Chứng tê bàn tay do hội chứng ống cổ tay

BS. NGUYỄN TRỌNG ANH - Phó Chủ tịch Hội Y học Thể thao TP.HCM| 18/04/2012 06:38

Triệu chứng tê bàn tay rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý về cơ xương khớp hoặc những bệnh về thần kinh như thiếu canxi, chèn ép rễ thần kinh cột sống cổ...

Chứng tê bàn tay do hội chứng ống cổ tay

Nhiều người thường có cảm giác tê bì, đau nhức hay cứng các ngón tay, đặc biệt là lúc mới ngủ dậy vào buổi sáng hoặc khi lái xe. Triệu chứng tê bàn tay này rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý về cơ xương khớp hoặc những bệnh về thần kinh như thiếu canxi, chèn ép rễ thần kinh cột sống cổ...

Đọc E-paper

Thực tế, phần lớn người bị chứng tê tay là do hội chứng ống cổ tay. Hội chứng này là tình trạng dây thần kinh giữa đi trong ống cổ tay bị chèn ép tạo viêm sưng nề, gây tê các đầu ngón tay, nếu nặng có thể gây đau nhức bàn tay hoặc lan lên cánh tay.

Hội chứng ống cổ tay là một dạng chấn thương thầm lặng liên quan nhiều đến công việc thường làm mỗi ngày. Có hơn hai triệu người Mỹ bị hội chứng này mỗi năm.

Còn ở Việt Nam, số người mắc bệnh này khá nhiều. Bệnh thường gặp ở phụ nữ (tiền kinh, mãn kinh, có thai hoặc sau sinh nở) và những người phải sử dụng động tác cổ tay và bàn tay nhiều trong công việc như băm thịt, nhân viên văn phòng, công nhân hay vặn tuốc-nơ-vít, khoan vật cứng, thợ may thêu, vận động viên thể thao...

Nguyên nhân thường gặp là do chấn thương vùng cổ tay, sau gãy xương và bướu vùng cổ tay, bệnh lý thần kinh giữa..., nhưng phần lớn bệnh nhân lại không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng.

Để phòng tránh bệnh, chúng ta nên hạn chế sử dụng bàn tay liên tục trong thời gian dài cho các công việc: khoan rung, đánh máy vi tính, băm thịt... Bàn tay nên có thời gian nghỉ ngơi, tập những bài tập kéo căng thần kinh giữa như: khép, xòe các ngón tay, xoay bả vai…, hạn chế dùng chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu...

Hội chứng ống cổ tay tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được chữa trị sẽ diễn tiến đến biến chứng tê nhức cả cánh tay, rối loạn lưu thông máu và teo cơ bàn tay, thần kinh teo nhỏ với khả năng phục hồi rất thấp dù điều trị phẫu thuật.

Do đó, nếu có triệu chứng tê bàn tay, bạn nên đến ngay bác sĩ chuyên khoa y học thể thao để được chẩn đoán và điều trị. Thông thường, bác sĩ sẽ khám test thần kinh, chẩn đoán chính xác bằng điện cơ (EMG) và loại trừ một số bệnh lý cột sống cổ gây chèn ép thần kinh làm tê tay tương tự.

Bệnh ở giai đoạn sớm có thể được điều trị bằng thuốc đặc trị, đeo nẹp tay hỗ trợ, ngưng làm động tác có thể làm nặng triệu chứng và bài tập điều trị đặc biệt.

Bệnh ở giai đoạn muộn hơn hoặc qua một thời gian mà việc điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu không hiệu quả thì phẫu thuật giải phóng dây thần kinh khỏi bị chèn ép là phương pháp điều trị tối ưu. Thao tác phẫu thuật này khá đơn giản mà hiệu quả, bệnh nhân không phải nằm lại bệnh viện và thời gian phục hồi nhanh.

Từ trước đến nay, phương pháp mổ mở cắt dây chằng ngang cổ tay giải ép thần kinh giữa vẫn được các phẫu thuật viên sử dụng rộng rãi trên thế giới và tại Việt Nam. Tuy cũng đạt hiệu quả cao trong điều trị nhưng vẫn có nhược điểm là sẹo mổ dài từ 2 - 4cm, có thể đau sẹo sau mổ và xơ dính thần kinh.

Thời gian gần đây, kỹ thuật phẫu thuật nội soi điều trị hội chứng ống cổ tay được các chuyên gia nội soi phẫu thuật bàn tay ứng dụng rộng rãi trên thế giới với ống soi và các dụng cụ chuyên dùng.

Phương pháp này chỉ để lại một vết rạch da nhỏ khoảng 0,6cm nơi cổ tay, ống soi đưa vào bên trong lòng ống cổ tay, quan sát trực tiếp thần kinh và dây chằng ngang cổ tay. Sau đó, lưỡi dao nhỏ chuyên dụng sẽ rạch dọc toàn bộ dây chằng ngang, giải phóng thần kinh.

Toàn bộ thời gian phẫu thuật không đến 10 phút, bệnh nhân đau rất ít sau mổ, có thể xuất viện trong ngày và trở lại tái khám từ 2-3 ngày sau mổ.

Phương pháp này để lại sẹo mổ nhỏ, thẩm mỹ và hạn chế được các biến chứng đau sẹo, xơ dính thần kinh sau này nên đã được ứng dụng tại Việt Nam hơn ba năm qua và cho kết quả rất tốt.

Sau phẫu thuật, việc tập phục hồi cũng không kém phần quan trọng nhằm tránh sẹo đau xơ dính, cứng khớp tắc nghẽn lưu thông máu bàn tay...

Bắt đầu từ ngày thứ ba sau phẫu thuật nội soi (hoặc ngày thứ tám sau mổ thường), bệnh nhân cần ngâm tay nước ấm năm phút mỗi ngày hai lần, đồng thời thường xuyên tập các bài tập nhẹ nhàng như: nắm thả bàn tay; bẻ căng cổ tay, ngón tay; khép, xòe các ngón tay; xoay bả vai…

Tóm lại, hội chứng ống cổ tay là một bệnh lý khá phổ biến, thường gặp ở phụ nữ, bác sĩ chuyên khoa dễ dàng chẩn đoán chính xác nhờ phương pháp đo điện cơ. Phẫu thuật là phương pháp điều trị hữu hiệu nếu điều trị nội khoa bằng thuốc uống không hiệu quả.

Nếu chẩn đoán và điều trị muộn sẽ dẫn đến biến chứng tê nhức cả cánh tay, rối loạn lưu thông máu, teo cơ bàn tay và thần kinh teo nhỏ với khả năng phục hồi rất thấp dù điều trị phẫu thuật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng tê bàn tay do hội chứng ống cổ tay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO