Cớ sao "trả lãi" quá cao?

BS. LƯƠNG LỄ HOÀNG| 18/04/2013 00:50

Ai cũng hiểu ăn được ngủ được là tiên. Nhưng với cuộc sống căng thẳng như hiện nay, rõ ràng là ảo vọng nếu mong đêm nào cũng ngon giấc.

 Cớ sao

Ai cũng hiểu ăn được ngủ được là tiên. Nhưng với cuộc sống căng thẳng như hiện nay, rõ ràng là ảo vọng nếu mong đêm nào cũng ngon giấc. Không thiếu doanh nhân đành chọn lối thoát qua những viên thuốc ngủ.

Đọc E-paper

Ở Đức, xứ có dân số tròm trèm với nước mình, theo thống kê vào cuối năm 2012, không dưới 15 triệu người trăn trở thâu đêm. Trong số đó, ít nhất 3 triệu người phải nuốt viên thuốc an thần mỗi đêm. Con số đó ở xứ mình chắc khó thấp hơn.

Tuy không thiếu thuốc an thần thuộc nhóm hóa chất tổng hợp, nhưng không nhà sản xuất nào dám quả quyết là thuốc không gây phản ứng phụ. Hễ dùng thuốc ngủ thường xuyên thì sớm muộn cũng phải tăng dần liều lượng.

Hậu quả của việc lệ thuộc vào thuốc ngủ, bên cạnh các triệu chứng run tay, đãng trí, lờ đờ, mệt mỏi, thay đổi cá tính, lại chính là... mất ngủ!

Y sĩ đoàn ở nhiều nước châu Âu đã đồng loạt lên tiếng báo động về tác hại của thuốc ngủ, vì kết quả nghiên cứu cho thấy, có mối liên hệ giữa việc lạm dụng thuốc ngủ với nhồi máu cơ tim ở người còn trẻ, tai biến mạch máu não ở người chưa qua tuổi về hưu, và đau đầu mãn tính ở người phải làm việc trí óc.

Nếu xét về mặt độc tính, thuốc ngủ - loại hóa chất tổng hợp - không có dạng nhẹ, chỉ có loại tác dụng mạnh hoặc cực mạnh. Dưới tác dụng của thuốc an thần, não bộ bị ức chế chức năng tư duy.

Thêm vào đó, vì hệ tuần hoàn hoạt động ở mức tối thiểu nên người dùng thuốc bần thần khi thức dậy vì tế bào thiếu dưỡng khí, đặc biệt là tế bào thần kinh trung ương.

Theo một kết quả nghiên cứu ở Hoa Kỳ, người dùng thuốc an thần kéo dài hơn ba tháng dễ bị các triệu chứng:

• Lo sợ vô cớ và mất ngủ dưới dạng thức quá sớm và thức luôn đến sáng.

• Nín thở trong khi ngủ khiến thiếu máu đột ngột trong não và thành tim.

• Phân liệt cá tính dưới dạng hoang tưởng và khuynh hướng tự tử.

Các thầy thuốc ở trung tâm nghiên cứu về giấc ngủ ở Stuttgart (Đức), cảnh báo người dùng thuốc:

• Không dùng thuốc an thần lâu hơn ba tuần mà không truy tìm nguyên nhân gây mất ngủ.

• Giảm dần liều lượng cho đến khi ngưng hẵn thuốc.

• Thay thế thuốc hóa chất bằng dược thảo, hay bằng liệu pháp khác càng sớm càng tốt.

Chuyên gia ở Stuttgart sở dĩ quả quyết như thế vì theo kết quả nghiên cứu, tình trạng mất ngủ được cải thiện không mấy khó sau khi kết hợp hoạt chất kháng oxy hóa, như chất màu anthocyanin trong trái việt quất (blueberry) để bảo vệ tế bào thần kinh, với tác chất ổn định hàm lượng dưỡng khí bên trong tế bào, như flavoinoides trong bạch quả (gingko) trong phác đồ điều trị.

Thêm "vốn" cho sức khỏe là điều cần thiết, nhưng nếu vì thế mà phải "trả lãi quá cao" thì sớm muộn cũng mất cả vốn lẫn lời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cớ sao "trả lãi" quá cao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO