Áp lực thay đổi cho ngành trà Việt Nam

CẨM TÚ| 03/04/2018 03:36

Trong 2 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu trà Việt Nam sang Pakistan – thị trường lớn nhất giảm hơn 40% sản lượng so với cùng kỳ năm 2017.

Áp lực thay đổi cho ngành trà Việt Nam

Đồi trà ô long. Nguồn: Cuộc thi ảnh Tự hào hàng Việt do báo DNSG tổ chức

Nguyên nhân là Pakistan vừa đưa thêm một số tiêu chuẩn vệ sinh mới khiến các nhà sản xuất trà Việt Nam chưa theo kịp. Sự kiện này càng làm gia tăng áp lực mà nhiều nhà sản xuất trong nước đang phải đối mặt: Đó là lựa chọn giữa thay đổi cách làm hay là rời khỏi ngành.

Hết thời chạy đua sản lượng

Cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, trà Việt Nam dù xuất khẩu với khối lượng thứ 5 toàn thế giới (đạt 217 triệu USD năm 2016) nhưng vẫn bị xếp vào hạng “không có thương hiệu”. Nguyên nhân do đa phần trà xuất khẩu nước ta chủ yếu xuất sang thị trường dễ tính, chưa có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn để thâm nhập vào thị trường yêu cầu chất lượng cao như EU, Mỹ…

Ông Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp hội Trà Việt Nam cho biết mỗi năm, ngành trà phải chịu thiệt hại hàng trăm tỷ đồng do ngành trà chưa thực hiện được đúng luật tiêu chuẩn, quy chuẩn về nguyên liệu, cách thức chế biến, tiêu thụ do Nhà nước ban hành.

Link bài viết

Mặc dù thời gian gần đây giá xuất khẩu trà đã tăng nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm quốc gia có giá xuất khẩu trà thấp nhất thế giới. Thậm chí có thời điểm trà Việt chỉ bằng một nửa giá bình quân của các nước. Đây là hệ quả của tình trạng 98% lượng trà xuất khẩu của Việt Nam ở dạng thô, đóng bao 50kg, trong khi thương hiệu thường chiếm tới 40 – 60% giá trị sản phẩm.

Bên cạnh việc sử dụng nguyên liệu chất lượng thấp, hiện nay Việt Nam có quá nhiều đầu mối xuất khẩu trà. Do đó, các đối tác nước ngoài thường sử dụng hợp đồng ký với đơn vị này để ép giá đơn vị kia. Các doanh nghiệp trong nước thay vì đầu tư nâng cao chất lượng, nâng giá xuất khẩu lại quay sang cạnh tranh lẫn nhau, ép giá xuống nông dân, khiến nông dân dần mất đi động lực chăm sóc cây trà tốt hơn.

Trái ngược với bức tranh ảm đạm của phân khúc sản xuất trà chất lượng trung bình, thị trường trà cao cấp Việt Nam tuy mới manh nha nhưng đang có nhiều tín hiệu tốt cả ở trong nước lẫn xuất khẩu. Trong 2 tháng đầu năm, trị giá và lượng trà xuất khẩu sang 2 thị trường chính trong khối EU là Ba Lan và Đức đều tăng mạnh. Giữa hàng ngàn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trà theo lối cũ, hiện đã xuất hiện một thế hệ người làm trà mới năng động, nhạy bén trước thay đổi của thị trường. Thay vì chạy theo sản lượng, một số người làm trà đã sẵn sàng đầu tư quy mô lớn, sản lượng thấp, lấy chất lượng làm đầu và bán với mức giá cao gấp nhiều lần trà bình thường.

Hình thành nền sản xuất trà chất lượng cao

Trong một hội thảo về trà ở New York, Mỹ, ông Peter Goggi – Chủ tịch Hiệp hội Trà Mỹ từng cho biết: “Trà Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội. Lịch sử trồng trà lâu đời, với những đồi trà và cây trà cổ thụ đã tồn tại qua nhiều thế hệ là những điều mà người tiêu dùng Mỹ rất hứng thú, đặc biệt là đối với phân khúc trà đặc sản”. Tuy nhiên, bên cạnh các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, rào cản khiến trà Việt khó vào được thị trường Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản chính là vị chát đặc trưng, bởi vì người dùng trà các nước này phần lớn ưa chuộng trà có vị ngọt.

2 năm gần đây, Công ty Trà Bashtea (Hà Giang) đã xuất khẩu thành công sang Mỹ, EU, Nhật Bản nhờ đầu tư vào thiết bị – kỹ thuật chế biến sản xuất ra lục trà Bách Shan – sản phẩm trà xanh ít chát. Sản phẩm trà búp tím của doanh nghiệp này cũng được người Nhật Bản và Trung Quốc ưa chuộng vì ngon, lạ và đặc biệt là có chất chống tia phóng xạ. Trà búp tím không dễ sản xuất vì nguyên liệu phải lấy từ những cây cổ thụ hơn 500 tuổi trên đỉnh Tây Côn Lĩnh.

Bền gan theo đuổi nghiệp làm trà thượng hạng còn phải kể đến thương hiệu Cao Sơn trà. 3 năm trở lại đây, bên cạnh lượng khách quen từ cộng đồng người Hoa ở TP.HCM, sản phẩm của doanh nghiệp này đã đến được Pháp, Đức, Ba Lan.

Trà sen của Cao Sơn có giá 1.000 euro/kg (khoảng 24 triệu đồng/kg), sản xuất tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Ðể trà Việt vào được các thị trường khó tính này, Nguyễn Cao Sơn – chủ doanh nghiệp đã mất 2 năm liên tục gửi trà đi thử nghiệm ở nước ngoài. Ngoài việc vượt qua các tiêu chuẩn chất lượng ngặt nghèo, mẫu mã và thương hiệu cũng là một vấn đề lớn.

Không những thế, Cao Sơn còn phải mang trà đi tham gia nhiều cuộc thi tại Nga, Ba Lan, Pháp, Ðức, Mỹ… để học hỏi kinh nghiệm và quảng bá trà. Nhiều sản phẩm trà Việt Nam sau khi được quốc tế công nhận đạt chuẩn về mẫu mã, hình thức, chất lượng còn được đánh giá cao đặc biệt ở tố chất. Bởi lẽ, cây trà Việt tồn tại 300 - 400 năm, chất lượng sẽ khác hẳn những cây trà mới trồng.

Tại các vùng nguyên liệu như Thái Nguyên, Lâm Đồng, hiện cũng xuất hiện nhiều gương mặt triển vọng trong giới sản xuất trà. Đó là những người trẻ đoạt giải trong các cuộc thi khởi nghiệp, thường là với các dự án sản xuất trà sạch. Cách làm của họ là liên kết chặt chẽ với nông dân, ứng dụng công nghệ – kỹ thuật sản xuất mới, đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư nghiêm túc và kiên trì vào mẫu mã, quảng bá thương hiệu. Thị trường mà đối tượng này nhắm đến bao gồm người tiêu dùng trung lưu trong nước, một số thị trường không quá khó tính như Nga, Indonesia, các nước Trung Đông…

Đặc biệt, Nga là thị trường được nhiều doanh nghiệp quan tâm do nhu cầu nhập khẩu trà ở nước này cao hàng đầu thế giới. Với lợi thế từ Hiệp định Việt Nam – EAEU, trà Việt Nam hiện có cơ hội xuất khẩu vào thị trường này và có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh chính là Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanka, do các nước này chưa có đàm phán với Liên minh Hải quan.

Trước đây, hầu hết trà Việt đều xuất đi Nga dưới dạng nguyên liệu thô, sau đó được đóng gói lại, pha trộn, hoặc chế biến để tiêu thụ ở thị trường nước sở tại hay xuất khẩu sang nước thứ ba. Vì vậy, trà Việt chỉ chiếm khoảng 5 – 20% giá trị sản phẩm cuối cùng.

Hiện nay đã xuất hiện một số doanh nghiệp Việt tự chế biến, đóng gói, sản xuất trà và xuất khẩu sang Nga bằng thương hiệu của mình như Hương Việt, Chính Sơn… Theo các doanh nghiệp này, tiềm năng ở thị trường trà nước Nga rất lớn, miễn là doanh nghiệp Việt quản trị tốt rủi ro và sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Áp lực thay đổi cho ngành trà Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO