Đồng CNY của Trung Quốc giảm giá trong ngày thứ Hai, phá vỡ ngưỡng tâm lý quan trọng được giữ suốt một thời gian dài, điều này không khỏi tạo ra nhiều nỗi sợ về khả năng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, theo bài đăng mới đây trên MarketWatch.
Điều này lập tức tạo ra đợt bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán toàn cầu, thị trường chứng khoán Mỹ có ngày giảm điểm mạnh nhất tính từ đầu năm 2019 đến nay. Đồng CNY hạ giá trên cả thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài. Tại nội địa Trung Quốc, đồng CNY được cho phép giao dịch trong biên độ khoảng 2% so với tỷ giá tham chiếu.
Tại sao thị trường chứng khoán lại đối diện với tình trạng bán tháo?
Trong khi các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư còn đang tranh cãi liệu sự suy yếu của đồng CNY cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng đồng CNY như vũ khí trong chiến tranh thương mại, nhà đầu tư tháo chạy khỏi các thị trường cổ phiếu và nhiều loại tài sản khác bị coi là rủi ro.
Thị trường chứng khoán Mỹ cùng hòa cùng sự sụt giảm của thị trường toàn cầu, thị trường giảm sâu trong phiên giao dịch buổi chiều. Chỉ số công nghiệp Dow Jones ở mức sụt giảm mạnh nhất đã mất hơn 900 điểm và sau đó chốt phiên giảm 767,27 điểm. Chỉ số Nasdaq và S&P đều giảm quanh ngưỡng 3%.
Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Wells Fargo Investment Institute - ông Paul Christopher, nhận xét hiện thị trường đang có xu thế nghĩ rằng cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn và cần một thỏa thuận và rằng mong muốn có được thỏa thuận sẽ sớm thành hiện thực. Tuy nhiên, động thái mới nhất từ phía Trung Quốc phát đi tín hiệu rằng họ đã chuẩn bị nhiều biện pháp khác nhau và họ sẵn sàng lùi các cuộc đàm phán sang năm 2020.
Đồng CNY yếu khiến người ta không thể nào quên được ký ức của năm 2015 khi mà đồng nhân dân tệ giảm giá không ngừng gây ra cơn sốc khắp các thị trường toàn cầu trong nhiều tháng.
Trung Quốc có đang sử dụng đồng CNY như một vũ khí?
Rõ ràng thông qua việc giảm giá đồng CNY, Trung Quốc đang muốn gửi đi một thông điệp. Giới quan sát trên thị trường tiền tệ hiện đang chia rẽ về việc liệu Trung Quốc có sử dụng đồng CNY như vũ khí trong chiến tranh thương mại hay không.
Trưởng bộ phận phân tích tại ngân hàng Deustche Bank Allan von Mehren nhấn mạnh, dù ngưỡng 7 CNY/USD bao lâu nay vốn được coi là ngưỡng quan trọng bởi nhà đầu tư và giới chuyên gia, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - ông Dịch Cương trong khi đó nhấn mạnh rằng chẳng có ngưỡng nào là quan trọng cả.
Trưởng bộ phận đầu tư của bộ phận quản lý tài sản tại UBS - ông Mark Haefele, nhận xét: “Điều này dường như là một lời cảnh báo nhiều hơn sự hạ giá chủ động, sự suy giảm của đồng CNY phản ánh cho những yếu tố kinh tế căn bản yếu đi và rủi ro thuế quan thương mại tăng lên. Với nhiều nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, việc tùy tiện giữ ngưỡng 7.0 giữa áp lực tăng lên như vậy tiềm ẩn rủi ro đạo đức và rủi ro này sẽ ngày một lớn hơn khi nó kéo dài”.
Dù đồng CNY được cho là sẽ suy yếu hơn nữa để ứng phó với tình trạng khó khăn về kinh tế, Trung Quốc sẽ muốn tránh việc hạ giá quá đột ngột sẽ gây ra phản tác dụng.
Quan chức Trung Quốc, theo nhận định của chuyên gia, sẽ muốn tránh kịch bản 2015-2016, khi đó dòng vốn bị rút mạnh. Đồng thời các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng thừa hiểu rằng nếu hạ giá quá nhanh quá đột ngột đồng CNY sẽ gây ra nhiều sức ép lên các đồng tiền châu Á khác, vì vậy làm giảm đi lợi ích cho chính các nhà xuất khẩu Trung Quốc.
(Theo Bizlive - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)