch vụ thoại bão hòa, một số hãng buộc phải từ chối thuê bao mới. Dịch vụ giá trị gia tăng (VAS) được xem như một giải pháp cần thiết để giữ chân khách hàng, giúp các mạng có doanh thu nhiều hơn để bù đắp sự suy yếu của dịch vụ thoại.

6. Thị trường bảo mật xác thực (security authentication) sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2012

Thị trường bảo mật xác thực Việt Nam đã tăng trưởng mạnh năm 2010 với mức tăng 43% so với năm trước. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi các dự án chính phủ và sự gia tăng trong lĩnh vực ngân hàng trực tuyến. Năm 2011, thị trường chậm lại đáng kể do các yếu tố kinh tế vĩ mô và sự chậm trễ của dự án chính phủ. Tuy nhiên, IDC dự đoán rằng thị trường bảo mật xác thực sẽ tăng tốc vào năm 2012 với tốc độ tăng trưởng ước tính sẽ là 28% vào cuối năm nay.

7. Thị trường máy tính bảng sẽ tăng trưởng 92% trong năm 2012

Đầu năm 2010, Apple tung ra chiếc máy tính bảng đầu tiên - iPad - và một số lượng hạn chế đã được nhập về Việt Nam. Vào thời điểm đó, khách hàng chính của iPad thế hệ đầu tiên này chính là những tín đồ công nghệ. Mặc dù iPad thế hệ đầu tiên của Apple không có mặt hàng loạt trên thị trường khi mới được giới thiệu, nhưng nay mọi sự đã thay đổi. Năm 2012, IDC ước tính rằng thị trường máy tính bảng sẽ tăng trưởng đầy ấn tượng đạt 92% so với năm 2011.

8. Xu hướng giản lược kênh phân phối trong thị trường PC sẽ rõ ràng hơn vào năm 2012

Trong những năm gần đây, thị trường PC đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo kết quả nghiên cứu quý 3/2011 của IDC, số lượng PC đã tăng 13% so với quý trước và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tuy có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhưng nhà phân phối vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều vấn đề như tồn kho cao; doanh số bán hàng thông qua các kênh bán buôn (nhà phân phối / đại lý) giảm 14,6%, nhưng doanh số bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ tăng so với năm ngoái 30,3%. Điều này dẫn đến dự đoán rằng việc giản lược các kênh phân phối có thể sẽ diễn ra.

9. Thanh toán điện tử (ePayment) có tiềm năng phát triển mạnh trong năm 2012

Đến cuối năm 2012, sẽ có khoảng 26 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam, chiếm khoảng 30% trên tổng dân số 86 triệu người. Sự phát triển của công nghệ và sử dụng trực tuyến sẽ mở ra một loạt các cơ hội. ePayment là một lĩnh vực mà IDC dự đoán sẽ có tăng trưởng cao.

10. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của mạng xã hội sẽ giúp tăng cường thương mại điện tử

Mặc dù sự tăng trưởng của internet hữu tuyến dự kiến sẽ chậm lại, nhưng internet không dây lại được dự báo tăng trưởng so với năm ngoái khoảng 50% vào năm 2012. Cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ sẽ làm cho dịch vụ 3G dễ tiếp cận hơn ở cả thành thị lẫn nông thôn vì giá đang giảm xuống. Với sự tăng trưởng của người sử dụng internet, mạng xã hội dự kiến cũng sẽ tăng. Điều này sẽ thúc đẩy thương mại điện tử trong nước. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
10 xu hướng công nghệ thông tin Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO