Kết thúc game drive (lái xe đi tìm ngắm thú hoang) kéo dài 3 tiếng đồng hồ thật mãn nguyện, hai chiếc Land Cruiser của Somak Safari dừng lại ở gần một lùm cây thấp ngang đầu người.
Đọc E-paper
Mặt trời đang lặn dần ở phía khu Bảo tồn quốc gia Maasai Mara rộng lớn miền tây - nam Kenya. Lửa trại bừng lên cạnh chiếc bàn trải khăn trắng với nhiều loại nước giải khát, mỗi người chúng tôi chọn cho mình thức uống ưa thích. Đây là "sundowner" truyền thống, thời khắc nhâm nhi ly cocktail, chén rượu nồng ngắm hoàng hôn và nghe kể chuyện châu Phi.
Hoàng hôn trong Maasai Mara |
Từ sau lùm cây bước ra từng người một, những chiến sĩ Maasai nổi tiếng thế giới, người cầm gậy dài, người cầm gậy ngắn, người cầm giáo, đầu cạo trọc, mặt mũi đen như màn đêm, chỉ có hai con mắt trắng sáng, họ đều to cao, khỏe mạnh và đều khoác che thân bằng loại áo thụng dài với màu rất bắt mắt như đỏ, cam, hồng, tím... Rồi họ cất tiếng hát, kiểu hát rất lạ với một người hát chính và các bạn phụ họa, âm thanh từ cuống họng thoát ra. Lạ lẫm, kỳ bí, không có nhạc cụ nào vậy mà rất cuốn hút.
Kế đến, từng người một, họ trổ tài bung mình nhảy cao tại chỗ, thẳng người, hai gót chân không được đụng đất. Đó là kiểu nhảy adumu truyền thống của người Maasai. Quá phấn khích (một phần nhờ ly gin tonic), chúng tôi cũng đứng lên, chen vào hàng ngũ, bắt chước nhảy nhưng cũng chẳng bằng người chiến sĩ nhảy kém nhất trong tốp ấy. So với quan niệm của người Maasai, chiến sĩ nào nhảy cao nhất là có dũng khí nhất, thì chúng tôi chỉ là một chiến sĩ hạng bét đến từ thành thị bê tông chai cứng.
Chiến sĩ Maasai thi thố nhảy cao |
Anh chàng trẻ nhất, nhưng lại toát ra vẻ lanh lợi nhất, trong tốp chiến sĩ Maasai này kể với chúng tôi: "Từ xa xưa, Enkai (Thượng đế, theo thổ ngữ Maasai) đã ban tặng cho dân tộc Maasai kho tàng vô giá là những con thú chỉ cần ăn cỏ, uống nước mà vẫn nuôi sống được người Maasai theo suốt dòng đời. Đó là những con dê, con bò. Người Maasai nào có đàn dê, đàn bò đông đúc là người hạnh phúc vì được Enkai chúc phúc. Và người chủ gia đình nào có thật nhiều con thì lại càng được Enkai yêu thương, chúc phúc nhiều hơn nữa. Người có nhiều dê, bò nhưng ít con là người nghèo".
Và trong hệ thống trật tự xã hội của cộng đồng Maasai, gia đình nào có nhiều con, nhiều dê, bò thì được xem như có thế lực nhất, được cả bộ lạc nể trọng, nói gì cũng được tuân theo. Không chỉ cho người Maasai sữa, thịt, dê và bò còn cho da để làm tấm đắp, làm dép, nhiều vật dụng khác, hay là vật phẩm trao đổi, của hồi môn... Thuốc tẩm bổ hằng ngày của người Maasai là những giọt máu tươi được trích từ cổ con bò, nhưng không cần phải sát hại cả con bò, còn phân bò phơi khô là chất đốt dùng trong các căn chòi gỗ pha bùn khô của gia đình họ.
Người Maasai luôn phải cảnh giác vì kẻ thù lúc nào cũng cận kề và đe dọa. Trong những con thú ăn thịt như báo, linh cẩu, chó rừng... thì đáng ngại nhất vẫn là sư tử. Vì thế, các chiến sĩ Maasai sinh ra, lớn lên với nhiệm vụ bảo vệ đàn thú ăn cỏ của gia đình khỏi sự sát hại của sư tử.
Cách nay vài chục năm, họ vẫn còn tục cử hành nghi thức trưởng thành cho các chàng trai mới lớn sau khi hạ được con sư tử đầu tiên trong đời. Đó là sự thể hiện ý chí, sức mạnh, lòng can đảm. Khi ấy, tùy theo vóc dáng con sư tử bị giết, thời khắc nó bị giết... mà chàng trai sẽ được đặt cho cái tên sư tử để sử dụng cả đời. Có tên sư tử là một niềm hãnh diện lớn vì người Maasai tuy thù ghét sư tử nhưng cũng nể trọng chúng, những con thú rất đẹp và rất dũng mãnh. Chúng chính là "vua", là chiến sĩ hiên ngang nhất của rừng châu Phi.
Đưa khúc gậy ngắn với phần đầu nổi u tròn, được đục đẽo lồi lõm lên cho chúng tôi nhìn, anh kể tiếp: "Đây là orinka để chiến sĩ Maasai tự vệ bằng cách bổ mạnh vào đầu con sư tử lao đến sát mình. Để chống lại sư tử ở khoảng cách xa, chúng tôi có giáo, gậy dài nhọn đầu hoặc lưỡi dao ngắn dắt bên hông".
Vũ khí sát thương orinka |
"Chính bạn đã kinh qua nghi thức trưởng thành với việc giết được con sư tử nào chăng?" - chúng tôi hỏi anh ta. Anh chàng lắc đầu: "Đó là tục lệ ngày xưa của thời cha ông. Kenya đã ban hành luật cấm sát hại động vật hoang dã, từ voi, sư tử, báo, tê giác, trâu đến hà mã, linh dương, ngựa vằn... từ hơn 40 năm qua. Bây giờ, chiến sĩ Maasai như tôi chỉ còn góp phần bảo tồn truyền thống bằng kể chuyện, làm hướng dẫn du lịch cộng đồng địa phương. Nhiều bạn khác đã trưởng thành từ lâu nay chuyển sang làm người bảo vệ sư tử khỏi bị con người săn bắn trái phép. Có nhiều tổ chức bảo vệ sự sống hoang dã hợp tác với chính quyền các tỉnh ở đất nước Kenya để trả lương tháng cho họ chu toàn nhiệm vụ mới này. Hiện Kenya đang góp phần làm cho châu Phi vẫn giữ được một trong những hấp lực mạnh nhất là sư tử. Rừng châu Phi mà không còn sư tử thì sẽ vắng du khách, mà du lịch nay là nguồn mạch của phát triển kinh tế, bảo tồn truyền thống".
"Vì sao các anh thích mặc trang phục màu sắc sặc sỡ như vậy?"- chúng hỏi thêm. "Loại áo dài chúng tôi dùng quấn quanh người này gọi là shuka. Màu bắt mắt ư? - tay anh chiến sĩ chỉ vào lửa trại - đó là để giúp chúng tôi giả làm lửa, đánh lừa ánh mắt sư tử, khiến chúng phải kiêng dè, không dám tấn công".
Những con sư tử hiền như mèo trong khu Bảo tồn quốc gia Maasai Mara |
Chợt nhớ trong kho chuyện kể rừng Kenya có chuyện về hai con sư tử đực trưởng thành mà không có bờm sống ở bờ sông Tsavo hồi năm 1898. Trong thời gian 9 - 10 tháng, hai con sư tử rất lớn, khỏe và cực kỳ hung dữ đã sát hại, ăn thịt khoảng 135 người phu xây dựng đường ray xe lửa. Viên sĩ quan người Anh đã phải mất nhiều tuần rình rập, đặt bẫy mới diệt được chúng. Một trong hai con dài gần 3m, 8 người khiêng mới nổi. Hollywood cũng đã đưa chuyện này lên màn ảnh rộng, trong phim The Ghost and the Darkness năm 1996 với diễn xuất của Michael Douglas và Val Kilmer.
Đó là chuyện xưa. Còn ngày nay, có thể do nhận biết không còn phải sợ bị các chiến sĩ Maasai săn lùng nên những con sư tử mà chúng tôi bắt gặp trong hai ngày game drive trong khu Maasai Mara đều trông hiền lành, chỉ lo ngủ hoặc ve vãn, liếm láp săn sóc sắc đẹp cho nhau, y như những con mèo nhà.
>> Chốn bồng lai tiên cảnh Tà Xùa