Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử: Thiếu cam kết, khó đột phá

GS. KEUK-JE SUNG*| 13/05/2017 06:46

Không có những cam kết mạnh mẽ và đáng tin cậy của các nhà lãnh đạo cao nhất, những quyết định mang tính đột phá của ngành công nghiệp điện tử khó có thể được đưa ra.

Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử: Thiếu cam kết, khó đột phá

Samsung Việt Nam vừa quyết định tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 57% ngay trong năm 2017 bằng việc hỗ trợ tư vấn 12 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật cao.

Ví dụ này cho thấy Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc thu hút các công ty đa quốc gia phát triển ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam.

Tuy nhiên, tiềm năng này chỉ có thể thành hiện thực khi năng lực của các công ty của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ngành điện tử khắc phục được những điểm yếu và đáp ứng được đòi hỏi của các công ty đa quốc gia.

Trong chuỗi giá trị toàn cầu ngành điện tử, Việt Nam đã tham gia vào khâu sản xuất và lắp ráp, như sản xuất linh kiện, lắp ráp sản phẩm trung gian, lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Mặc dù được coi là ngành công nghiệp quan trọng và đã đạt được một số thành tựu, song ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đang phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp FDI.

Link bài viết

Bất chấp những nỗ lực của Chính phủ nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, kết quả thu được chưa như mong muốn. Năng lực hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thỏa mãn yêu cầu của các công ty đa quốc gia còn hạn chế.

Số lượng các công ty Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam rất nhỏ. Cung ứng sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử cấp 1 và cấp 2 chủ yếu là doanh nghiệp FDI và những doanh nghiệp này chủ yếu dựa vào những vật liệu sản xuất cơ bản và linh kiện nhập khẩu.

Hiện nay, tại miền Bắc, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang sản xuất và lắp ráp nhiều loại sản phẩm điện tử, nhưng phụ tùng từ các công ty trong nước rất thấp.

Việt Nam có thể học hỏi Đài Loan, Singapore, Malaysia, Philippines về phát triển công nghiệp hỗ trợ để chuyên môn hóa việc lắp ráp linh kiện điện tử cho các công ty đa quốc gia. Với kinh nghiệm của Hàn Quốc, ngành công nghiệp điện tử đã không nhận được sự quan tâm trong giai đoạn đầu phát triển nền kinh tế. Vào đầu những năm 1980, Hàn Quốc đã đạt được một số thành tựu quan trọng, tạo bước ngoặt cho ngành công nghiệp điện tử phát triển bùng nổ từ giữa những năm 90.

Hàn Quốc bắt đầu như những nước phát triển khác bằng việc nhập khẩu linh kiện điện tử và lắp ráp thành phẩm vào những năm 60, và chỉ đến những năm 80, ngành công nghiệp hỗ trợ mới thu hút được sự quan tâm nhiều hơn. Khi đó, Hàn Quốc xuất khẩu lượng lớn linh kiện và vật liệu, năm 2014, thặng dư thương mại đối với linh kiện và vật liệu đã vượt 100 tỷ đô la Mỹ.

Chương trình chia sẻ tri thức của Hàn Quốc với Việt Nam trong nghiên cứu mới nhất đã đề xuất một gói giải pháp chính sách cho phát triển công nghiệp phụ trợ ngành điện tử của Việt Nam. Cụ thể là Việt Nam phải phát triển thương hiệu quốc gia, mở rộng hợp tác với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, mua công nghệ nước ngoài, nới lỏng những điều kiện cho vay và phát triển ngành công nghiệp vật liệu.

Điều kiện tiên quyết để ban hành chính sách công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử là phải rất chi tiết, có tầm nhìn dài hạn. Thực tế cho thấy, nếu không có những cam kết mạnh mẽ và đáng tin cậy của các nhà lãnh đạo cao nhất, những quyết định mang tính đột phá của ngành công nghiệp điện tử khó có thể được đưa ra.

(*) Tác giả làm việc tại Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử: Thiếu cam kết, khó đột phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO