Mua lại Mộc Châu, Vinamilk "toan tính" gì?

Lữ Ý Nhi| 22/12/2019 04:27

Vinamilk vừa hoàn tất việc sở hữu 75% cổ phần của GTNFoods - công ty mẹ của Sữa Mộc Châu. Trong tháng 1/2020, doanh nghiệp này sẽ chính thức tiếp quản Mộc Châu trong bối cảnh tăng trưởng của ngành và riêng Vinamilk đang có xu hướng chững lại.

Mua lại Mộc Châu, Vinamilk

Theo dự báo của Ban lãnh đạo Vinamilk từ đầu năm 2019,  trong bối cảnh ngành sữa chỉ tăng trưởng một con số, dù thị phần của Vinamilk đang chiếm quá nửa thị trường nhưng  yêu cầu tăng trưởng đặt ra khá cao với Vinamilk trong năm 2019 và tiếp theo là điều không dễ.

Báo cáo gần nhất của Công ty chứng khoán SSI cũng cho rằng, trong quý gần nhất, doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk chỉ tăng hơn 4% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk cũng đang chịu thách thức do giá bột sữa tăng cao. Vì vậy, việc giành thêm thị phần trong tương lai của Vinamilk sẽ khó khăn hơn so với những năm trước đây.

Cũng theo đánh giá của SSI, hiện công ty sữa Mộc Châu đang chiếm khoảng 9% thị phần, việc mua lại thành công Sữa Mộc Châu sẽ là một trong tiền đề quan trọng hỗ trợ tăng trưởng dài hạn của Vinamilk.

Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Điều hành Vinamilk cho biết: ‘Sau khi sở hữu Mộc Châu, Vinamilk sẽ cùng xây dựng thương hiệu Mộc Châu phát triển song song với thương hiệu Vinamilk, đó là sự khác biệt của Vinamilk khi mua lại Mộc Châu”.

Bà Hương cũng khẳng định, việc sở hữu 75% cổ phần GTNFoods sẽ giúp Vinamilk mở rộng thị trường và phát triển các sản phẩm mới trong tương lai. Cụ thể, với hệ sinh thái gồm các công ty con như như sữa Mộc Châu, Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea), LadoFoods (vang Đà Lạt) và Tổng Công ty Chăn nuôi (Vilico), …Vinamilk có thể khai thác rượu từ vang Đà Lạt để làm rượu sữa, khai thác trà từ Vinatea để phát triển các sản phẩm trà sữa và tận dụng nguồn đất đai rộng lớn của Vilico để chăn nuôi bò sữa.


Vinamilk-Hinh-1b-5159-1576994187.jpg

Sữa tươi organic của Vinamilk được đón nhận tại Singapore

Theo thống kê đến năm 2018, Mộc Châu đang có đàn bò lên đến 23.500 con với 3.000 con thuộc các trang trại tập trung quy mô lớn của Công ty, và phần còn lại được khoán cho nông dân, tương ứng với sản lượng tối đa lên đến 100.000 tấn sữa tươi/năm. Bên cạnh đó, lợi thế mảng sữa của GTNfoods  còn nằm ở vùng nguyên liệu, với 1.000 ha đất nông nghiệp và hơn 4.000 ha của các hộ chăn nuôi tại Mộc Châu – nơi khí hậu mát mẻ quanh năm rất thích hợp để nuôi bò sữa. Đặc biệt, thương hiệu Mộc Châu được phủ rộng tại thị trường  phía Bắc. Vì vậy, việc sở hữu Mộc Châu được xem là cơ hội mới mở ra nhiều triển vọng phát triển cho Vinamilk.

Cũng theo nhận định của các chuyên gia trong ngành: ‘Mặc dù trong tuần qua, giá cổ phiếu của Vinamilk khá tiêu cực và vẫn trong đà giảm hơn 8% trong vòng một tháng, cũng như một năm qua. Khối lượng giao dịch bình quân hơn 1 triệu đơn vị/ngày, nhưng Vinamilk vẫn thu về “lợi nhuận" lớn khi sở hữu thành công Mộc Châu. 

Trước đó, Vinamilk cũng đã đầu tư tại tỉnh Xiengkhouang, Lào để thực hiện chiến lược hình thành vùng nguyên liệu sữa tươi organic chuẩn quốc tế, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu trong những năm tới.

“Đây là chiến lược trọng tâm của Vinamilk vì sữa tươi organic sẽ là xu hướng của tương lai, và các nước trên thế giới cũng đang đi theo xu hướng này và mới đây, Vinamilk cũng vừa xuất khẩu sữa tươi Organic sang Singapore và được nhận giải thưởng xuất khẩu”, bà Hương nói.

Chốt phiên chứng khoán ngày 20/12, giá cổ phiếu Vinamilk (VNM) neo ở mức giá 120.000 đồng/cp, tăng nhẹ 300 đồng so với phiên trước đó. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mua lại Mộc Châu, Vinamilk "toan tính" gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO