Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Bất cập và không phù hợp thực tiễn

N.Quỳnh| 02/05/2022 06:00

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang được Bộ Công Thương (cơ quan chủ trì soạn thảo) hoàn thiện. Một số chuyên gia cho rằng, quyền lợi người tiêu dùng (QLNTD) là vấn đề bao trùm hầu hết lĩnh vực liên quan đến sản xuất, mua bán, các bộ, ngành cũng như toàn xã hội đều phải có trách nhiệm bảo vệ.

343432-4180-1651027906.jpg

Bộ Công Thương cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng qua 10 năm thực thi, những quy định có liên quan đến trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh đối với quyền lợi của người tiêu dùng (NTD), vấn đề giao kết hợp đồng giữa NTD và bên kinh doanh, phương thức giải quyết tranh chấp giữa NTD và bên kinh doanh, cơ chế tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu của cơ quan nhà nước đã có những bất cập, không phù hợp với thực tiễn. Những quy định hiện hành cũng chưa điều chỉnh được đối với mô hình kinh doanh mới, thiếu cơ chế để huy động toàn xã hội tham gia bảo vệ QLNTD, chưa thể hiện được rõ vai trò của NTD trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững. Mô hình và nguồn lực để thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ QLNTD, cũng như các vấn đề đặt ra trong thực thi bảo vệ QLNTD theo các cam kết quốc tế cũng còn những vấn đề cần điều chỉnh.

Đó là những lý do chính cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo ông Đoàn Tử Tích Phước - Công ty CP Dịch vụ di động MOMO: "Bảo vệ QLNTD về bản chất là không thay đổi, nhưng phạm vi cần phải bảo vệ là quá rộng, bao trùm hầu hết lĩnh vực liên quan đến sản xuất, mua bán, đòi hỏi phải có nguồn lực rất lớn mới có thể giải quyết hiệu quả. Nếu định hướng sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà không huy động được các nguồn lực của các bộ, ngành và xã hội thì chắc chắn công tác bảo vệ QLNTD không có hiệu quả”.

Ông Vũ Tú Thành - chuyên gia thuộc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, bảo vệ QLNTD không thể bao trùm được hết những vấn đề có liên quan trong các lĩnh vực, các ngành, cho nên Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ nên đưa ra các quy định khung để các chuyên ngành khác cụ thể hóa bằng văn bản pháp luật phù hợp với tình hình và đặc thù của từng lĩnh vực, như vậy giải quyết vấn đề mới hiệu quả.

Theo ông Thành, một số nội dung của dự thảo trùng lặp với pháp luật chuyên ngành khác về bảo vệ QLNTD. Chẳng hạn như bảo vệ thông tin cá nhân NTD thì trong pháp luật chuyên ngành về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã đề cập rất chi tiết. Ban soạn thảo dự thảo cần tham vấn để đưa ra các quy định mang tính thống nhất, tránh chồng chéo, phải làm rõ được thẩm quyền xử lý vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân NTD thì tuân thủ theo văn bản quy phạm pháp luật nào. 

Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) chia sẻ: "Khái niệm bảo vệ QLNTD tại dự thảo là bảo vệ QLNTD đối với cá nhân mua sản phẩm vì mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, chứ không bao gồm các tổ chức. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện dự thảo theo hướng đưa ra các quy định cân bằng lợi ích giữa các bên, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và cân nhắc có những quy định khung phù hợp với pháp luật chuyên ngành khác, đồng thời quy định trách nhiệm của các bộ, ngành trong phạm vi, chức năng, quyền hạn đều phải có trách nhiệm bảo vệ QLNTD".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Bất cập và không phù hợp thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO