Chuỗi liên kết sản xuất mía đường: Phải xem nông dân là then chốt

N.Quỳnh| 01/03/2022 04:21

Liên kết trong chuỗi sản xuất mía đường (nhà máy - nông dân) tại Việt Nam còn rất lỏng lẻo, thiếu tính bền vững, có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào do tỷ lệ phân chia lợi nhuận bất hợp lý, thiệt thòi luôn thuộc về phía nông dân. Vì thế, việc nâng cao vị thế của người trồng mía là rất cấp bách.

Bất bình đẳng

Tại hội thảo trực tuyến với chủ đề "Hướng tới phát triển bền vững ngành mía đường Việt Nam", do Forest Trends tổ chức cuối tháng 1/2022, ông Tô Xuân Phúc - đại diện Forest Trends đánh giá: "Quy mô ngành mía đường Việt Nam đang bị giảm sút rất mạnh, cả diện tích và sản lượng mía (giảm khoảng 30-40%) lẫn chế biến (sản lượng đường từ gần 2 triệu tấn trước đây nay chỉ còn khoảng 700-800 tấn/năm) và số nhà máy đường từ 40 niên vụ 2017-2018 nay còn 29). Nguyên nhân chính khiến quy mô ngành mía đường bị suy giảm là do năng lực cạnh tranh của ngành còn yếu kém".

Cụ thể, thứ nhất, sản xuất mía nguyên liệu đa số còn manh mún, nhỏ lẻ, chi phí cao. Hộ trồng mía là nhóm chủ thể quan trọng nhất trong khâu sản xuất mía (hộ, hợp tác xã, nông trường) liên kết với các nhà máy đường thông qua hợp đồng mua bán, song mối liên kết này còn rất lỏng lẻo, thiếu tính ràng buộc pháp lý, có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào. 

Thứ hai, chia sẻ lợi ích giữa các khâu trong chuỗi sản xuất mía đường mất cân đối rất nghiêm trọng. Trong khi người trồng mía cung ứng khoảng 80% nguyên liệu đầu vào để sản xuất ra đường, thì lợi ích họ được hưởng lại ở mức thấp nhất (chưa đến 11% lợi nhuận trung bình từ mía và đường), 89% lợi nhuận còn lại thuộc về các chủ thể khác (nhà máy đường, trung gian thương mại, thuế, phí). Do lợi nhuận thu được từ trồng mía trên cùng diện tích và loại đất thu được còn thua kém so với các cây trồng khác (lúa, sắn...) nên nông dân ở nhiều nơi bỏ trồng mía. 

Thứ ba, các nhà máy đường cạnh tranh không lành mạnh, nhất là cạnh tranh trong thu mua mía mỗi khi giá đường có lợi cho sản xuất, tạo ra môi trường tiêu cực. Một biểu hiện khác thể hiện mối liên kết bất bình đẳng, thiếu tính bền vững trong chuỗi sản xuất mía đường (giữa hai chủ thể nhà máy đường - người trồng mía), đó là việc xác định chất lượng cây mía nguyên liệu (chữ đường - CCS) khi thu mua mía của nông dân. Việc này hiện vẫn do chính các nhà máy đường thực hiện, không có bên thứ ba độc lập giám định nên thiếu tính khách quan, thiếu minh bạch, không tạo được niềm tin với người trồng mía. Đánh giá CCS là vấn đề người trồng mía đến nay vẫn rất bức xúc vì CCS cao hay thấp không đơn giản chỉ đo lường chất lượng của cây mía, mà còn căn cứ để đưa ra mức giá thu mua mía (theo tấn), nó gắn với thu nhập, lợi nhuận của nông dân và lợi ích của các nhà máy đường.

trang-11-6707-1646108436.jpg

Cải thiện vị thế người trồng mía

Các nhà máy đường đều nhận thức rất rõ cây mía là "nước", nhà máy là "cá”. Không có nước thì cá sẽ chết. Thế nhưng, trên thực tế giá mua mía lại gần như không phụ thuộc vào CCS mà phụ thuộc vào giá đường. Tức là khi giá đường có lợi cho sản xuất, tiêu thụ tốt, có lãi thì một số nhà máy đưa ra "chiêu" nâng CCS để cạnh tranh mua mía; khi giá đường trên thị trường không có lợi, khó tiêu thụ, sản xuất gặp khó khăn thì các nhà máy lại tìm cách đánh tụt CCS để mua mía với giá thấp.

Ông Hồ Thành Biên - một người trồng mía ở tỉnh Tây Ninh chia sẻ tại hội thảo: "Thế yếu của người trồng mía chúng tôi là không biết CCS các nhà máy đánh giá như thế nào. Tôi đem mía của mình cho đơn vị chuyên môn độc lập phân tích, so sánh với CCS do nhà máy đường đánh giá, kết quả cao hơn từ 1,8-4,6 CCS/tấn mía. Tuy nhiên, nhà máy đường không thừa nhận kết quả đánh giá từ bên thứ ba, nông dân vẫn phải chấp nhận do không có công cụ, phương tiện để kiểm soát việc đo lường chất lượng, không có vị thế để đưa ra tiếng nói quyết định về giá cả. Chênh lệch chỉ số CCS cao, thiệt hại rất lớn đối với người trồng mía, lợi ích thì nhà máy đường hưởng".

"Trong chuỗi liên kết sản xuất mía đường, ai cũng biết nông dân đóng vai trò then chốt, nhưng lợi nhuận được hưởng thì bèo bọt. Nhà nước cần có Luật Mía đường để điều chỉnh các mối quan hệ trong chuỗi sản xuất mía đường; quy định tỷ lệ phân chia lợi nhuận hợp lý; đánh giá CCS khách quan, độc lập, minh bạch, chính xác thông qua bên thứ ba. Nếu những vấn đề này không được xử lý hiệu quả, ngành mía đường sẽ thụt lùi, mối liên kết giữa nhà máy với người trồng mía chỉ là một "cuộc chơi" bất bình đẳng, có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào", ông Biên phát biểu.

Ông Võ Văn Lương - Giám đốc Nghiên cứu phát triển Công ty TNHH Mía Đường Nghệ An (NASUCO) cho biết: "NASUCO liên kết khá tốt với khoảng 15.000 hộ nông dân, họ được vay vốn với lãi suất ưu đãi để canh tác mía, được cung ứng vật tư, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật. NASUCO thu mua mía với giá thị trường, đúng với giá trị thật, đánh giá CCS bằng thiết bị hồng ngoại chính xác gần như tuyệt đối". Tuy nhiên, ông Lương cũng cho rằng, không loại trừ một số nhà máy khi mua mía thì đánh giá CCS thấp khiến người trồng mía thiệt hại.

"Để liên kết bền vững, các nhà máy đường cần phải hỗ trợ tốt nhất cho người trồng mía bằng giống, vốn, khoa học kỹ thuật và thu mua mía đúng với giá trị thực, chia sẻ hài hòa các lợi ích với nông dân", ông Lương khuyến nghị.

Theo bà Võ Thị Lý - Cục Chế biến và Thương mại nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, minh bạch đánh giá CCS là việc cần phải thực hiện triệt để nhằm đảm bảo công bằng với người trồng mía, để họ tin tưởng, yên tâm sản xuất. Điều ấy cũng sẽ góp phần "minh oan" cho những nhà máy đường làm ăn chân chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuỗi liên kết sản xuất mía đường: Phải xem nông dân là then chốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO