![]() |
TS Nguyễn Chí Tâm, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết, thương mại Việt – Nga đang có thuận lợi sau khi Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ tháng 12/2011. Trong 3-4 năm tới, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Nga sẽ có mức thuế nhập khẩu thấp hơn từ 30-50% so với mức hiện hành.
![]() |
Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu mạnh của Việt Nam vào thị trường Nga |
Khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam đã tới dự Hội thảo xúc tiến đầu tư thương mại Việt – Nga tại Hà Nội chiều 11/5, để thảo luận về những vướng mắc, khó khăn nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang LB Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, kim ngạch thương mại hai nước tăng lên nhanh chóng. Năm 2011, kim ngạch thương mại Việt - Nga đạt 2,12 tỉ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu đạt 1,38 tỉ đô la Mỹ, tăng 66,2% so với năm 2010 và trở thành năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu sang thị trường Nga.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, hai tháng đầu năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu sang Nga 223,7 triệu đô la Mỹ, tăng 35,82% so với cùng kỳ năm trước. Theo kế hoạch hành động trung hạn Nga - Việt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư cho đến năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước sẽ đạt 3 tỉ đô la Mỹ. Gần đây hai nước đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2013.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, thị trường Nga có sức mua lớn, đồng thời là thị trường truyền thống của Việt Nam, thích hợp với các mặt hàng dệt may, giày dép, nông sản, thủy sản của Việt Nam, lại không đòi hỏi khắt khe về mẫu mã, chất lượng. Đây thực sự là thị trường giàu tiềm năng có thể đem lại lợi nhuận cao cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hàng xuất khẩu Việt Nam vào Nga hiện chỉ chiếm tỷ lệ chưa đến 0,5% hàng nhập khẩu của Nga. Con số này cho thấy trao đổi thương mại giữa 2 nước còn rất nhỏ so với tiềm năng hợp tác và thế mạnh mỗi nước, chưa thực sự tạo ra bước đột phá.
Nguyên nhân, theo ông Túc, là do các doanh nghiệp Việt Nam hầu như không có đầu mối giao dịch thương mại tập trung, ổn định; số lượng doanh nghiệp có văn phòng đại diện hay chi nhánh tại Nga là rất ít vì vậy khó có thể thường xuyên theo dõi và nắm vững những biến đổi, nhu cầu của người tiêu dùng để kịp thời có những điều chỉnh và chiến lược phù hợp; việc áp dụng các hàng rào thuế quan và phi thuế quan của bạn còn khá phổ biến và khó dự báo nhất là đối với mặt hàng xuất khẩu về nông, thủy hải sản.
“Nga là thị trường mở, không khó tính nên việc thâm nhập thị trường cũng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác có lợi thế tương tự như chúng ta về chủng loại hàng hóa, mẫu mã, giá cả...”, ông Túc nói.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cho biết, ngoài những khó khăn trong việc đặt văn phòng đại diện, mở rộng kinh doanh tại Nga, họ còn gặp một số trở ngại khác như sự phức tạp của thủ tục pháp lý, vấn đề thanh toán, tiếp thị, tìm kiếm khách hàng...
Ông Túc khẳng định, hiện nay VCCI đã ký thỏa thuận hợp tác với Cục đăng ký quốc gia, Bộ Tư pháp Nga về việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký thành lập văn phòng đại diện tại Nga. “Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp khi có yêu cầu”.
TS Nguyễn Chí Tâm, Tham tán Công sứ ĐSQ Việt Nam tại LB Nga cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động thương mại và đầu tư tại Nga.
Ông dẫn chứng, theo cam kết về thuế quan và hạn ngạch của Nga khi gia nhập WTO, mức thuế nhập khẩu trung bình của tất cả hàng hóa của Nga sẽ ở mức 7,8% so với 9,5% trong năm 2011; mức thuế trung bình của nhóm hàng nông sản sẽ là 10,8% so với 13,2% hiện hành; mức thuế trung bình của nhóm hàng công nghiệp sẽ là 7,3% so với 9,5% hiện hành.
Những cam kết như vậy có lợi cho các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Nga, bao gồm thủy sản, máy tính, sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép, nông lâm sản...